Với chuyến đi ngắn 4 ngày 3 đêm, mình chưa thể khám phá hết nét đẹp thơ mộng các thành phố miền bắc Thái Lan nhưng cũng đã đủ ấn tượng và yêu thêm một miền đất mới thanh bình, tươi đẹp.

Hành trình 4 ngày 3 đêm ở Chiang Mai thơ mộng và thanh bình của Thái Lan

Zing | 21/11/2018, 11:04

Với chuyến đi ngắn 4 ngày 3 đêm, mình chưa thể khám phá hết nét đẹp thơ mộng các thành phố miền bắc Thái Lan nhưng cũng đã đủ ấn tượng và yêu thêm một miền đất mới thanh bình, tươi đẹp.

Thành phố Chiang Mai xinh đẹp được mệnh danh là "đóa hồng phương Bắc" Thái Lan. Nơi đây cũng là địa điểm tham quan chính của mình. Không có quá nhiều khu vui chơi sôi động như Pattaya hay Phuket, cũng không hiện đại như Bangkok, Chiang Mai mang một vẻ đẹp dịu dàng và bình yên đến lạ.

Phương tiện di chuyển

Mình di chuyển từ Hà Nội tới Chiang Mai (Thái Lan) bằng máy bay. Để lựa chọn vé rẻ, bạn hãy book sớm. Sau khi tập trung ở sân bay Nội Bài và làm thủ tục, nhóm mình chỉ mất thêm khoảng 1,5 giờ để có mặt ở Chiang Mai.

Songthaew là loại xe tải hạng nhẹ gần giống tuk tuk hay xe lam ở Việt Nam. Loại xe này có thể chở được 10 người, là lựa chọn hợp lý nếu bạn đi đông người thì chi phí chia đều rất rẻ. Ảnh: Balodeplao.

Sau khi tới nơi, nhóm mình lựa chọn songthaew là phương tiện di chuyển chính. Có nhiều loại xe cho các bạn chọn lựa như buýt, taxi, tuk tuk, songthaew, xe ôm... Nói chung, vì là thành phố du lịch nên phương tiện di chuyển ở đây rất đa dạng. Mỗi loại đều có ưu, nhược điểm riêng, bạn nên tham khảo giá và quãng đường trước khi lựa chọn.

Do tài xế tại đây cũng rất hay nói thách giá, nếu không tự mặc cả được bạn hãy sử dụng xe ôm công nghệ để có mức giá phù hợp, an toàn. Hoặc nếu bạn có nhiều thời gian ở đây, có thể chủ động liên hệ khách sạn thuê xe máy đi cho tiện.

Ăn uống, khách sạn

Đồ ăn ở Chiang Mai đa dạng, đặc biệt là những hàng quán ẩm thực đường phố rất hấp dẫn, mở cửa từ sáng sớm tới đêm. Giá cả ở đây cũng tương đương ở Bangkok, bạn chỉ phải bỏ ra khoảng 100-300 bath (70.000-210.000 đồng) là có thể ăn uống no nê.

Nhìn chung về ẩm thực miền Bắc Thái Lan cũng khá hợp khẩu vị người Việt Nam, nên nhóm mình ăn uống ở đây khá thoải mái dù đôi khi, mình thấy đồ ăn hơi ngọt.

Ẩm thực ở Chiang Mai có hương vị gần giống các món ăn Việt, chủ yếu là vị cay và ngọt nên khá dễ ăn.

Chiang Mai mỗi năm đón gần 9 triệu du khách quốc tế, nhà nghỉ khách sạn ở đây rất nhiều và đa dạng. Tuy nhiên, nếu tới Chiang Mai vào thời điểm tháng 11 này khi lễ hội đèn trời chuẩn bị diễn ra, bạn nên đặt phòng từ sớm nếu không muốn phải "lang thang như kẻ không nhà".

Tới đây, mình ở khách sạn Duangtawan Hotel 4 sao, nằm ngay gần khu chợ đêm nên rất tiện lợi cho việc mua sắm và tham quan. Mình khuyên các bạn nếu chọn khách sạn nên chọn ở gần một trong 3 khu là khu chợ đêm, khu phố cổ, và khu dọc bờ sông. Giá khách sạn ở Chiang Mai dao động khoảng 1.000-1500 bath (700.000 - 1 triệu đồng) với các khách sạn 2-3 sao. Bạn muốn ở nơi sang trọng đắt đỏ hơn cũng có rất nhiều.

Lịch trình chi tiết

Ngày 1: Chiang Mai, phố đi bộ Tha Pae

Ngày đầu tiên, mình tới Chiang Mai lúc 16h. Cả đoàn lên xe đón về địa điểm ăn tối. Trước đó, mọi người mất một khoảng thời gian để mua sim liên lạc và đổi tiền. Sim ở Thái Lan có loại dành riêng cho du khách sử dụng 4G và gọi giới hạn với giá 200 bath (140.000 đồng), rất tiện lợi. Còn đổi tiền thì bạn nên mang theo USD để đổi sang bath ở sân bay cho sát giá, vào thành phố có nhiều điểm đổi tiền kể cả từ tiền Việt, nhưng giá không tốt.

