Khi số ca F0 mắc tăng hơn 1.000 người/ngày, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng các trạm y tế lưu động và đưa ra hướng dẫn điều trị bệnh tại nhà.

Hà Nội hướng dẫn điều trị F0 và cho dùng thuốc Molnupiravir tại nhà

Dạ Thảo - Ảnh: Sở Y tế Hà Nội | 17/12/2021, 12:31

Khi số ca F0 mắc tăng hơn 1.000 người/ngày, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng các trạm y tế lưu động và đưa ra hướng dẫn điều trị bệnh tại nhà.

Hà Nội đưa hướng dẫn cho các F0 điều trị tại nhà

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 16.12, TP có 10.828 ca bệnh COVID-19 đang được điều trị. Trong đó, 8.963 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung (Bệnh viện Bệnh viện nhiệt đới trung ương điều trị 82 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 175 ca; 29 bệnh viện khác ở Hà Nội điều trị 2.014 ca; các cơ sở thu dung điều trị 3.230 ca; các trạm y tế lưu động 3.462 ca).

Ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện nay các F0 không có triệu chứng đang được cho cách ly tại nhà và đã có hướng dẫn cần thiết cho những người mắc bệnh. Theo quy định của thành phố hiện nay, việc vận chuyển F0 từ nhà đến các cơ sở thu dung điều trị tầng 1 (với các bệnh nhân nhẹ), vận chuyển bệnh nhân từ các cơ sở thu dung tầng 1 lên các tầng 2 và tầng 3 là do chính quyền địa phương phụ trách. Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội và các đơn vị khác trong ngành y tế TP sẽ đáp ứng vận chuyển những bệnh nhân nặng trong trường hợp quận, huyện, thị xã quá tải.

Ngoài ra, theo ông Cương, UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Sở Y tế cũng đã phối hợp với đội ngũ y, bác sĩ, các chuyên gia để xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi F0 trên địa bàn theo quy định về phân tầng, theo dõi, quản lý F0 tại nhà của Bộ Y tế.

“Sở Y tế đã triển khai thí điểm phần mềm quản lý này tại quận Long Biên, đồng thời triển khai tập huấn cho toàn bộ trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong suốt 2 tuần qua. Đến nay, phần mềm đã quản lý 4.235 F0, trong đó có 1.164 F0 tại nhà. Ngay trong tuần này, phần mềm sẽ được đưa vào triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống y tế cơ sở, tiến tới quản lý toàn bộ số F0 trên địa bàn TP”, ông Vũ Cao Cương nói.

anh-5(1).jpg
Hà Nội đang có 1.865 F0 điều trị tại nhà

Những điều F0 không nên làm khi cách ly, điều trị tại nhà để đăng ký dùng thuốc Molnupiravir

Hà Nội cũng đã cấp phát thuốc điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân, đặc biệt là thuốc Molnupiravir - thuốc kháng vi rút đang trong giai đoạn thử nghiệm tại Việt Nam. Thuốc được Bộ Y tế đưa vào gói thuốc C cấp miễn phí cho F0 điều trị tại nhà. Thuốc hiện chưa được Tổ chức Y tế thế giới cũng như Bộ Y tế phê duyệt.

Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào điều trị thí điểm tại nhà cho F0 tại TP.HCM từ giữa tháng 8.2021. Kết quả báo cáo giữa kỳ của giai đoạn thử nghiệm cho thấy thuốc an toàn, độ dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, mức độ lây lan, chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị... Đến nay đã có 42 tỉnh thành điều trị có kiểm soát thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà (tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11.2021). Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí gần 250.000 liều thuốc bằng thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho người bệnh.

Theo quy định của Sở Y tế, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Quy trình cấp phát thuốc Molnupiravir

Bước 1, phân phối thuốc: Bệnh viện đa khoa Đống Đa phân phối thuốc Molnupiravir cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện.

