Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” vừa được HĐND TP.Hà Nội chính thức thông qua sáng nay. Theo đó, từ năm 2030, Hà Nội sẽ cấm xe máy hoạt động trong nội thành.

Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội thành từ năm 2030

Nam Phong | 04/07/2017, 15:31

Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” vừa được HĐND TP.Hà Nội chính thức thông qua sáng nay. Theo đó, từ năm 2030, Hà Nội sẽ cấm xe máy hoạt động trong nội thành.

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2016, tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó, phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh. Trên địa bàn Hà Nội có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.

Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% số ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ ra vào TP.Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, tết.

Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hoạt động giao thông vận tải cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Hà Nội cho rằng, sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng.

Giám đốc sở GTVT Hà Nội đánh giá: Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thìđến năm 2020 sẽ có hơn 800 nghìn ô tô; hơn 6 triệu xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là gần 2 triệu; xe mô tô, gắn máy là 7,5 triệu.

Nghị quyết này của Hà Nội cũng đưa ra các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 gồm: Giải pháp quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; giải pháp quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông; giải pháp quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; giải pháp ứng dụng CNTT trong công tác quản lý; Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Từ những vấn đề trên, đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố vừa được HĐND TP.Hà Nội thông qua,nêu rõ sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.Đề án nêu rõ, trong thời gian tới Hà Nội cũng sẽ cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Thành phố cũng sẽ ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.

Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.

Với biện pháp hành chính, Hà Nội thực hiện rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp với các tuyến đường, nâng cao chất lượng hiệu quả vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP.Hà Nội. Biện pháp kinh tế được thực hiện qua nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, BRT… bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) nhằm phát triển nhanh, đồng bộ.

Ngoài ra, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, Hà Nộisẽ xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án Thành phố thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể: Xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông; thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung của Thành phố, đảm bảo chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

         
   

Lộ trình thực hiện Đề án gồm 3 giai đoạn:

   

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.

   

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

   

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

   
Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội sẽ cấm xe máy vào nội thành từ năm 2030