TP.Hà Nội cho biết sẽ hoàn thiện đề án phân vùng hạn chế hoạt động, tiến tới cấm xe máy hoạt động trên địa bàn nội thành vào năm 2030.
UBND TP.Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP. Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, TP đặt mục tiêu kinh tế đô thị đóng góp 85% GRDP TP vào năm 2025 và năm 2030 với tỉ lệ đóng góp là 90%.
Hà Nội cũng đặt ra nhiều giải pháp phát triển các ngành kinh tế đô thị, trong đó có việc phát triển thương mại - dịch vụ (phát triển du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ giáo dục đào tạo chất lượng cao; dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong nước và người nước ngoài…); phát triển công nghiệp - xây dựng; phát triển công nghiệp đô thị...
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, TP.Hà Nội vạch ra 33 nhiệm vụ, dự án, đề án và các chương trình ưu tiên thực hiện, trong đó, có đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào". TP.Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 - 2025.
Đáng chú ý, TP.Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội, gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.
Hiện, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội là khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 6 triệu xe máy; chưa kể còn khoảng hơn 1 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại thủ đô.
Thông tin cấm xe máy tại các quận nội đô Hà Nội được đưa ra từ lâu và thu hút sự quan tâm, thậm chí gây xôn xao dư luận. Về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc cấm xe máy hoạt động là "đối xử không công bằng, thiếu tính nhân văn". Bởi vì việc sử dụng xe máy phần lớn vẫn là người lao động. Không những vậy, xe máy còn phù hợp với các ngõ nhỏ, phố nhỏ đặc trưng của giao thông Hà Nội.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, hiện nay, đa số người dân đi xe máy, trong khi đó giao thông công cộng chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Hơn nữa, lượng khí xả của xe máy cũng chỉ bằng 1/10 ô tô. Nếu nói về vấn đề ùn tắc, ô nhiễm thì ô tô mới là nguyên nhân chính chứ không phải xe máy. Do đó, vị chuyên gia này đề xuất cơ quan quản lý phải tính toán một cách khoa học.
Cũng theo chuyên gia này, để hạn chế xa máy, trước hết hạ tầng giao thông phải thực sự phát triển. Các cửa ngõ thành phố mở rộng, xóa các điểm đen giao thông, tăng thêm cầu vượt... Thứ hai, phải phát triển mạnh giao thông công cộng, hệ thống này phải đảm bảo ít nhất được trên 40% nhu cầu đi lại của người dân TP.
Mặt khác, vấn đề quy hoạch đô thị phải được phát triển một cách hài hòa. Trung tâm TP ít nhà cao tầng, cần mở rộng, xây dựng thêm các thành phố vệ tinh. Đưa các trường học, các cơ quan, bệnh viện, các viện nghiên cứu ra phía ngoài trung tâm thành phố... Phải thực hiện chính sách giãn dân, tăng quỹ đất cho giao thông.