GS.Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp”, vì cả 2 đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

GS.Nguyễn Mại: Cần cách tiếp cận thích hợp với ngành nghề và hành vi mới

Bùi Trí Lâm | 15/10/2019, 13:30

GS.Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp”, vì cả 2 đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

Tại hội thảo Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15.10, GS.Nguyễn Mại nhận định, dự thảo Luật Đầu tư tuy có danh mục các ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhưng chưa quy định rõ ràng mức độ ưu đãi cần thiết; dự thảo Luật Doanh nghiệp không thấy đề cập đến những nội dung của hai Nghị quyết 50 và 52 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) đề xuất Ban soạn thảo cần lưu ý 2vấn đề quan trọng: cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bắt đầu, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh như về Grab,Uber hay là fintech, AI, có một số ngành nghề mới xuất hiện.

Do đó, ông Mại cho rằng cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp”, vì cả 2 đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

“Cách tiếp cận khoa học là cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Khi chưa có luật thì Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ ban hành nghị định để điều chỉnh các hành vi mới vừa du nhập vàonhằm không tạo ra khoảng trống pháp lý, đồng thời từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật pháp”, ông Mại nói.

Ông cũng lưu ý cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

"Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư. Tuy nhiênquy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồmbảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh", GS.Mại nói.

Ông cũng nhấn mạnh cần có một chương trình "bảo đảm đầu tư" để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi nhàđầu tư, gồm bảo đảm quyền sở hữu tài sản; bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài; bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Ảnh chụp tại hội thảo

Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, sửa đổi Luật Doanh nghiệp có một nội dung rất quan trọng là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của OECD hay Basel.

Lấy mộtví dụ về bảo vệ cổ đông, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, ông đề xuất cổ đông sở hữu 1% cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu, so với mức 10% sở hữu trong 6 tháng liên tục hiện nay.

“Khi chúng tôi đưa ra ý kiến này thì rất nhiều người phản đối, đề nghị giữ nguyên mức như hiện nay, người ta lo sợ cổ đông vào quấy phá công ty. Tuy nhiên nếu muốn tăng cường khả năng quản trị dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể giữ tư duy thế này được”, ông Hiếu nói.

Dẫn ví dụ ở Nhật, ông Hiếu cho hay chỉ cần 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp. Ở Hàn Quốc khắt khe hơn với tỷ lệ 3%. “Do đó, chúng tôi thấy mức 1% là hợp lý. Chúng tôi đã khảo sát với hơn 300 doanh nghiệp trên sàn HoSEvà kết luận rằng 1% cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết là rất lớn, và không ai chịu mạo hiểm quyền lợi của mình liên quan đến 1% cổ phần để quấy phá doanh nghiệp cả", ông Hiếu nêu.

Còn ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị VCCI rà soát, đánh giá thực trạng chồng chéo luật và nghị định Việt Nam hiện nay.

VCCI nhận thấy rằng, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp.

Có 20 ví dụ điển hình về xung đột trongcác bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại điều 171.2yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhưng Luật Đầu tư tại điều 33quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

“Ngoài các ví dụ điển hình đã nêu, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Tuấn cho biết.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Theo ông, giải pháp cần làm hiện nay là rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề. Phối hợp và thống nhất làm việc giữa các ban soạn thảo các luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ Môi trường, PPP... Dùng một luật sửa nhiều luật. Đồng thời, cần có thiết chế, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, gác cổng. Soạn luật cần chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS.Nguyễn Mại: Cần cách tiếp cận thích hợp với ngành nghề và hành vi mới