Một môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự tốt vẫn có thể trở nên dễ thở hơn khi các sai phạm bị trừng trị thích đáng, nhưng nó vẫn chưa phải là một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự an toàn một cách ổn định và lâu dài.

Hậu câu chuyện quán phở: Chỉ nói thì không thể cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh

24/04/2016, 11:00

Một môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự tốt vẫn có thể trở nên dễ thở hơn khi các sai phạm bị trừng trị thích đáng, nhưng nó vẫn chưa phải là một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự an toàn một cách ổn định và lâu dài.

Câu chuyện quán phở ở huyện Bình Chánh, TP.HCM gây xôn xao dư luận những ngày qua có vẻ như đã có một kết cục có hậu, khi đích thân thủ tướng yêu cầu dừng ngay việc truy tố; viện trưởng viện KSND tối cao Lê Minh Trí đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông chủ quán phở. Thậm chí, viện trưởng viện KSND tối cao còn yêu cầu tạm đình chỉ công tác đối với một lãnh đạo viện KSND huyện Bình Chánh và một kiểm sát viên thuộc đơn vị này.

Đứng trên khía cạnh nạn nhân là ông chủ quán phở, có lẽ vụ việc này đã kết thúc theo một cách không thể viên mãn hơn được nữa; đứng trên khía cạnh dư luận xã hội thì mọi chuyện có vẻ như đã ổn thỏa khi công lý đã được thiết lập. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh quan trọng nhất của vụ việc, là yêu cầu cấp bách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên toàn nền kinh tế để tránh những sự việc tương tự tái diễn, thì chưa hẳn đã kết thúc viên mãn. Vì, chỉ có hành động mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.

Đứng trên góc độ thực thi pháp luật, thì vụ việc lần này có thể xem là một dấu hiệu tích cực đến mức gần như chưa từng có tiền lệ. Cả thủ tướng chính phủ, Quốc hội, Viện KSND tối cao và Bí thư TP.HCM đều vào cuộc để giải quyết vấn đề một cách nhanh gọn và đưa sự việc đến kết cục hợp lý. Nó có thể xem là một hành động mang tính biểu tượng rất tích cực, khi mà gần như cả bộ máy công quyền đều vào cuộc một cách quyết liệt và nhanh chóng để phục vụ người dân.

Nó cũng đồng nghĩa với thông điệp rằng, những sự việc tương tự nếu xảy ra thì những người sai phạm có thể đối mặt với những hình phạt thích đáng từ những cấp cao nhất trong bộ máy nhà nước mà không có sự bao che hay dung túng. Nói cách khác, lợi ích người dân thông qua sự việc lần này đang được Nhà nước và Chính phủ quan tâm một cách sâu sát nhất, dù đó chỉ là một cá nhân đơn lẻ chăng nữa.

Nhưng, đứng trên góc độ yêu cầu cấp bách cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vốn là một trong hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vụ việc bên cạnh những sai phạm của những cán bộ quản lý, thì ý nghĩa tích cực của cái kết trong sự việc lần này vẫn còn tương đối hạn chế.

Đúng là sự tham gia quyết liệt của Thủ Tướng, Quốc Hội, viện KSND tối cao và Bí thư TP.HCM vào vụ việc có thể được xem như một thông điệp với toàn bộ xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, rằng Nhà nước và Chính phủ đang coi trọng vấn đề đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn bao giờ hết, và chỉ một sai phạm của cơ quan quản lý cũng sẽ đồng nghĩa với sự nghiêm trị như vụ việc vừa rồi.

Nhưng, về cơ bản đó vẫn chỉ là một sự cam kết, và nhất là chỉ là một sự cam kết rằng các hành vi sai phạm sẽ bị nghiêm trị, chứ chưa phải là một cơ chế pháp lý và hành chính có thể ngăn ngừa những sai phạm tương tự có thể tái diễn. Nói cách khác, một môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự tốt vẫn có thể trở nên dễ thở hơn khi các sai phạm có thể bị trừng trị thích đáng, nhưng nó vẫn chưa phải là một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự an toàn một cách ổn định và lâu dài.

Sở dĩ như thế, là vì một đặc điểm trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay mà hầu hết các doanh nghiệp đều nhận ra, là sự nhanh chóng tái diễn các sai phạm ở tần suất khá cao dù đã được xử lý lý tưởng như một cách triệt để trước đó không lâu. Ví dụ điển hình nhất cho điều này chính là câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở TP.HCM. Dù Bí thư TP.HCM đã vào cuộc một cách quyết liệt và rất nhiều hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp với tổng giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng đã được thực hiện, biến TP.HCM trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, và tưởng như vấn đề này đã được giải quyết êm xuôi và không bao giờ tái diễn lại nữa thì nó đã nhanh chóng lặp lại, và ở ngay địa bàn TP.HCM.

