Cuộc ly hôn này thu hút sự quan tâm của dư luận vì hai vợ chồng đối diện nhau tại tòa đều là những doanh nhân thành đạt, với khối tài sản nghìn tỷ, sở hữu thương hiệu Trung Nguyên, G7 nổi tiếng và đặc biệt nhất là quyền sở hữu cổ phần chi phối cùng các thương hiệu sẽ thuộc về ai.

Hai vợ chồng Vua cà phê Trung Nguyên muốn gì trong cuộc ly hôn?

Anh Tú | 22/02/2019, 20:29

Cuộc ly hôn này thu hút sự quan tâm của dư luận vì hai vợ chồng đối diện nhau tại tòa đều là những doanh nhân thành đạt, với khối tài sản nghìn tỷ, sở hữu thương hiệu Trung Nguyên, G7 nổi tiếng và đặc biệt nhất là quyền sở hữu cổ phần chi phối cùng các thương hiệu sẽ thuộc về ai.

Ngày 20 và 21.2.2019, Tòa án nhân dân (TAND) TP. HCM xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Chiều 25.2 thì phiên tòa sẽ tuyên bản án sơ thẩm.

Cổ phần và tiền…

Bà Thảo nêu nguyện vọng nuôi cả 4 đứa con và dùng bức thư của các con gửi cho Ông Vũ, bà nội để đề nghị chia cho mỗi người con 5% cổ phần trong tổng số cổ phần của Ông Vũ. Đại diện của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, 15% trong Tập đoàn Trung Nguyên và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương. Việc nắm giữ 51% cổ phần sẽ giúp cho Bà Thảo nắm quyền chi phối quyết định toàn bộ các hoạt động của Trung Nguyên Investment, và qua đó chi phối toàn bộ hoạt động của tập đoàn Trung Nguyên Group và toàn bộ 7 công ty con khác.

Khi đề cập vấn đề con cái, ông Vũ chấp nhận cho các con sống với mẹ theo nguyện vọng của các con và tôn trọng nguyện vọng của các con và cấp dưỡng cho các con 10 tỉ đồng/năm, nhưng nhắn nhủ bà Thảo: “Điều cao nhất là đừng bao giờ làm tổn thương các con, mình đã sai rồi thì đừng bao giờ đưa các con vào tranh chấp này. Nuôi con mà thiếu tình người. Nuôi con cũng như Trung Nguyên. Cô nuôi 3 năm không lên ký nào”.

Về 13 bất động sản chung, theo luật sư của ông Vũ, hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỉ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỉ đồng. Số tài sản này sẽ được chia đôi.

Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng đang hoàn toàn đứng tên Bà Thảo tương đương hơn 2.000 tỉ đồng, luật sư của ông Vũ đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) chia theo tỉ lệ ông vũ 70%, bà Thảo 30%.

Ngoài ra, đối với cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên gồm: Công ty CP ĐT Trung Nguyên, Công ty CP tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Đắk Nông, luật sư của ông Vũ đề nghị HĐXX chia theo tỉ lệ ông Vũ 70%, bà Thảo 30%.

Dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trung cầu, luật sư phía ông Vũ đề nghị ông Vũ được nhận khoảng 3.958 tỉ đồng, tương đương 70% và bà Thảo sẽ nhận được khoảng 1.696 tỉ đồng, tương đương 30% và ông Vũ thanh toán số tiền tương ứng với 30% cổ phần, phần góp vốn của bà Thảo sẽ tạo ra sự chủ động, ổn định điều hành sản xuất kinh doanh, tạo ra nền tảng phát triển mới cho tập đoàn Trung Nguyên.

Trước chất vấn về việc ông Vũ đưa ra yêu cầu chia 7/3, phía Vũ cho biết thông thường tài sản vợ chồng được phân chia theo nguyên tắc chia đôi 50-50, tuy nhiên khi phân chia cũng phải xem xét dựa trên đóng góp của các bên.

