Mấy tuần trước, đọc tin Bộ Giáo Dục ra Công văn 4612 yêu cầu các trường tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa, tôi không thể không tự hỏi những vị Thầy, Cô với phương pháp sư phạm khai phóng sẽ giảng dạy như thế nào trong môi trường giáo dục hiện nay?

Hai thí dụ về cách dạy học khai phóng cấp phổ thông

17/11/2017, 08:41

Mấy tuần trước, đọc tin Bộ Giáo Dục ra Công văn 4612 yêu cầu các trường tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa, tôi không thể không tự hỏi những vị Thầy, Cô với phương pháp sư phạm khai phóng sẽ giảng dạy như thế nào trong môi trường giáo dục hiện nay?

Việc dạy và học phải có nhiều trải nghiệm thực tế thay vì chỉ gói gọn trong kiến thức sách vở - Ảnh: Nguồn internet

Thí dụ thứ 1, bên Pháp

André Adoutte là trưởng phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử (laboratoire de Biologie Moléculaire), giáo sư sinh học tại trường đại học Orsay thập niên 80, 90 thế kỷ trước. Ông là người Ai Cập, du học Pháp rồi ở lại, nổi tiếng vì kiến thức rộng và chắc. Có thể một số giáo sư, cán bộ giảng dạy khoa Sinh làm việc tại trường đại học Khoa học Tư nhiên đầu những năm 1980 còn nhớ ông, người góp sức nhiều cho chương trình hợp tác giữa hai trường đại học. Những năm 1988-1989, ông tham gia ban hiệu đính chương trình giáo dục trung học Pháp, từ lớp 10 tới lớp 12, phân ban Sinh học. Tôi, đang làm luận án do ông hướng dẫn, được hân hạnh theo ông sắp xếp tài liệu.

Qui trình và quá trình làm việc phức tạp mà tôi không kể chi tiết nơi đây giúp các ông đưa ra phác thảo của một chương trình được đề nghị. Dựa trên đó, ông André Adoutte soạn bài và ông dạy thử nghiệm trực tiếp. Bài soạn của ông có mục đích xem chương trình có phù hợp với lứa tuổi, với yêu cầu về phương pháp sư phạm, về kiến thức được truyền thụ... hay không, chứ không phải nhằm soạn sách giáo khoa.

Việc thử nghiệm được tiến hành trên 2 bài soạn về lịch sử, triết lý, nguyên tắc, phương pháp phân loại và hệ thống phân loại sinh vật được giới sinh vật học chấp nhận nhiều nhất.

Ông làm các slides với tài liệu tham khảo chính và gởi trước cho học sinh. Thời đó slides được soạn trên các bản phim nhỏ, người trình bày điều khiển máy chiếu quang học chiếu từng slide.

Thời lượng dành cho bài học được chia làm ba phần:

1) 15% dành cho lớp trình bày lại bài học trước có liên quan tới bài này. Ông Adoutte ngồi cùng bàn với các học sinh, cùng các học sinh góp ý hoặc đặt câu hỏi cho phần trình bày. Cuối phần trình bày, ông tóm tắt nhằm dẫn vào bài học sắp tới.

2) 50% dành cho Thầy trình bày bài học mới. Do học sinh đã đọc trước, phần trình bày dễ dàng và không chiếm nhiều thời gian. Các câu hỏi sẽ gói gọn vào mục tiêu hiểu rõ hơn bài học chính, không đi xa bài.

3) 35% thời lượng còn lại dành để thầy trò nêu lên các kiến thức mở rộng có liên quan và thảo luận chúng. Phần này củng cố nền móng kiến thức và gợi lên những hướng mới, góc nhìn mới, chân trời mới.

Tôi tham gia tất cả các buổi dạy thử nghiệm này với sự chú ý rằng cấp học tương đương cấp 3 của Việt Nam. Nhìn các bạn trẻ tươi vui đẹp đẽ khi cười nói xông xáo, khi quan sát đắn đo... cảm nhận của tôi là các bạn đang quây quần, hân hoan thưởng thức một bàn tiệc tri thức!

