Về công tác xử lý các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tính đến ngày 2.4, có 50/79 công trình đã được nghiệm thu về PCCC. Như vậy, thành phố còn tồn tại 29 công trình vi phạm về PCCC, trong đó có 15 công trình khó có khả năng khắc phục.
Sáng 3.4, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội chủ trì hội nghị kiểm điểm tình hình công tác PCCC trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại hội nghị, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cho biết: năm 2017 và quý I/2018, thành phố đã xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ (năm 2017: 820 vụ, quý I/2018: 280 vụ), trong đó, có 31 vụ cháy thiệt hại nghiêm trọng, 87 vụ cháy nhà cao tầng.
Hỏa hoạn đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỉđồng và 6,3ha rừng. Tuy nhiên, Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố nhận định: tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng.
Cũng trong thời gian này, Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra, phúc tra gần 38 nghìn lượt đơn vị, cơ sở, phát hiện và yêu cầu các đơn vị, cơ sở khắc phục hơn 105 nghìn tồn tại thiếu sót về PCCC, xử phạt hơn 4 nghìn tổ chức, cá nhân số tiền gần 13 tỉ đồng.
Qua công tác điều tra cơ bản, phân loại cơ sở qua rà soát đã thống kê trên địa bàn thành phố có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC. Qua đó lập hồ sơ quản lý 18.246 cơ sở, trong đó có 8.207 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ.
Về công tác xử lý các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tính đến ngày 2.4, có 50/79 công trình đã được nghiệm thu về PCCC. Như vậy, thành phố còn tồn tại 29 công trình vi phạm về PCCC, trong đó có 15 công trình khó có khả năng khắc phục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu yêu cầu với những công trình không đảm bảo PCCC thì tiếp tục kiểm tra, xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt phải xây dựng quy trình cưỡng chế công trình vi phạm. Đồng thời yêu cầu Sở Tư pháp Hà Nội nghiên cứu quy trình để lên kế hoạch cưỡng chế, thực hiện dựa trên các quy định pháp luật, đảm bảo các điều kiện cần và đủ để cưỡng chế công trình vi phạm.
Đối với các công trình nhà cao tầng có nhiều thiếu sót về PCCC, cần phân loại đôn đốc thực hiện khắc phục sớm, trước 30.4.2018, phải xong những công trình có khả năng khắc phục. Việc kiểm tra khắp phục cần phải được làm thường xuyên, tránh tình trạng các trường hợp chây ỳ, cố tình không thực hiện nghĩa vụ và các quy định của nhà nước về PCCC.
Sau thời gian này, lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC thành phố chuyển danh sách một số chủ đầu tư chây ỳ để UBND thành phố xem xét,đề nghị khởi tố điều tra, xử lý đúng quy định của pháp luật.
Đối với nhà cao tầng, ông Sửu yêu cầu trong thiết kế thiếu cầu thang thoát hiểm có thể nghiên cứu xây dựng cầu thang ngoài trời, cầu thang có lưới bảo vệ, có khả năng chịu lực, chống cháy để đảm bảo di tản người khi xảy ra cháy.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ có công văn gửi Bộ Công an và Cục Cảnh sát PCCC và CNCH về thay đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn theo hướng nâng cao các tiêu chí về PCCC, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nghiêm khắc phê bình Sở Xây dựng Hà Nội về việc 6 tháng cuối năm 2017 và quý I/2018 đã không lắp đặt trụ nước chữa cháy, trong khi thành phố còn thiếu 3.477 trụ và cần ngay 577 trụ nước.
Nam Phong