Vai trò sáng lập và thương hiệu Trung Nguyên…

Luật sư Nguyễn Chính cho biết, xuyên suốt từ năm 1996 đến nay, ông Vũ luôn luôn là linh hồn, là người đưa ra các ý tưởng, chiến lược mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm thương hiệu và là người điều hành trực tiếp Tập đoàn Trung Nguyên và đây là những căn cứ tạo ra sự đóng góp, xây dựng và phát triển Trung Nguyên. Vì vậy, đề xuất của bị đơn được chia khối tài sản chung theo tỷ lệ 70% - 30% là chấp nhận được

Ngoài ra, ông Vũ trình bày: "Tài sản của cha mẹ rồi cũng thuộc về con cái nhưng thời điểm trao sẽ xem xét đến sự trưởng thành của các con. Hơn 20 năm qua tiền bạc gia đình rất nhiều nhưng không đến gần két sắt vì tiền bạc này rồi cũng sẽ đầu tư vào sự phát triển của Trung Nguyên".

Các tranh luận tại tòa, lời bộc bạch từ phía ông Vũ và các phân tích từ luật sư phía ông Vũ cho thấy trong suốt một thời gian dài, ông Vũ không đặt nặng vấn đề tiền bạc hay chia cổ phần mà điều ông quan tâm nhất là sự chủ động và ổn định phát triển của Tập đoàn Trung Nguyên – nơi gắn bó của hàng ngàn con người.

Ông Vũ là người sáng lập, xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên từ con số 0 trở thành một tập đoàn lớn mạnh như hiện giờ. Trong thông cáo gửi báo chí vào 21.8.2018, tập đoàn Trung Nguyên cho biết quan điểm và triết lý trong việc phát triển tập đoàn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ gặp phải những mâu thuẫn gay gắt về quan điểm kinh doanh kiểu con buôn, mua bán thông thường của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - nguyên Phó tổng giám đốc thường trực. Thông cáo cũng khẳng định Chủ Tịch – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ nhận thấy sự cần thiết mang tính bắt buộc: phải tái định vị tổ chức – đặc biệt phải tái thiết kế tổ chức mạnh mẽ để Trung Nguyên không còn sự ách tắc trong khâu điều hành do bà Lê Hoàng Diệp Thảo ở vị trí Phó tổng giám đốc thường trực.

Hơn nữa, trong suốt thời gian tranh chấp ly hôn, bà Thảo đã thành lập Công ty Trung Nguyên Internatinal với thương hiệu King Coffee cạnh tranh trực tiếp với chính Công ty Trung Nguyên mà Bà Thảo đang là cổ đông lớn thứ 2. Vì vậy, khi Bà Thảo gắn bó lợi ích với King Coffee thì liệu có thể tập trung phát triển kinh doanh cho Tập đoàn Trung Nguyên là điều đại diện phía Ông Vũ đặt ra và "Chúng ta đều thấy mâu thuẫn rất lớn giữa nguyên đơn và bị đơn" - phía bị đơn phân tích

Luật sư Trương Thị Hòa phía ông Vũ cho rằng việc nguyên đơn nói ông Vũ có lỗi nhưng lại không chứng minh, không có cơ sở nào cho thấy ông Vũ là người gây ra lỗi dẫn đến việc ly hôn. Về việc phát triển Tập đoàn và thương hiệu Trung Nguyên, luật sư Hòa nêu "Sự sống còn của thương hiệu, phát triển của những doanh nghiệp thì người nuôi dưỡng rất quan trọng. Mong những gì bà (Thảo) đang xây dựng King Coffee ngày càng phát triển để chứng tỏ tài năng và kinh nghiệm kinh doanh". Luật sư Hòa mong muốn HĐXX xem xét để cho ra bản án khả thi, hiệu quả và có sức lan tỏa. Nếu các doanh nghiệp khi vợ chồng cùng góp vốn thì cố gắng đừng chia tay thì tốt hơn, nếu chia tay thì cố gắng làm sao để "đứa con tinh thần là doanh nghiệp được bảo toàn, phải sống mạnh khỏe để đất nước ngày càng có thêm những tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng phát triển, vươn tầm quốc tế chứ không lụi tàn vì những tranh chấp ly hôn như thế này".

Tú Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai vợ chồng Vua cà phê Trung Nguyên muốn gì trong cuộc ly hôn?