“Tôi đề nghị phải tính cả phương án khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, Bí thư Hà Nội nói.

Bí thư Hà Nội: Cần thiết sẽ huy động trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm

Lam Thanh | 24/07/2021, 11:55

“Tôi đề nghị phải tính cả phương án khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, Bí thư Hà Nội nói.

Ý thức người dân vô cùng quan trọng

Trước diễn biến xấu của dịch COVID-19,  UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND chính thức triển khai thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 6 giờ, ngày 24.7.

bi-thu-3.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Trao đổi về nguyên nhân đưa ra quyết định quan trọng nêu trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong khi dịch diễn biến phức tạp trên cả nước với chủng Delta, tại Hà Nội cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây, cho thấy nguy cơ lây lan dịch rất lớn.

Để có biện pháp phù hợp, lãnh đạo thành phố đã quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố,  thôn bản cách ly với thôn bản, xã phường cách ly với xã phường, quận huyện cách ly với quận huyện, thành phố cách ly với tỉnh, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo quy định...

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định quyết định áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg đã được chuẩn bị kỹ, có phương án tương ứng để bảo đảm việc thực hiện ít xáo trộn nhất cho đời sống nhân dân và phát huy hiệu quả cao.

“Trên thực tế, Hà Nội đã có kinh nghiệm áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg trong năm 2020. Ngay trước khi thực hiện giãn cách xã hội lần này, thành phố đã áp dụng các biện pháp tiệm cận. Qua đó cho thấy không chỉ cấp ủy, chính quyền thành phố đã có sự chuẩn bị nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, mà bản thân người dân cũng làm quen và dần thích nghi với Chỉ thị số 16/CT-TTg”, Bí thư Thành ủy nói.

Nhấn mạnh vai trò trung tâm, chủ thể của người dân trong phòng chống dịch COVID-19, ông Dũng kêu gọi mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.

Đặc biệt, cần thực hiện khai báo y tế hằng ngày, liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

“Ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong lúc này là vô cùng quan trọng. Mong rằng từng cá nhân hãy cố gắng có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Duy trì hoạt động siêu thị ngay cả khi có F0

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của chỉ thị này và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt trong lỏng”, bởi đây vẫn là hạn chế, nhất là cấp cơ sở.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng chống dịch để người dân biết liên hệ, tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống.

Cụ thể hóa trách nhiệm giám sát địa bàn cho từng cá nhân, cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố cũng như khuyến khích các kênh giám sát của nhân dân thông qua mạng xã hội của khu dân cư địa phương.

Theo Bí thư Hà Nội, ngành công thương đã phối hợp tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích gấp 3 lần bình thường, nhiều mặt hàng tăng gấp 5.

Chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa quả, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm vẫn được phép hoạt động. Phương án cung ứng hàng hóa với 3 cấp độ tùy từng tình huống dịch đã sẵn sàng. Sở GTVT đã tạo “luồng xanh” thông suốt và cấp mã ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích phải có phương án duy trì hoạt động ngay cả khi phát hiện có ca F0, bằng cách khoanh vùng cục bộ hoặc chuyển địa điểm, không đóng cửa.

Các sở ngành thành phố bảo đảm sẵn sàng trưng dụng xe thư báo, chuyển phát nhanh để vận chuyển, cung cấp hàng hóa duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng và nguồn cung lương thực, thực phẩm.

“Tôi đề nghị phải tính cả phương án, khi cần thiết huy động xe ô tô quân đội, máy bay trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm...”, ông Dũng nói.

Không để đứt gãy cung ứng hàng hóa

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hệ thống y tế, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo nâng cao mọi mặt năng lực tiếp nhận và điều trị các ca F0, nhất là các trường hợp nặng; bảo đảm số lượng giường bệnh theo các kịch bản tương ứng là 5.000, 10.000 và 20.000 ca.

Thành phố cần rà soát ngay để cần thiết trưng dụng các chung cư chưa đưa vào sử dụng làm bệnh viện dã chiến. Trong đó, Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thẩm định nếu đủ điều kiện giao Bộ Tư lệnh thủ đô quản lý vận hành, chuẩn bị đủ đồ dùng cơ bản.

Ngành y tế chịu trách nhiệm về công tác chuyên môn, chăm sóc người bệnh. Trước mắt, cần tranh thủ từng phút, từng giờ để thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới phát sinh; triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên trên diện rộng để khóa chặt F0 và hướng dẫn chuyên môn.

Song song với đó, cần tiếp tục rà soát, chuẩn bị mọi điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm vắc xin đã phê duyệt ngay khi được trung ương phân bổ.

Ngoài ra, thành phố phải có phương án, kế hoạch cụ thể bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện cách ly triệt để một khu vực hoặc một đơn vị hành chính cấp xã, thậm chí cấp huyện khi có nhiều ca F0.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các sở ban ngành, quận huyện, thị xã phải xây dựng kịch bản cho tình huống này để có giải pháp tổ chức như cung cấp hàng hóa, thuốc men đến từng hộ gia đình; giúp người dân yên tâm thực hiện cách ly.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng đồng thời phải kiên trì thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Đây chính là “mục tiêu kép” có tương quan chặt chẽ với nhau; bởi không khống chế được dịch, rất khó để tổ chức sản xuất, kinh doanh.

“Ngược lại nếu vì khó khăn mà không xoay xở duy trì sản xuất thì về lâu dài sẽ thiếu nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ngành công thương thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất hàng hóa, không để đứt gãy”, ông Đinh Tiến Dũng chỉ đạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Hà Nội: Cần thiết sẽ huy động trực thăng để vận chuyển thuốc men, thực phẩm