Nguyễn Lê Hoài Anh hiện đang là giảng viên khoa 'Công tác Xã hội' của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cách đây 2 năm, chính chị đã góp công lớn trong việc đưa học phần 'CTXH với người đồng tính, song tính, chuyển giới' vào chương trình giáo dục của trường, đánh dấu một bước ngoặc lớn cho công tác vận động quyền của người LGBT trong môi trường sư phạm.

Hà Nội: Gặp gỡ cô giáo 8X đưa chủ đề 'LGBT' vào trường đại học

Một Thế Giới | 03/11/2014, 12:01

Nguyễn Lê Hoài Anh hiện đang là giảng viên khoa 'Công tác Xã hội' của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Cách đây 2 năm, chính chị đã góp công lớn trong việc đưa học phần 'CTXH với người đồng tính, song tính, chuyển giới' vào chương trình giáo dục của trường, đánh dấu một bước ngoặc lớn cho công tác vận động quyền của người LGBT trong môi trường sư phạm.

Chị cho biết ý tưởng của môn học "Công tác xã hội với người đồng tính, song tính và chuyển giới" được nảy sinh từ khi nào không?
Sự ra đời của môn học là cả một quá trình lâu dài, được "ấp ủ" khá lâu trước khi hiện thực hóa. Trước tiên đó là việc tôi được tham dự khóa tập huấn của Viện Nghiên cứu Xã hôi, Kinh tế và Môi trường (iSEE) vào năm 2010 về đa dạng tính dục. Hoạt động đó đã giúp tôi bước đầu có mong muốn tìm hiểu về chủ đề người LGBT. Về sau tôi còn tham gia một chuỗi các hoạt động của iSEE. Trong đó, điểm ấn tượng nhất là khi iSEE kết nối cho tôi với Trung tâm ICS với buổi giao lưu "Bạn hiểu gì về LGBT?". Khi đã hình thành những kiến thức cơ bản, tôi càng có mong muốn phải làm gì đó cho cộng đồng. 
Các khóa tập huấn, hội thảo của những tổ chức khác như CCIHP, ISDS, Rutgers WPF; chuỗi hoạt động của CSO… cộng thêm các khóa tập huấn, hội thảo, buổi chia sẻ của các bạn trong cộng đồng, của các mẹ trong PFLAG đã giúp tôi càng có thêm động lực lớn lao để thấy rằng nghề công tác xã hội (CTXH) của chúng tôi rất rất cần tìm hiểu, có nhận thức đúng đắn về xu hướng tính dục, về cộng đồng LGBT để cùng đồng hành với các gia đình, các tổ chức để cùng hành động. 
Ha Noi: Gap go co giao 8X dua chu de  LGBT  vao truong dai hoc
Chị mất bao lâu để có thể đưa ý tưởng thành hiện thực?
Từ chính bản thân mình có được những nhận thức đúng đắn, tôi muốn chia sẻ và nhân rộng những việc làm đúng đắn này và kênh giáo dục là kênh có hiệu quả lâu dài, sâu rộng và có tác động rất lớn cho cộng đồng, xã hội. Do vậy, ý tưởng này vẫn luôn ấp ủ để tìm có cơ hội sẽ thực hiện. Đồng thời, với quá trình thu thập thông tin, kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, tôi đã chia sẻ và đưa những gì học hỏi được chia sẻ tại khoa cho giảng viên, BCN và sinh viên tại khoa và đó là quá trình giúp mọi người trong khoa tiếp cận và tìm hiểu, quen thuộc về nội dung này. 
Sinh viên được tham gia rất nhiều các hội thảo, hoạt động giao lưu, flash-mob do iSEE tổ chức để tìm hiểu về LGBT. Trong khoa, tôi cũng viết các bài hội thảo tại khoa, trường, hội thảo quốc tế về nội dung này để chia sẻ. Quá trình tiếp cận, làm quen và giúp mọi người hiểu về LGBT đã thấm dần dần. Chính vì thế, khi trường có sự thay đổi về chương trình đào tạo, đó là thay vì sinh viên phải thi tốt nghiệp sẽ học 4 học phần thay thế. Với tư cách là một thành viên trong Hội đồng Khoa học Khoa, tôi đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để đề xuất nội dung học phần "CTXH với người đồng tính, song tính, chuyển giới" và ngay lập tức đã được Hội đồng Khoa học Khoa đồng ý, phê duyệt. Thật sự đây là một thử thách lớn cho bản thân tôi khi phải xây dựng mới hoàn toàn học phần này. 
Ha Noi: Gap go co giao 8X dua chu de  LGBT  vao truong dai hoc
Hình ảnh được đăng tải lên Facebook cá nhân
của chị Nguyễn Lê Hoài Anh 
Công việc chính đòi hỏi những gì?
Từ những tài liệu, ấn phẩm của iSEE, ICS cộng thêm các kiến thức, kinh nghiệm, câu chuyện thực tế được tích lũy, tôi cùng 2 giảng viên khác tại Khoa là Nguyễn Thu Trang, Ngô Thị Thanh Mai bắt tay xây dựng học phần này. Phụ trách giảng dạy chủ yếu là tôi và Trang. Tuy nhiên do thời gian Trang mang bầu nên nội dung này vẫn chủ yếu do tôi phụ trách giảng dạy. 
Trong quá trình giảng dạy, tôi vừa dạy, vừa học hỏi, bổ sung và chỉnh sửa dần dần. Trong quá trình học, chúng tôi cho sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa khác của cộng đồng, ví dụ như đi tham quan triển lãm Mở - Bằng - Yêu; chuỗi hoạt động của CCIHP tổ chức về Queer Forever; mời trực tiếp các bạn trong cộng đồng đến chia sẻ. 
