Báo cáo của CDC Hà Nội cho thấy, trong tuần đầu tiên của tháng 10.2023 số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.

Hà Nội có gần 300 bệnh nhân mắc tay chân miệng từ đầu tháng 10.2023

Dạ Thảo | 11/10/2023, 06:33

Báo cáo của CDC Hà Nội cho thấy, trong tuần đầu tiên của tháng 10.2023 số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29.9 đến 6.10), Hà Nội có thêm 265 ca mắc tay chân miệng (tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó).

Một số quận, huyện tại TP.Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca). Như vậy, số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10 đã tăng gấp đôi so với 2 tuần cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8.

Vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9.2023, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn TP ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngoài ra, trong tuần (từ ngày 29.9 đến 6.10), TP cũng đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại 2 quận, huyện là Sóc Sơn và Đống Đa. Cộng dồn từ đầu năm đến nay đã có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.

Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt, trong tuần qua, một số quận, huyện có số mắc tăng cao như: Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức… đã ghi nhận các ổ dịch tại các trường mầm non, mẫu giáo.

Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do nhóm virus đường ruột Enterovirus gây nên, thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus type 71. Trong số đó, Enterovirus type 71 (EV71) gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có đến 90% là ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

CDC Hà Nội khuyến cáo để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... đồng thời hướng dẫn giáo viên các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, học sinh, ngay từ đầu năm học mới, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn hoặc khi cho trẻ ăn, trước khi bế, ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như: cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như: đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn hoặc ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Bài liên quan
Hà Nội: Lượng khách qua các bến xe tăng hơn 350% dịp Tết Nguyên đán
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ Tết Nguyên đán là 2.486 chiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội có gần 300 bệnh nhân mắc tay chân miệng từ đầu tháng 10.2023