Thí dụ thứ 2, Việt Nam

Các buổi dạy thử nghiệm của ông André Adoutte khiến tôi nhớ một vị Thầy lớp 9 của tôi: Thầy Khiếu Đức Long, dạy môn Việt Văn, mà chắc nhiều Thầy Cô và học sinh trường Petrus Ký những năm 1960 - 1980 còn nhớ. Thầy hiện đang sống ở Canada.

Lớp 9 chúng tôi học truyện Kiều. Học tổng quát và một số đoạn trích. Tôi còn nhớ in buổi học đoạn tả Thúy Kiều gặp Từ Hải (câu 2165 - 2207). Đoạn này Thầy đã dặn chúng tôi đọc trước ở nhà.

Vào lớp, Thầy yêu cầu đọc diễn cảm. Những cánh tay đưa lên xung phong. Thầy chọn ba bạn, hai bạn xung phong và một bạn không xung phong, lần lượt đọc. Xong Thầy phân tích cách đọc, giọng đọc. Giai nhân gặp anh hùng, cách thăm dò ý tứ của hai bên phải khác thường, không được khách sáo hay nhát gừng! Khi đã thấy, đã hiểu khí chất và bản lãnh của nhau, sự cao hứng cũng phải ngất trời! Thầy lại hướng dẫn chúng tôi so sánh với khi Kiều gặp Kim Trọng. Giữa hai cuộc gặp ấy là mười năm “dày gió dạn sương”, là “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Cũng một vai chính Thúy Kiều, nhưng khi Kiều gặp Kim Trọng là khuê nữ gặp thư sinh, khi Kiều gặp Từ Hải là kỹ nữ phong trần gặp anh hùng cái thế! Và Thầy cũng so sánh với lần Kiều gặp Thúc Sinh. Xuyên qua cách đọc diễn cảm, học sinh chúng tôi được học Giảng các từ khó, điển tích, ý nghĩa của đoạn trích, chúng tôi học Bình cách dùng chữ, đặt câu, mỹ từ pháp, các tứ độc đáo, chúng tôi lại được học về tâm lý, về cách sống, về những tinh tế trong văn chương và cuộc sống, và cả về tác phong nên giữ khi thất thế sa cơ... và các kiến thức đó luôn được so sánh và dẫn chứng từ cuộc đời thực chung quanh.

Những buổi học như vậy rất hấp dẫn, cả lớp hứng thú theo dõi. Bao nhiêu là kiến thức ào ạt chảy vào những tâm hồn đang mong chờ và sẵn sàng chọn lọc, tiếp nhận. Cách dạy đó không những hữu hiệu với các bạn ham học, mà cũng lôi kéo các bạn “xóm nhà lá”. Cách dạy của Thầy Khiếu Đức Long đại diện cho cách dạy của một thế hệ các Thầy Cô. Kiến thức là những gì còn lại sau khi quên hết. Sau những buổi học Việt Văn, từ ca dao, tục ngữ đến cổ văn, kim văn, cái còn lại nơi chúng tôi là lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tình yêu gia đình, đất nước, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm... Bây giờ tóc bạc, năm mươi năm sau, mỗi lần bạn học cũ gặp nhau, nhắc thời xưa, chúng tôi vẫn còn lâng lâng lòng kính trọng và cám ơn Thầy Cô!

Mấy tuần trước, đọc tin Bộ Giáo Dục ra Công văn 4612 yêu cầu các trường tuyệt đối không dạy nội dung ngoài sách giáo khoa, tôi không thể không tự hỏi những vị Thầy, Cô với phương pháp sư phạm khai phóng sẽ giảng dạy như thế nào trong môi trường giáo dục hiện nay? Và môi trường đó sẽ còn được bao nhiêu Thầy, Cô có triết lý giáo dục khai phóng, những nhân tố quan trọng nhất theo bà Đàm Bích Thủy, ông Giáp Văn Dương cùng các nhà giáo dục khác (Tuổi Trẻ Online, 17.10.2017), tạo nên nền giáo dục khai phóng?

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai thí dụ về cách dạy học khai phóng cấp phổ thông