Chuyện không có gì mới đối với người dân về các loại thực phẩm có độc tố tràn lan trên thị trường. Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) đã từng công bố phát hiện 24/30 mẫu bún, phở, bánh canh, bánh hỏi, bánh cuốn, bánh ướt… có chất tẩy trắng quang học Tinopal còn gọi là huỳnh quang (Fluorescence).
Chất này làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, viêm loét ruột, dạ dày, làm tổn thương mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và chất dinh dưỡng. Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh cũng đã từng công bố thông tin phát hiện 20%/5.000 mẫu thực phẩm trên thị trường có chứa độc tố, chất gây hại cho sức khỏe, trong đó 100% mẫu bún tươi có chứa chất tẩy trắng.
Chất độc nguy hiểm này còn tìm thấy trong dừa tươi, hạt trân châu. Còn nước giải khát ngoài đường phố thì hầu như đều chứa vi khuẩn Coliforms và Ecoli gây các bệnh đường ruột. Ngay nước mía được người bán quảng cáo là “nước mía siêu sạch” cũng… rất bẩn, trà chanh một loại nước giải khát đường phố hiện đang rộ lên, được giới trẻ ưa thích cũng không bảo đảm vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người tiêu dùng. Việc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng hay Sở Y tế TP.HCM công bố thông tin trên cũng chỉ thuần về chuyên môn, mang tính cảnh báo cho người dân biết để… đề phòng là chính, chứ không đưa ra biện pháp giải quyết nào khả thi. Có chăng là chỉ đề nghị với Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm rồi Ban này đề nghị với Sở Công thương tăng cường kiểm tra các đơn vị sản xuất. Còn “tăng cường kiểm tra” như thế nào có lẽ người dân phải chờ Sở Công thương công bố. Nhưng chờ hoài vẫn không thấy động tĩnh gì, trong khi thực phẩm bẩn trên thị trường ngày càng lộng hành.
Thực tế cho thấy rằng từ công bố giải pháp tới hành động và xử lý các đơn vị sản xuất thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng vẫn còn một khoảng cách quá xa, nếu không muốn nói là xa vời vợi, mịt mù. Trong khi vấn đề thực phẩm không an toàn đã tồn tại từ rất lâu và điều mà người dân chờ đợi không phải là nay cơ quan này công bố thực phẩm trên thị trường có bao nhiêu phần trăm mẫu có độc tố, nay cơ quan kia phát hiện bún tươi, bánh phở, bánh canh, bánh cuốn… có chất tẩy trắng, và làm thế nào để phát hiện ra chất Tinopal. Điều người dân muốn biết là cơ quan chức năng sẽ xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng độc hại này như thế nào. Buồn thay, vấn đề này chưa rõ ràng, chưa minh bạch. Trước cái vòng luẩn quẩn của việc quản lý, trong tình hình các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm, kiểu tâng bóng trước cầu môn này người tiêu dùng biết trông cậy vào ai để bảo vệ sức khỏe cho mình.
Trong khi đó thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm nguy hại vẫn ung dung tồn tại, vô cảm trước sinh mạng đồng loại. Kiểu “giết người lâu dài” của loại thủ phạm không bị truy tố này quả thật kinh khủng và quá nguy hiểm. Thế mà có “cơ quan chức năng” còn khuyến cáo người dân để tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình hãy… tự chế biến thức ăn, nước uống tại nhà, không nên ăn uống ngoài đường phố! Một kiểu khuyến cáo huề vốn. Làm gì để “xuyên thấu” được cái vòng luẩn quẩn trong quản lý và sự mù mịt trong xử lý liên quan tới thực phẩm không an toàn, gây nguy hại sức khỏe và tiềm ẩn hiểm họa lâu dài đối với người tiêu dùng trước ma trận của các đơn vị sản xuất thực phẩm vô lương tâm? Người dân vẫn chưa rõ. Nhưng có một điều hết sức rõ là sinh mạng người tiêu dùng đang đánh đu với các loại thực phẩm không an toàn mà sợi dây treo sinh mạng này rất mỏng manh, sớm muộn gì cũng… đứt bởi vì ăn cũng chết mà không ăn cũng chết, nếu không ăn thì chết liền, còn ăn thì chết… từ từ. Thế thôi!
Từ Kế Tường / Duyên dáng Việt Nam