Khi Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng (1965-1967) thì lúc đó tỉnh trưởng Phú Yên là trung tá Trần Văn Hai biệt danh Hai “trề”. Trần Văn Hai quê Cần Thơ, được tiếng là một sĩ quan thẳng thắn, không nịnh bợ, hết lòng vì nhiệm vụ.

Hai cuộc tình ngoài nhân gian của TT Nguyễn Văn Thiệu: Quyết gặp lại cố nhân (Kỳ 2)

Một Thế Giới | 30/01/2015, 21:17

Khi Nguyễn Văn Thiệu làm Quốc trưởng (1965-1967) thì lúc đó tỉnh trưởng Phú Yên là trung tá Trần Văn Hai biệt danh Hai “trề”. Trần Văn Hai quê Cần Thơ, được tiếng là một sĩ quan thẳng thắn, không nịnh bợ, hết lòng vì nhiệm vụ.

Phú Yên thuộc vùng 2 chiến thuật mà tư lệnh vùng 2 là Trung tướng Vĩnh Lộc, một sĩ quan thuộc hoàng tộc, anh em với Bảo Đại và rất thân cận với Bảo Đại. Nhưng khi trở thành sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời Ngô Đình Diệm cũng là một tướng lãnh thân Diệm và có nhiều thế lực. Là tư lệnh vùng 2, tức tướng vùng, Vĩnh Lộc chẳng khác nào một ông vua không ngai, chỉ đứng sau Phủ Đầu Rồng và chỉ huy tối cao Nguyễn Văn Thiệu.
“Anh cả trường sơn” ép tỉnh trưởng “Hai trề”
Vĩnh Lộc ỷ thế tướng vùng nên khi đi thăm thú đâu đó, nhất là các đơn vị đóng quân ở Tây Nguyên thường biểu lộ tính ngông nghênh không thèm đi ô tô mà… cưỡi voi cho nó “sốc”. Bởi vậy nên khi nói đến Vĩnh Lộc người ta cũng kêu luôn biệt danh của viên tướng ngông nghênh này là “Anh cả Trường Sơn”. Một hôm Vĩnh Lộc bất ngờ gọi cho Trần Văn Hai tỉnh trưởng Phú Yên đích thân mang “công xa” của tỉnh trưởng ra sân bay đón ca sĩ Minh Hiếu, “người yêu bé nhỏ” của mình rồi đưa về dinh tỉnh trưởng nghỉ ngơi, tiếp đãi trọng hậu để chờ Vĩnh Lộc vào sau do bận việc.
Tỉnh trưởng Hai “trề” dư biết ca sĩ Minh Hiếu là ai, đóng vai trò gì với trung tướng Vĩnh Lộc, cấp trên trực tiếp của mình. Nhưng Trung tá Hai “trề” cũng ngông nghênh không kém Vĩnh Lộc, khi nhận được lệnh đã nổi máu điên, chỉ chấp hành có một nửa lệnh trên. Thay vì dùng công xa của tỉnh trưởng ra sân bay đón người đẹp cho hoành tráng, Hai “trề” dùng xe riêng cùa mình ra đón, và thay vì đưa nàng Minh Hiếu thẳng về dinh tỉnh trưởng cho long trọng, lại cả gan vứt người đẹp ở một khách sạn sang trọng nằm trên đường Lê Thánh Tôn thị xã Tuy Hòa.
Ca sĩ Minh Hiếu lúc đó đang nổi tiếng như cồn, bài tủ của cô ca sĩ này là bài “ Quen nhau trên đường về” và là người yêu của ca sĩ Nhật Trường tức nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Chính vì bị ông tướng vùng 2 Vĩnh Lộc dùng uy quyền “cuỗm” mất người yêu nên Trần Thiện Thanh lúc đó chỉ là một hạ sĩ quan Tâm lý chiến vừa thất tình, vừa oán hận đã sáng tác bài “Hoa trinh nữ” để than thân trách phận, đồng thời trách luôn cả nàng Minh Hiếu đã tham tướng, bỏ lính… vì vậy trong bài “Hoa trinh nữ” đã có câu: “tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường”. “Vua” ở đây ám chỉ “vua” không ngai Vĩnh Lộc “Anh cả trường sơn”.
Khi Vĩnh Lộc vào tới Phú Yên, gặp nàng Minh Hiếu, có lẽ được người đẹp tỉ tê, trách móc việc bị Hai “trề” xem thường sao đó rồi giận dỗi bỏ về Sài Gòn. Mất hứng, lại bị bẽ mặt với người đẹp Vĩnh Lộc đã nổi điên lấy cớ Hai “trề” làm tỉnh trưởng chẳng được cái tích sự gì, để cho Việt Cộng đánh Phú Yên tơi bời rồi… cách chức tỉnh trưởng Phú Yên, chuyển Hai “trề” ra đơn vị chiến đấu ngoài mặt trận. Người thay thế Hai “trề” giữ chức tỉnh trưởng Phú Yên là Trung tá Trần Văn Bá. Và đây là cơ hội để Nguyễn Văn Thiệu tìm lại nàng Oanh, người đẹp ở bến Sông Cầu.