Điểm ăn tối của mình là nhà hàng Khum Khantoke, đồ ăn hơi ngọt nhưng bù lại được xem các tiết mục múa và biểu diễn truyền thống của người Thái. Nhà hàng rất đông du khách đặc biệt là người phương Tây, ngoài ra ở bên ngoài nhà hàng cũng kết hợp các dịch vụ và bán đồ lưu niệm.

Khách sạn Duangtawan Hotel nơi mình ở, có view nhìn ra thành phố rất đẹp, lại nằm gần chợ đêm và khu bờ sông nên tiện đi lại.
Nhà hàng Khum Khantoke là sự kết hợp hoàn hảo của những dịch vụ du lịch như ăn uống, mua sắm, biểu diễn nghệ thuật...

Sau khi về khách sạn nghỉ ngơi ít phút, nhóm mình cùng nhau đi tham quan khu phố đi bộ Tha Pae, như một khu chợ đêm chỉ mở duy nhất ngày chủ nhật hàng tuần. Ở đây tập trung nhiều mặt hàng và những dịch vụ cho du khách, quây trong khu vực rộng lớn bên trong cổng Tha Pae.

Mất khá lâu mình mới đi hết một góc khu phố tấp nập này. Các cửa hàng ở đây mở tới khoảng 23g phục vụ du khách.

Phố đi bộ Tha Pae chỉ mở duy nhất vào ngày chủ nhật hàng tuần và luôn thu hút rất đông du khách cũng như người dân bản địa tới đây.

Ngày 2: Trại voi Maesa, Hill-Tribe Village, khu nuôi hổ Tiger Kingdom

Ngày thứ 2 là ngày đáng nhớ nhất của mình trong chuyến đi. Sau khi ăn buffet tại khách sạn, đoàn lên đường đến trại voi Maesa, nơi nuôi dưỡng và thuần hóa voi nổi tiếng ở Chiang Mai. Du khách tới đây ngoài xem những màn biểu diễn voi đặc sắc, chụp ảnh chung và cho voi ăn còn có thể trực tiếp cưỡi voi nếu có nhu cầu.

Voi ở đây được thuần hóa và rất thân thiện, vừa có thể chơi các trò chơi, đá bóng, vẽ tranh... Du khách khi cần có thể thoải mái cho voi ăn và chụp ảnh chung.

Điểm tiếp theo là Hill-Tribe Village, khu làng sinh thái nơi tập trung khá nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc ở đây ở một khu riêng, giữ nguyên những nét văn hóa tập tục cổ. Ấn tượng nhất là đoạn cuối của khu làng sinh thái, nơi sinh sống của bộ tộc cổ dài Karen, họ rất thân thiện với du khách, thoải mái chụp ảnh chung.

Những người bán hàng ở đây rất thân thiện và thoải mái.

Sau khi ăn trưa, đoàn mình ghé qua tham quan làng thủ công Elephant PooPooPaper. Đây là một khu làng với nghề tái chế các loại phân trở thành giấy lưu niệm, đặc biệt là phân voi. Bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết các công đoạn tái chế, thậm chí được tự tay làm thử.

Điểm tiếp theo là Tiger Kingdom, khu nuôi hổ kết hợp kinh doanh nhà hàng. Những chú hổ ở đây được thuần hóa và nuôi dưỡng trong điều kiện tốt, có khu vui chơi riêng, khám sức khỏe định kỳ nên khá thân thiện. Bạn có thể chụp ảnh chung với hổ nếu thích, vì hổ ở đây đã được thuần hóa nên rất an toàn. Nhiều người thường phản đối chụp ảnh chung với thú dữ bị xích vì cho rằng đó là hành động ngược đãi, nhưng hổ ở đây không hề bị ép làm gì. Tuy nhiên, bạn cũng cần mạnh dạn, thay vì sợ hãi, rụt rè có thể khiến những con hổ kích động.

Sở du lịch Thái Lan cũng khuyến khích chụp ảnh chung với hổ để giúp cơ sở có thêm nguồn thu từ du khách, đảm bảo những chú hổ sẽ không bị đói do thiếu nguồn thu để trang trải chi phí.

Chiều muộn là khoảng thời gian rảnh rỗi để mọi người trong nhóm mình tham quan mua sắm. Nhiều người nhận xét đến Chiang Mai mua sắm cũng không khác gì Bangkok, với rất nhiều mặt hàng từ hàng hiệu tới bình dân.

Tổ hợp mua sắm với rất nhiều gian hàng từ bình dân đến cao cấp, các dịch vụ nhà hàng đan xen rất tiện cho bạn. Nếu bạn muốn mua đồ hiệu cao cấp hơn có thể sang trung tâm thương mại Maya đối diện bên đường.