Chỉ khoảng một tháng sau những vụ việc ồn ào liên quan đến hoàn thuế GTGT ở TP.HCM được giải quyết êm thấm và hợp lý, thì đến buổi đối thoại với lãnh đạo cục Thuế và cục Hải quan TP.HCM hôm 21.4 vừa qua, các doanh nghiệp lại một lần nữa than phiền về vấn đề hoàn thuế. Cụ thể, tình trạng cơ quan quản lý đẻ ra thêm nhiều quy định bất hợp lý, gây khó khăn lớn cho việc hoàn thuế cho doanh nghiệp lại tái diễn, bất chấp những chỉ đạo nghiêm khắc của Bí thư TP.HCM chỉ định trước đó một tháng.

Vụ việc hoàn thuế cho doanh nghiệp TP.HCM có mức độ gây xôn xao dư luận thấp hơn vụ việc quán phở khi nó chỉ được coi là một vấn đề riêng của địa phương, dù ảnh hưởng về kinh tế thì lớn hơn vụ việc quán phở rất nhiều. Về một khía cạnh nào đó hai vụ việc này có nhiều điểm tương đồng, đều có nguyên nhân từ những quy định thủ tục bất hợp lý và đều có sự vào cuộc của các quan chức cấp cao trong bộ máy, ở vụ việc hoàn thuế GTGT là Bí thư TP.HCM, còn ở vụ việc quán phở là Thủ tướng, Quốc Hội và cả Viện KSND tối cao.

Nhưng như đã thấy, dù đã có sự vào cuộc và chỉ đạo giải quyết mạnh mẽ của Bí thư TP.HCM, thì những vấn đề rắc rối liên quan đến việc hoàn thuế đã nhanh chóng tái diễn chỉ sau một tháng; thì có lẽ cũng không ai dám chắc là những vụ việc tương tự như ông chủ quán phở bị truy tố sẽ không thể lặp lại sau một hoặc hai tháng sau hay không.

Giải pháp triệt để và lâu dài cho vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh này chỉ có một, đó là cải cách lại hệ thống thủ tục pháp lý trong đó rút gọn tối đa các thủ tục phiền hà gây trở ngại cho quá trình đầu tư kinh doanh, và một hệ thống pháp luật đủ sức ngăn chặn và xử lý đối với các sai phạm từ những cơ quan quản lý. Không nơi nào mà câu thành ngữ “lời nói gió bay” lại trở nên chính xác một cách kỳ lạ như ở Việt Nam và cụ thể là trong cách thức quản lý nền kinh tế ở Việt Nam.

Vì rõ ràng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng môi trường đầu tư kinh doanh kém thuận lợi ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề rất gai góc, đó là lợi ích nhóm của nhiều cơ quan chức năng, của nhiều bộ ngành. Nó thể hiện ở việc các loại giấy phép con gây phiền hà rắc rối cho quá trình kinh doanh đang quá nhiều, theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có tới hơn 7.000 điều kiện kinh doanh – một con số quá lớn. Và dĩ nhiên con số khổng lồ những điều kiện kinh doanh này không phải là được ban hành ra cho vui, không ai dư thời gian và công sức nghĩ ra các rào cản này một cách vô ích mà không đem lại lợi ích gì.

Vì thế, việc vào cuộc một cách quyết liệt của Thủ tướng, Quốc hội, Viện KSND tối cao và Bí thư TP.HCM trong vụ việc quán phở lần này dù rất đáng hoan nghênh, nhưng chưa thực sự mang ý nghĩa giải quyết triệt để nguyên nhân tồn tại lớn nhất tạo nên vụ việc. Dĩ nhiên là, việc xử lý vụ việc liên quan đến một quán phở thì không thể ngay lập tức giải quyết triệt để vấn đề trên toàn bộ nền kinh tế.

Điều duy nhất chúng ta có thể hy vọng, là vụ việc quán phở lần này sẽ đóng vai trò một bàn đạp thúc đẩy Nhà nước và Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện triệt để môi trường đầu tư kinh doanh từ gốc rễ, tức là bằng thủ tục pháp lý. Nếu như cả Thủ tướng lẫn Quốc hội đều vào cuộc trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách triệt để và quyết liệt như đã làm trong vụ quán phở vừa qua, thì đó sẽ là một động thái có ý nghĩa lớn lao nhất với nền kinh tế Việt Nam.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, The Saigon Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu câu chuyện quán phở: Chỉ nói thì không thể cải thiện được môi trường đầu tư kinh doanh