Năm đầu tiên là sự tham gia của Huy - đại diện iSEE, năm thứ hai tôi mời chị Hòa bên CSAGA có kinh nghiệm tư vấn cho LGBT, đặc biệt các bạn đồng tính nữ và Nguyên – iSEE tới chia sẻ. Các buổi chia sẻ, giao lưu giúp các bạn hiểu hơn rất nhiều về cộng đồng, thái độ thay đổi rất rất nhiều; không còn những suy nghĩ, quan niệm sai lầm về cộng đồng như trước.
Sau 2 năm thực hiện, chị nghĩ như thế nào về tác động cũng như hiệu quả của quá trình giảng dạy?
Trong hoạt động giảng dạy, ngoài các nội dung tôi chia sẻ trên lớp, sinh viên được thực hiện các tiểu luận về các chủ đề liên quan đến LGBT và được thuyết trình trước lớp về các chủ đề này. Ở năm đầu tiên áp dụng với sinh viên K59, tôi sử dụng hình thức thi cuối kỳ là hoạt động truyền thông vận động quyền cho LGBT theo các nhóm quyền khác nhau. Năm này hiệu quả khá tốt, ấn tượng. Nhưng năm sau với K60 em thử nghiệm hình thức mới là thi trắc nghiệm kiến thức về LGBT với nhiều câu hỏi đòi hỏi việc tự tìm tòi, đọc tài liệu, nghiên cứu về LGBT thì các kiến thức cơ bản các bạn đều trả lời đúng nhưng với những câu hỏi mở rộng thì các bạn có thể chưa tìm hiểu sẽ khó có câu trả lời chính xác.
Ha Noi: Gap go co giao 8X dua chu de  LGBT  vao truong dai hoc
Năm nào sau khi kết thúc hoạt động giảng dạy, tôi đều hỏi ý kiến đánh giá của sinh viên về việc giảng dạy và kết quả thu lượm được qua môn học. Nhìn chung, các bạn đánh giá đều rất tích cực về học phần này vì giúp mang đến cho các em những kiến thức vô cùng mới mẻ, thách thức với những quan niệm, định kiến có sẵn, giúp các bạn có cái nhìn đa chiều, đặc biệt là tôn trọng sự đa dạng. Những buổi chia sẻ của các bạn trong cộng đồng tại lớp học giúp các bạn thay đổi thái độ rất nhiều về cộng đồng. 
Thậm chí có những bạn sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, không phải học 4 học phần thay thế nhưng cũng xin đến lớp để dự học. Mỗi năm học đều có 2 sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp về nội dung này cũng như 02 sinh viên làm NCKH về chủ đề LGBT.
Có một sinh viên của khóa K59 sau khi kết thúc môn học đã chia sẻ về hoàn cảnh gia đình của một người anh họ là người đồng tính nhưng đã lập gia đình và có con nhưng không cảm thấy hạnh phúc. Qua việc học môn này, bạn ý đã hiểu hơn rất nhiều và đã có thể chủ động để nói chuyện và dùng kỹ năng của CTXH để cùng chia sẻ với người anh họ của mình.
Một số các trường đào tạo về CTXH khác cũng biết tới việc đào tạo của trường có học phần này, bởi chưa có trường nào có một học phần riêng về nội dung LGBT.
Trong phạm vi trường, qua các hoạt động đào tạo và ngoại khóa về nội dung LGBT, giúp cho ngôi trường vốn rất mô phạm và ngại va chạm với những chủ đề gọi là "nhạy cảm" như LGBT cũng đã quen thuộc hơn. Ví dụ như sự kiện “Nào ta cùng tím”; các buổi giao lưu về LGBT đều có sinh viên của các khoa ngoài CTXH tham gia và các bạn thực sự rất thích thú với những thông tin mới mẻ, giúp các bạn có cái nhìn cởi mở, đúng đắn hơn về LGBT.
Ngoài việc giảng dạy chính thức học phần này cho sinh viên của Khoa thì trong các môn học khác như "Xã hội học", "Giới và phát triển", "Phương pháp nghiên cứu trong CTXH"...tôi đều lồng ghép để đưa những kiến thức về tính dục, xu hướng tính dục, LGBT cho sinh viên cũng như các khoa "Việt Nam học", "Giáo dục đặc biệt"; "Tâm lý giáo dục" cũng như học viên hệ tại chức, từ xa của ngành CTXH ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Do vậy, ít nhiều những kiến thức, hiểu biết cơ bản về LGBT đã được chia sẻ, nhân rộng.
Chị có dự định nào trong tương lai hay không?
Dự định lớn hơn của tôi là có thể xuất bản tài liệu chuyên khảo cho môn học này để có thể chia sẻ, nhân rộng cho các trường đào tạo CTXH khác. Muốn vậy, tôi rất muốn có buổi hội thảo hay chia sẻ để góp ý cho đề cương môn học này cũng như bản nháp tài liệu này. Tôi cũng mong muốn có các công cụ của bên ICS thiết kế (như các bài cho các hoạt động tập huấn mà ICS vẫn làm) để có thể dùng cho hoạt động giảng dạy, tập huấn.
H.Y - Ảnh NVCC
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Gặp gỡ cô giáo 8X đưa chủ đề 'LGBT' vào trường đại học