Ngày 3: Tham quan Chiang Rai, chùa Wat Rong Khun, Tam Giác Vàng

Ngày thứ 3 là một ngày tham quan với lịch trình khá dày. Mình dậy từ sáng sớm lên xe khởi hành tới Chiang Rai, thành phố cổ kính và yên bình cách Chiang Mai 18 km. Điểm ấn tượng trong nét văn hóa của Chiang Rai là lưu giữ trọn vẹn những giá trị xưa cũ chứ không hề bị cuộc sống hiện đại làm thay đổi.

Trên hành trình đoàn có ghé vào tham quan Maekajarn Hot Spring, nơi đây giống như những đài phun nước nóng với khói bốc nghi ngút rất độc đáo. Người dân ở đây còn đặt những túi trứng ở miệng suối nước nóng để luộc trứng tự nhiên bán cho du khách.

Suối nước nóng Maekajarn nằm ngay sát mặt đường, cột nước và khói luôn bốc lên nghi ngút là cảnh tượng hiếm thấy cho bất kỳ ai ghé qua.

Sau một hành trình khá dài, đoàn mình tới chùa Wat Rong Khun (còn gọi là chùa Trắng, White Temple), khu chùa được đánh giá là đẹp nhất trên thế giới. Ngôi chùa khá rộng, được thiết kế hoàn toàn thủ công bằng lối kiến trúc cổ, khiến bất kỳ ai lần đầu tới đây cũng không khỏi choáng ngợp. Khi mình tới đây là tầm gần trưa nhưng lượng du khách tham quan chùa khá đông, muốn tìm kiếm một giây phút riêng tư cũng không hề dễ dàng.

Rất khó để diễn tả hết vẻ đẹp của chùa Wat Rong Khun, hay còn gọi là White Temple.

Buổi trưa cả đoàn tới khu Tam Giác Vàng (Golden Triangle), ngã ba sông và cũng là biên giới của 3 nước Lào, Myanmar, và Thái Lan. Sau khi mua vé, mọi người cùng lên tàu để đi sang biên giới Myanmar và Lào tham quan mua sắm.

Khu chợ ở bên biên giới Lào khá nhộn nhịp với rất nhiều mặt hàng mọi chủng loại, giá khá rẻ. Khi tình cờ gặp một chú bán hàng người Việt ở đây, mình đã uống một chai bia và nghe chú kể chuyện rất nhiều về lịch sử của khu vực này.

Khu chợ bên phần biên giới Lào ở khu Tam Giác Vàng luôn tấp nập du khách ghé qua tham quan mua sắm.

Ngày 4: Tham quan một số ngôi đền nổi tiếng của Chiang Mai, trở về Việt Nam

Sau khi ăn sáng ở khách sạn, mình trả phòng rồi lên xe tham quan một số ngôi đền nổi tiếng ở Chiang Mai. Điểm đầu tiên là chùa Doi Suthep, ngôi chùa linh thiêng được rất nhiều tín đồ Phật giáo hành hương về hàng năm. Bạn có thể lựa chọn đi lên ngôi đền bằng cáp treo, sẽ đỡ mệt khi phải leo hơn 300 bậc thang. Lên tới đỉnh bạn sẽ có cơ hội nhìn ngắm Chiang Mai từ trên cao, tuy nhiên đáng tiếc khi mình lên đến nơi thì trời đổ cơn mưa làm tầm nhìn bị hạn chế đi rất nhiều.

Chùa Doi Suthep là ngôi chùa linh thiêng nhất ở Chiang Mai, có tuổi đời lên tới 600 năm.

Sau khi tạt qua Đài tưởng niệm 3 Kings Monument, nơi ghi nhớ công ơn 3 vị vua đã sáng lập Chiang Mai, nhóm mình ghé tham quan khu chùa cổ Wat Chedi Luang hùng vĩ. Chùa cao 80 m, rộng 45 m, là một "kho báu văn hóa" của Thái Lan. Vào thế kỷ 15 ngôi chùa bị phá hủy bởi một trận động đất lớn, nhưng sau đó người Thái đã trùng tu lại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Chùa Wat Chedi Luang hiện tại là những gì còn sót lại của ngôi chùa đã bị phá hủy bởi trận động đất kinh hoàng từ thế kỷ 15.

Buổi trưa sau khi ăn uống và nghỉ ngơi, mình ra sân bay đáp chuyến bay thẳng từ Chiang Mai về Hà Nội, kết thúc chuyến đi. Hành trình tham quan miền Bắc Thái Lan của mình kết thúc mà vẫn còn nhiều điều đáng tiếc. Đó là chưa được thưởng thức hết những món ăn ngon nổi tiếng nơi đây, chuyến đi hơi ít ngày nên vẫn chưa kịp thời gian để trải nghiệm hết. Trong thời gian tới nhất định mình sẽ quay trở lại đây một lần nữa!

Theo An Ngọc/ Zing
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình 4 ngày 3 đêm ở Chiang Mai thơ mộng và thanh bình của Thái Lan