Ngập úng cục bộ là vấn đề nhức nhối ở Hà Nội và TP.HCM. Hai đô thị lớn nhất nước này cần sớm tìm ra biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng "cứ mưa lớn là ngập úng".
Hạ tầng và bất động sản

Hai thành phố lớn giải quyết tình trạng 'cứ mưa to là ngập úng'

Tuyết Nhung 28/05/2024 14:08

Ngập úng cục bộ là vấn đề nhức nhối ở Hà Nội và TP.HCM. Hai đô thị lớn nhất nước này cần sớm tìm ra biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng "cứ mưa lớn là ngập úng".

"Cứ mưa lớn là ngập" đã trở thành chuyện thường ngày tại các TP lớn. Điều này đã trở nên quen thuộc với người dân đô thị trong nhiều năm qua. Biến đổi khí hậu làm xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan, lốc xoáy, mưa dông, gió giật mạnh và mưa đá xảy ra trên địa bàn TP.Hà Nội, gây ra thiệt hại khó lường, nguy hiểm cho người, tài sản.

ngap-lut.jpg
Ngập úng cục bộ đã trở thành vấn đề nhức nhối tại hai TP lớn của cả nước mỗi lần mưa to - Ảnh: IT

Với những trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm và những trận mưa trên 100mm năm 2024 xảy ra trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện 30 điểm úng ngập được dự báo trước.

Trước tình trạng này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Theo đó, Thanh tra sở sẽ được giao phối hợp với các đơn vị tổ chức lập chốt trực gác, thiết lập các biển báo hiệu vị trí và độ sâu mực nước, biển báo hướng dẫn giao thông, để cảnh báo cho người, xe qua lại; phân luồng, tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn cho xe và tài sản của dân.

Đối với các vị trí sâu nguy hiểm (hố đào trần, hố ga, cầu cống...) bị ngập chìm thì rào chắn, cắm biển cảnh báo, ban đêm thắp đèn chiếu sáng.

Đặc biệt tại các đầu cống, hố ga nơi có dòng chảy xiết lưu lượng nước lớn phải có cọc tiêu thông báo nguy hiểm để đề phòng tai nạn.

Tại các điểm bị úng ngập sâu, xe cộ đi lại khó khăn, ở các vị trí như nhà chờ xe buýt, bến xe, bến tàu... thì bố trí lực lượng và xe để hỗ trợ và vận chuyển người bị mắc kẹt ra vị trí an toàn và thuận lợi để di chuyển.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng có phương án phân luồng giao thông các "điểm đen" ngập lụt. Cụ thể, tại phố Nguyễn Khuyến (đoạn trước cổng Trường Lý Thường Kiệt ) phân luồng hướng ra các phố Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng hoặc Nguyễn Thái Học.

Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, từ ngã năm Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn đi theo hướng phố Lê Duẩn hoặc Hai Bà Trưng, từ Lý Thường Kiệt - Quán Sứ đi theo hướng Quán Sứ đi Hai Bà Trưng hoặc Quán Sứ đi Trần Hưng Đạo.

Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa phân luồng ra khỏi khu vực ngập theo các hướng Phùng Hưng, Hàng Điếu, Hàng Bồ, Cao Bá Quát; đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị phân luồng ra Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Điện Biên Phủ.

Vành đai 3, đại lộ Thăng Long (ngã ba đường Lê Trọng Tấn), hầm chui phân luồng đi các hướng đê Song Phương, đê Vân Côn, Km9+656, nút giao An Khánh) đường 70 (Đại Mỗ, Miêu Nha) hoặc đi các hướng Nguyễn Văn Giáp, Châu Văn Liêm, Lê Quang Đạo.

Hướng phố Hoàng Ngân, Giáp Nhất Cự Lộc phân luồng các hướng về phía đường bao khu Royal City hoặc ra thẳng đường Nguyễn Trãi (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) phân luồng về phía hai đầu đường Nguyễn Trãi hoặc vào các tuyến phố để đi hướng Lê Văn Lương, Trường Chinh...

Ngay trong những ngày đầu tiên mùa mưa, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM năm 2024-2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa.

Theo kế hoạch, để giải quyết ngập do mưa (đối với 13 tuyến đường còn lại), TP.HCM khởi công 3 dự án trên địa bàn Q.Gò Vấp gồm: Cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt).

Đồng thời, TP chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án: Cải tạo hệ thống thoát nước các đường Thảo Điền - Quốc Hương - Xuân Thủy - Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức); nạo vét trục thoát nước rạch Bà Lớn (H.Bình Chánh); rạch Bàu Trâu (Q.6); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (Q.Tân Bình); hệ thống thoát nước QL1A và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh (Q.Tân Phú).

Về giải quyết ngập do triều, TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết ngập cho khu vực Q.7, H.Nhà Bè và H.Bình Chánh bằng cách hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Còn tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (TP.Thủ Đức) sẽ được khắc chế ngập do triều sau khi hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm).

Ngoài ra, TP sẽ tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nâng công suất của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng từ 141.000 m³/ngày lên 469.000 m³/ngày; hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2. Về giải pháp trung hạn và dài hạn, thời gian tới TP sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án xây dựng hệ thống thoát nước.

Bài liên quan
Xả rác, đổ xà bần xuống suối là nguyên nhân khiến Đà Lạt ngập úng
Tình trạng người dân xả rác, đổ xà bần xuống suối, lấn chiếm hàng lang suối, xây dựng nhà kính… là một trong những nguyên nhân gây ra ngập úng cục bộ tại Đà Lạt.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai thành phố lớn giải quyết tình trạng 'cứ mưa to là ngập úng'