Bước 2, sàng lọc bệnh nhân: Với trạm y tế cấp xã (cả trạm y tế lưu động) lập danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình, thực hiện việc khám sàng lọc, lập hồ sơ bệnh án các trường hợp đồng ý cam kết tham gia chương trình gửi trung tâm y tế tuyến huyện. Với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh được phân công tiếp nhận điều trị F0, thực hiện điều trị cho bệnh nhân theo các quy trình tại "Sổ tay hướng dẫn chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 thể nhẹ" do Bệnh viện Phổi trung ương ban hành.

Bước 3, trạm y tế liên hệ với trung tâm y tế huyện lĩnh đủ số lượng thuốc điều trị cho bệnh nhân theo danh sách và cấp cho mỗi bệnh nhân 40 viên Molnupiravir 200mg, ngày uống 2 lần, mỗi lần 800mg (4 viên), uống trong 5 ngày. Hằng ngày đơn vị y tế liên hệ với bệnh nhân (trực tiếp hoặc qua điện thoại) ghi nhận các sự cố bất lợi (nếu có) trong vòng 14 ngày, báo cáo trung tâm y tế huyện hằng ngày để nhập liệu theo quy định của chương trình.

Bước 4, các đơn vị (cơ sở điều trị, trung tâm y tế cấp huyện) cử cán bộ phụ trách nhập liệu hằng ngày lên phần mềm trực tuyến, thực hiện báo cáo định kỳ và lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định. Sở Y tế lưu ý rằng trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì thì trả lại thuốc kèm theo "Phiếu xác nhận trả thuốc" ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu. Trạm y tế tập hợp các "Phiếu xác nhận trả thuốc" gửi trung tâm y tế cấp huyện để lưu hồ sơ. Các viên thuốc đã phát nhưng chưa sử dụng sẽ được trả lại cho trung tâm tập hợp để gửi về Bệnh viện đa khoa Đống Đa thực hiện thủ tục hủy thuốc theo quy định. Vỏ thuốc sau khi dùng hết thuốc, bệnh nhân gom lại trả cho cán bộ y tế để kiểm soát việc dùng thuốc và hủy theo rác thải y tế.

Hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà

Sở Y tế cũng vừa ban hành tài liệu hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà.

Theo hướng dẫn, những đối tượng quản lý tại nhà (F0) là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Mức độ lâm sàng, gồm: Không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ là sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; ngoài ra F0 này chưa bị phát hiện bệnh lý nền; đã tiêm đủ liều vắc xin; không mang thai.

Những F0 điều trị tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân: Tự ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế; tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.

Khi điều trị tại nhà, các F0 cần chuẩn bị: Lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe; thống nhất với cả gia đình về không gian dành riêng cho người nhiễm. Đồng thời, cần chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như khẩu trang y tế dùng 1 lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn/xà phòng; dụng cụ cá nhân: bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm - giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm giặt), máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân.

Phương tiện cần có: Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2); máy đo huyết áp; điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế; thùng rác thải y tế; túi thuốc điều trị tại nhà; có người thân chăm sóc.

Đối tượng F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly; không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc. Khi điều trị tại nhà, F0 nếu có một trong 8 dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

- Nhịp thở tăng: Người lớn nhịp thở > 21 lần/phút; trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở: ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nhịp thở ≥ 30 lần/phút.

- SpO2 < 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

- Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt hoặc mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

- Không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn.

- Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...

Nếu có những triệu chứng đơn giản, người bệnh hãy xử trí như: nếu sốt, đối với người lớn: > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5gr, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Đối với trẻ em: > 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý. Ngoài ra, nếu người bệnh ho, có thể dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sĩ hoặc có thể dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ...

Bài liên quan
Quán quân Giọng hát hay Hà Nội Bùi Huyền Trang ra mắt MV về Hà Nội
Bùi Huyền Trang - nữ ca sĩ trẻ vừa đoạt giải quán quân cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2024 đã cho ra mắt khán giả MV đầu tay trong sự nghiệp ca hát của mình, với tên gọi đầy thân thương: Cô gái Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội hướng dẫn điều trị F0 và cho dùng thuốc Molnupiravir tại nhà