Đưa thân tín lên tỉnh trưởng, Thiệu quyết tìm lại người xưa
Trung tá Trần Văn Bá chẳng phải ai xa lạ, lúc Nguyễn Văn Thiệu làm Tiểu đoàn trưởng, đóng quân ở bến Sông Cầu Phú Yên thì Trần Văn Bá mới là Trung úy Tiểu đội phó, thuộc cấp của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiệu. Năm 1971, sau khi xích mích với Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu “độc diễn” ứng cử tổng thống. Màn độc diễn… có một không hai này thành công tốt đẹp, Nguyễn Văn Thiệu “lên ngôi”. Nhân lúc tỉnh trưởng Phú Yên còn khuyết người, Nguyễn Văn Thiệu đưa luôn Trần Văn Bá bấy giờ là Thiếu tá thăng luôn Trung tá lên ngồi ghế tỉnh trưởng Phú Yên. Bởi Trần Văn Bá là con của BS Trần Văn Chẩn Giám đốc Bệnh viện Mỹ Tho vừa là thuộc cấp cũ, vừa là họ hàng với bà Mai Anh, vợ của Nguyễn Văn Thiệu, không ai có đủ chuẩn để ngồi vào ghế này hơn Trần Văn Bá.
Sau đó không lâu, Nguyễn Văn Thiệu có chuyến kinh lý Phú Yên. Khỏi phải nói, “đệ tử ruột” Trần Văn Bá đã tổ chức đón tiếp Nguyễn Văn Thiệu long trọng đến cỡ nào. Tại dinh tỉnh trưởng, đang trong buổi đại tiệc tiếp đón tổng thống diễn ra tưng bừng, đầy khí thế bỗng dưng Nguyễn Văn Thiệu quay qua hỏi Trần Văn Bá một câu bất ngờ, khó đỡ:
- Cô Oanh ở bến Sông Cầu bây giờ ra sao, có còn ở chỗ ngày xưa không?
Trần Văn Bá đang nhậu, mặt đỏ như mặt trời mọc bất ngờ nghe câu hỏi trên bỗng dưng tái mét, xanh như đít nhái. Bởi hơn ai hết khi còn là thuộc cấp của Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiệu thủa đóng quân tại bến Sông Cầu, Trần Văn Bá biết mối tình thắm thiết giữa Thiệu và cô gái lai Tây thường được gọi thân mật là nàng Oanh. Nhưng rồi Thiệu chuyển quân ra mặt trận bỏ nàng Oanh ở bến Sông Cầu vò võ đợi trông, chẳng biết bao giờ người xưa trở lại nên sau đó nàng Oanh đã lấy một anh lính địa phương quân làm chồng. Anh này tên Hoanh, chẳng may anh Hoanh tử trận. Thực hiện chính sách đối với gia đình thương binh, tử sĩ của chính Nguyễn Văn Thiệu ban hành, Trần Văn Bá tìm nàng Oanh vợ của tử sĩ đưa về dinh tỉnh trưởng làm điện thoại viên, trực điện thoại văn phòng tỉnh trưởng.
Cô gái ở bến Sông Cầu vẫn đẹp rực rỡ, không chỉ là một bông hoa tươi thắm trang trí cho văn phòng tỉnh trưởng mà còn là thư ký riêng, nhân tình của Trung tá Tỉnh trưởng Trần Văn Bá. Rồi theo thời gian, từ vai trò nhân tình tiến lên một bước thành “vợ bé”, cuối cùng thì nàng Oanh ở bến Sông Cầu, từng là người yêu của Nguyễn Văn Thiệu đã sinh cho Tỉnh trưởng Trần Văn Bá một cậu con trai kháu khỉnh. Thế mới rắc rối. Trong lúc Trần Văn Bá lo cuống cuồng, sợ chuyện đổ bể, tới tai bà vợ dữ dằn, máu ghen còn hơn Năm rado vợ của Trung tá Thức công binh tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung thì ít mà sợ Tổng thổng Nguyễn Văn Thiệu phát hiện thì nhiều. Bởi nếu Thiệu phát hiện ra chuyện này thì cuộc đời, sự nghiệp của Bá chắc chắn sẽ tanh bành xí quách.
Từ Kế Tường
(còn tiếp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai cuộc tình ngoài nhân gian của TT Nguyễn Văn Thiệu: Quyết gặp lại cố nhân (Kỳ 2)