Trong quá khứ, các mặt hàng xa xỉ từng được coi là những thứ luôn đi liền với đạo đức suy đồi.

Hàng xa xỉ: Thánh thiện hay ‘tội đồ’

Một Thế Giới | 26/09/2015, 11:30

Trong quá khứ, các mặt hàng xa xỉ từng được coi là những thứ luôn đi liền với đạo đức suy đồi.

Mới đây tạp chí Economist đã có chùm bài viết về chủ đề ngành công nghiệp xa xỉ phẩm. Chùm bài viết này nêu bật những đặc trưng của ngành công nghiệp xa xỉ, cũng như các bước chuyển mình và những thách thức mà ngành này đang gặp phải.

Chúng tôi xin lược dịch và gửi tới bạn đọc chùm bài viết này.

Ngành công nghiệp xa xỉ có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ. Những chiến binh trong các cuốn sử thi của Homer tàn sát lẫn nhau vì phần thưởng cũng như sự vinh quang. Priam, vua của thành Tơ-roa, đã thu thập đủ 12 chiếc áo choàng thêu kim tuyến và chiếc cốc đặc biệt mà ông được người Thracian dâng tặng để chuộc lại thân thể của người con trai đã hi sinh Hector.

Các đồ xa xỉ thường xuyên được miêu tả là mối đe dọa đối với tinh thần thượng võ và khiến đạo đức của con người suy đồi. Đạo Cơ đốc cho rằng chúng sẽ xúi giục tội lỗi. Trong những ô cửa sổ hoa hồng của các nhà thờ Thiên chúa giáo, đồ xa xỉ có biểu tượng là “một người phụ nữ đang trải chuốt trước gương”, theo những gì Christopher Berry viết trong nghiên cứu “The Idea of Luxury” (tạm dịch: Ý tưởng của sự xa xỉ) được xuất bản năm 1994.

Nhiều thế kỷ nay, đã có nhiều luật lệ hạn chế chi tiêu ra đời nhằm ngăn cản tiêu xài hoang phí, hạn chế nhập khẩu các món đồ được cho là vật trang trí lòe loẹt rỗng tuếch. Những người Aztec ở Bắc Mỹ đặc biệt nghiêm khắc khi quy định tầng lớp lao động sẽ bị xử tử nếu trưng bày những món đồ quý báu và kiểu cách. Nước Cộng hòa Venezia có cả đội ngũ cảnh sát xa xỉ để đảm bảo rằng không có sự tiêu xài hoang phí. Dưới thời Edo ở Nhật Bản, luật quy định cả những món đồ chơi mà các bậc cha mẹ có thể mua tặng cho con cái họ.

Thái độ đối với các món đồ xa xỉ chỉ thay đổi khi nền kinh tế tự do ra đời. Trong những năm 1600, các thương nhân người Anh đã phản bác mạnh mẽ lập luận cho rằng việc nhập khẩu hàng hóa xa xỉ sẽ làm suy yếu nền kinh tế khi làm vơi đi lượng vàng dự trữ.

Một thế kỷ sau, Adam Smith và David Hume khẳng định ngành công nghiệp xa xỉ phẩm là một cú hích đối với ngành công nghiệp cũng như xã hội. Thật đặc biệt khi bước vào thời kỳ mà công nghiệp, kiến thức và tính nhân văn cùng gắn kết với nhau với chất keo là một dây chuyền ràng buộc vĩnh viễn, Hume viết trong bài luận về ngành xa xỉ của mình.

Trong khi đó Samuel Johnson đem đến một nhân tố nhân đạo khi tận hưởng sự xa xỉ: Bạn không thể tiêu tiền cho các món đồ xa xỉ mà không giúp đỡ những người nghèo.

Đối với những chuyên gia này, xa xỉ gắn liền với thương mại, sự tự do, hòa bình và sự cơ động của xã hội.

Người Pháp vừa mới đặt nền móng cho ngành công nghiệp xa xỉ phẩm thời hiện đại. Jean-Baptiste Colbert, Bộ trưởng Tài chính của vua Louis XIV’s, đã đánh thuế hàng hóa nhập khẩu, trợ giá và áp đặt những quy định kiểm soát chất lượng ngặt nghèo để khuyến khích sản xuất các mặt hàng thời trang xa xỉ. “Đối với nước Pháp, thời trang cũng đóng vai trò quan trọng như các vai trò của các mỏ vàng ở Peru đối với Tây Ban Nha,” ông nói.

Thorstein Veblen, nhà kinh tế học đã được đặt tên cho các hàng hóa có tính chất đặc biệt là giá càng tăng thì lực cầu càng tăng mạnh, có những lý do về mặt chính trị để giễu cợt. Hàng xa xỉ là một dạng lãng phí nổi lên để ban phát vị thế cho những tầng lớp vô dụng, ông viết trong “The Theory of the Leisure Class” (tạm dịch: Lý thuyết về tầng lớp nhàn hạ) xuất bản năm 1899.

Theo Trí thức trẻ/Economis

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
41 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng xa xỉ: Thánh thiện hay ‘tội đồ’