Các ứng dụng như Grab, Now… đồng loạt thông báo ngừng dịch vụ chở khách, giao đồ ăn sau khi Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày.
Theo Chỉ thị 17/CT-UBND về việc thực hiện giãn cách xã hội từ sáng nay, 24.7, Hà Nội sẽ đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Theo đó, đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn.
Cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cở sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn thăm viếng.
Các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng; yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode.
Hà Nội cũng dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải (vận tải hàng hóa thiết yếu được ưu tiên “luồng xanh” vào thành phố).
Như vậy, nhà hàng ăn uống không nằm trong danh sách các cơ sở được phép hoạt động, dù là chỉ bán hàng ăn uống mang về như trước đây. Trước tình hình này, nhiều hãng xe công nghệ và dịch vụ giao hàng đã có thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ vận chuyển.
Thông báo đến tài xế và khách hàng, Grab cho biết sẽ tạm ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách 2 bánh (GrabBike, GrabBike Economy), dịch vụ vận chuyển hành khách 4 bánh (GrabCar, GrabCar Economy, GrabCar Plus, GrabCar doanh Nghiệp, GrabTaxi) và dịch vụ giao đồ ăn GrabFood trên địa bàn TP Hà Nội trong vòng 15 ngày kể từ 6 giờ ngày 24.7.
Các dịch vụ GrabExpress và GrabMart vẫn hoạt động bình thường. Riêng dịch vụ GrabExpress chỉ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị y tế...
Ứng dụng giao đồ ăn Beamin cũng thông báo đến khách hàng về việc tạm dừng các dịch vụ giao đồ ăn. Trong thông báo ngừng dịch vụ, Beamin viết: "Hà Nội ơi, vì sức khoẻ của bạn là trên hết, Beamin xin tạm dừng dịch vụ giao đồ ăn từ 7 giờ 30- ngày 24.7 để cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19. Dịch vụ Beamin đi chợ vẫn hoạt động bình thường".
Trong khi đó, Now cũng thông báo tạm ngưng dịch vụ NowFood tại TP Hà Nội cho đến khi có thông báo từ Cơ quan Nhà nước. NowFresh và NowShip vẫn được hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ.
Riêng dịch vụ NowShip chỉ vận chuyển các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc men, trang bị y tế).
Now cho biết tài xế cam kết đảm bảo tuân thủ các quy tắc phòng dịch trong quá trình giao hàng, cụ thể tài xế được yêu cầu sử dụng khẩu trang trong suốt quá trình làm việc.
Trả lời báo chí, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước mắt, theo chỉ đạo của thành phố, đối với shipper trên địa bàn thủ đô sẽ tạm dừng hoạt động. Lý do, hiện nay chưa thể kiểm soát được lực lượng shipper (giao hàng) này. Trong quá trình thực hiện chỉ thị mới, nếu có các vấn đề phát sinh, Sở sẽ theo dõi và tổng hợp, báo cáo, tham mưu cho UBND thành phố để có chỉ đạo cụ thể, kịp thời để đáp ứng tình hình cụ thể.
Trước đó, Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị tăng cường các biện pháp khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, tìm kiếm nguồn hàng thay thế, bổ sung từ các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh thực hiện bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…
Ngoài ra, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đăng ký nhu cầu vận chuyển, điểm đi - đến của các phương tiện lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu của đơn vị trên địa bàn Hà Nội và liên tỉnh để được tạo điều kiện, ưu tiên trong việc hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát, phân luồng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng phải đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng.
Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, không tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, thành phố đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu để phục vụ nhu cầu người dân.