Sáng 25.11 BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ Khoa Nội hô hấp vừa nội soi phế quản lấy hạt sabôchê (còn gọi là hồng xiêm) nằm vắt ngang trong phế quản phải của 1 bệnh nhân suốt 27 năm.

Hạt Sabôchê bị ‘bỏ quên’ trong phế quản 27 năm

25/11/2020, 13:03

Sáng 25.11 BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết các bác sĩ Khoa Nội hô hấp vừa nội soi phế quản lấy hạt sabôchê (còn gọi là hồng xiêm) nằm vắt ngang trong phế quản phải của 1 bệnh nhân suốt 27 năm.

Theo BSCK1 Đặng Duy Thanh - Khoa Nội hô hấp của BVĐKTƯCT: “Đây là 1 trường hợp đặc biệt khó khi thực hiện nội soi phế quản do thời gian dị vật nằm ở phế quản khá lâu, mô viêm phù nề và vị trí của dị vật rất sâu và nằm ngang trong lòng phế quản. Do đó dễ có nguy cơ gây rách phế quản, chảy máu ồ ạt, tràn khí trung thất gây tử vong”.

13.jpg
Hạt sapôchê sau khi được lấy ra- Ảnh: Phong Phạm

Đó là trường hợp chị Thanh Keo Vi Đ. (33 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), đến bệnh viện khám vào lúc trưa 16.11. Khoảng 3 tháng nay chị bị ho kéo dài, khạc đàm, sốt, đã khám và điều trị nhiều nơi nhưng không giảm. Khi chị cảm thấy đau tức vùng dưới ngực phải nhiều đợt kèm khó thở nên đến BVĐKTƯCT điều trị tiếp.

Theo lời người nhà vào năm 6 tuổi bệnh nhân có ăn sabôchê, vô tình sặc hạt. Sau đó ngay lập tức chị này bị ho dữ dội và những cơn ho giảm dần sau 1 tuần nhưng không dứt hẳn. Sau đó người nhà nghĩ không sao nên bỏ qua không đi khám. Thời gian tiếp đó chị thường xuyên xuất hiện những đợt ho kéo dài tái đi tái lại nhiều lần, có dùng thuốc có giảm nhưng không hết triệu chứng ho. Sáu tháng nay triệu chứng ho ngày càng nhiều hơn điều trị nhiều nơi không giảm.

12.jpg
Hình ảnh cho thấy dị vật trong phế quản- Ảnh: Phong Phạm

Sau khi nhập viện nằm ở khoa hô hấp, các bác sĩ tiến hành thăm kết hợp với kết quả CTSan ngực cho thấy hình ảnh giãn phế quản và viêm thùy dưới phổi phải, có hình ảnh dị vật ở nhánh phế quản thùy dưới phổi phải. Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản và thám sát ghi nhận niêm mạc phế quản nhiều giả mạc, có 1 dị vật nằm trọn lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề. Bác sĩ dùng kềm lấy dị vật tuy nhiên chỉ lấy được phần gai của hạt sa bô chê. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề và được tiến hành nội soi lần 2.

Ngày 23.11 sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ tiến hành nội soi phế quản ống mềm lần thứ 2 có sử dụng tiền mê để lấy dị vật. Dị vật là hạt sabôchê nằm ngang trong lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải. Các bác sĩ dùng thòng lọng và kéo được hạt. Thời gian thực hiện là 150 phút. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, hết cảm giác đau tức ngực, đang được theo dõi và điều trị tại khoa nội hô hấp. Do bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên ban giám đốc bệnh viện chỉ đạo phòng công tác xã hội sử dụng quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo và kết nối các mạnh thường quân hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân.

14.jpg
Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe- Ảnh: Phong Phạm

TsBS Cao Thị Mỹ Thúy - Trưởng Khoa Nội hô hấp cho biết: “Dị vật đường thở (DVĐT) là 1 tai nạn sinh hoạt thường gặp và có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề ở trẻ em, nhất là ở trẻ dưới 4 tuổi. Tai nạn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tần suất thấp hơn. Các triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy theo vị trí của dị vật trong đường hô hấp. Dấu hiệu lâm sàng khi có dị vật xâm nhập vào đường thở là đột ngột ho sặc sụa, khò khè, khó thở (còn gọi là hội chứng xâm nhập).

Tuy nhiên hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp DVĐT. Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, khó thở. Ở giai đoạn trễ hơn, khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng 1 vị trí. 80-96% DVĐT không cản quang nên thường không thấy dị vật trên Xquang ngực. Vì vậy Xquang ngực bình thường cũng không cho phép loại trừ chẩn đoán DVĐT. Trong đa số các trường hợp CT scan ngực giúp chẩn đoán DVĐT”.

Theo các bác sĩ nội soi phế quản ống mềm ngày nay được xem là đóng vai trò chủ yếu trong chẩn đoán DVĐT. Nội soi phế quản vừa để xác định chẩn đoán và vừa cho mục đích điều trị lấy dị vật ra. Theo TsBS Thúy khi bệnh nhân có ho kéo dài, nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, có hít sặc khi ăn uống thì nên báo ngay với bác sĩ để được nội soi kiểm tra tìm dị vật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạt Sabôchê bị ‘bỏ quên’ trong phế quản 27 năm