Hà Nội “ngàn năm văn vật” là cụm từ rất xa xưa trong sách báo để nói về nét đẹp văn hóa và con người của thủ đô nước Việt Nam. Chỉ cụm từ này thôi nhưng bao nhiêu áng thơ, văn, nhạc, họa, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kịch… vẫn chưa lột tả hết.

Hà Nội mang nặng nỗi niềm trong âm nhạc Phú Quang

Từ Kế Tường | 08/12/2021, 13:22

Hà Nội “ngàn năm văn vật” là cụm từ rất xa xưa trong sách báo để nói về nét đẹp văn hóa và con người của thủ đô nước Việt Nam. Chỉ cụm từ này thôi nhưng bao nhiêu áng thơ, văn, nhạc, họa, kiến trúc, nhiếp ảnh, điện ảnh, kịch… vẫn chưa lột tả hết.

Chỉ riêng âm nhạc thôi đã có biết bao ca khúc của các nhạc sĩ tài hoa viết về Hà Nội. Có ca khúc trực diên, có ca khúc mô tả, có ca khúc ẩn chứa, có ca khúc mang nặng nỗi niềm. Trong kho tàn âm nhạc đồ sộ nói về Hà Nội, theo tôi dòng ca khúc mang nặng nỗi niềm của nhạc sỹ Phú Quang là gần gũi nhất. Ngay ca từ của bài “Em ơi Hà Nội phố” đã đủ khơi gợi không chỉ hình ảnh mà cả nỗi niềm của người Hà Nội, dù vẫn ở trong Hà Nội hay đã xa Hà Nội vẫn thấm đẫm từng “cây bàng mồ côi mùa đông”, “góc phố mồ côi mùa đông”. Thẫt vậy, nói đến âm nhạc Phú Quang là nói đến Hà Nội, cũng như nói đến tranh Bùi Xuân Phái là nói đến Hà Nội.

Nhạc sỹ Phú Quang có một thời gian dài sống ở Sài Gòn. Lúc tôi còn bên Báo Công an TP.HCM anh vẫn thường tới chơi. Anh quen cả tôi và anh Hà Phi Long nên chuyện anh tới báo chơi, ăn cơm trưa thân mật với chúng tôi là chuyện bình thường. Vì dạo đó Ban biên tập có dành bất cứ buổi trưa nào trong tuần để tiếp khách, mời cơm thân mật tại tòa soạn. Nên khách văn chương, báo giới , nghệ sĩ không chỉ ở Sài Gòn mà cả ngoài Hà Nội vẫn thường ghé chơi.

Có hôm ăn cơm trưa xong bên phòng khách Ban biên tập, anh Phú Quang qua phòng làm việc của tôi ngồi uống trà, nói chuyện văn chuyện đời. Thời gian đó, anh hay phổ thơ của một số tác giả thơ mà anh yêu thích nên có đề nghị phổ thơ tôi. Lúc đó tôi cũng vừa in xong 4 tập thơ: Tái hiện giấc mơ - Áo còn vướng lại - Nửa đời ta yêu em - Có tên một dòng sông nên ký tặng bản đặc biệt cho anh Phú Quang với sự đồng cảm và trân trọng một tài năng âm nhạc.

Tất nhiên so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng trong mắt tôi, Phú Quang sáng tác nhạc rất "Tây", giống như Cung Tiến của Sài Gòn trước năm 1975. Nhịp chậm rãi, ca từ đẹp, mượt mà, lãng mạn, da diết, sang trọng. Mỗi lần phổ thơ tôi thành ca khúc, anh đều tới tòa soạn "khoe", đưa tôi bản ký âm và hát lẩm nhẩm cho tôi nghe để... góp ý. Tôi chẳng có gì để góp ý, chỉ mang chai rượu Tây ra đối ẩm với bạn như một lời cảm ơn chân tình, chia chung niềm vui với Phú Quang vì một ca khúc mới của anh từ thơ của tôi.

Trong một số ca khúc anh Phú Quang phổ từ thơ của tôi có bài "Gửi đôi mắt", được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng hát và rất thành công như Quang Lý, Mỹ Linh. Ngọc Anh... Mặc dù trên nền tảng Youtube không ghi tên tôi là tác giả thơ, chỉ có tác giả nhạc là Phú Quang. Nhưng thôi kẹ, không sao cả. Tôi nghĩ Phú Quang không cố ý mà đây chắc là lỗi của người quay clip và đưa lên Youtube. Kể cả ca khúc "Dòng sông không trở lại" cũng y như trường hợp này.

Rồi nhạc sỹ Phú Quang mở nhà hàng ở đường Đồng Khởi Q1. Đúng hơn đó là một phòng trà vì có sân khấu và ca sĩ trình diễn mỗi tối. Ban ngày thì bán thức ăn, bia rượu và cà phê. Mấy lần tôi, Đoàn Thạch Hãn và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ghé đây chơi, nhưng chỉ buổi sáng uống cà phê, buổi chiều nhắp nháp tí rượu. Chúng tôi thường ngồi ở cái bàn cố định phía ngoài cửa, chỗ hành lang bên tray trái để nhìn thẳng ra đường Đồng Khởi. Buổi sáng và buổi chiều tàn ở đây rất đẹp. Từ lúc mở phòng trà, nhà hàng, Phú Quang rất bận nên ít ghé tòa soạn Báo Công an TP.HCM chơi với anh em chúng tôi. Nhưng rồi nhà hàng, phòng trà của Phú Quang thua lỗ không trụ nổi. Thời gian sau đó nghe anh về Hà Nội và không vào lại Sài Gòn. Rồi nghe tin anh Phú Quang lâm bạo bệnh.

Tin mới nhất từ trang Facebook của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Lam báo CAND cho biết nhạc sỹ Phú Quang vừa mới mất sáng nay: 8.12.2021 lúc 8 giờ 45 tại Bệnh viện Việt Xô, Hà Nội. Cuối năm thường là một cuộc điểm danh bạn bè ai còn, ai mất. Nhưng không ngờ trong số người ra đi lại có tên nhạc sỹ Phú Quang. dù biết anh mất vì bạo bệnh kéo dài, nhưng sao vẫn thấy bất ngờ và thật sự ngậm ngùi tiếc thương không chỉ cho số phận đời người mà là một đời người vương vào hai chữ "nghiệp dĩ" và "tài hoa".

Nhạc sỹ Phú Quang mất đi nhưng những ca khúc thấm đẫm nỗi niềm về Hà Nội của anh vẫn còn sống mãi. Từ bây giờ chắc anh không còn bận lòng gì về Sài Gòn nơi mà người nhạc sĩ tài hoa đã có một cuộc dạo chơi dài hay có thể nói là một cuộc đi rong, giang hồ vặt cho biết Sài Gòn để rồi anh quay về Hà Nội nơi có “Cây bàng mồ côi mùa đông”, “Góc phố mồ côi mồ đông”. Và rồi anh nằm yên lại đó cũng trong những ngày Hà Nội lập đông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội mang nặng nỗi niềm trong âm nhạc Phú Quang