Thay vì giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa của thế giới thì việc tái chế nhựa có thể làm trầm trọng thêm về vấn đề ô nhiễm vi nhựa.

Hậu quả khôn lường ít ai biết của việc tái chế nhựa

Đan Thùy | 23/05/2023, 10:32

Thay vì giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa của thế giới thì việc tái chế nhựa có thể làm trầm trọng thêm về vấn đề ô nhiễm vi nhựa.

Một nghiên cứu được đánh giá ngang hàng gần đây tập trung vào một cơ sở tái chế ở Anh cho thấy rằng bất cứ nơi nào có khoảng từ 6 - 13% nhựa được tái chế có thể thải vào nước hoặc không khí dưới dạng hạt vi nhựa. Đây là những hạt có kích thước nhỏ hơn 5mm được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ tuyết ở Nam Cực cho đến bên trong các cơ quan nội tạng của cơ thể con người. 

Erina Brown, một nhà khoa học về nhựa, người đứng đầu nghiên cứu tại Đại học Strathclyde ở Glasgow (Scotland), cho biết: "Đây là một vấn đề lớn mà không được xem xét chứ chưa nói đến việc nghiên cứu". 

Nghiên cứu này làm tăng thêm mối lo ngại rằng tái chế nhựa không phải là giải pháp hiệu quả cho vấn đề ô nhiễm nhựa như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ có một phần nhỏ nhựa sản xuất được tái chế: khoảng 9% trên toàn thế giới và khoảng 5-6% tại Mỹ, theo một số ước tính gần đây.

"Đây là một nghiên cứu rất đáng tin cậy. Cho dù chỉ có một cơ sở tái chế được xem xét nhưng nó đã đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại và thúc đẩy các cơ quan quản lý môi trường nhân rộng việc nghiên cứu tại các cơ sở tái chế nhựa khác", Judith Enck, cựu quan chức cấp cao của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, cho biết. 

plastic-bottles-to-be-recycled.jpeg

Trong khi có nhiều loại nhựa khác nhau, nhiều chuyên gia cho rằng chỉ những loại nhựa số 1 và số 2 mới thực sự được tái chế hiệu quả tại Mỹ. Tại các cơ sở tái chế, rác thải nhựa thường được phân loại, làm sạch, cắt nhỏ hoặc nghiền nhỏ, nấu chảy và đúc lại.

Enck cho biết, không có gì ngạc nhiên khi quá trình này có thể tạo ra hạt vi nhựa. "Cách thức hoạt động của các cơ sở tái chế nhựa có rất nhiều ma sát và mài mòn cơ học", Enck nói thêm. 

Brown và các nhà nghiên cứu khác đã phân tích các hạt vi nhựa được tìm thấy trong nước thải do cơ sở tái chế nhựa thải ra. Họ ước tính cơ sở này có thể tạo ra tới 6,5 triệu pound hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương khoảng 13% khối lượng của tổng lượng nhựa mà cơ sở tái chế hàng năm.

Brown cho biết các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một lượng lớn hạt vi nhựa khi họ kiểm tra không khí tại cơ sở.

Nghiên cứu cũng xem xét nước thải của cơ sở tái chế sau khi các bộ lọc được lắp đặt. Với quá trình lọc, ước tính lượng vi nhựa được tạo ra giảm xuống còn khoảng 3 triệu pound mỗi năm.

Ngay cả khi sử dụng các bộ lọc tại nhà máy, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 75 tỉ hạt vi nhựa trên một mét khối trong nước thải của cơ sở tái chế. Brown cho biết phần lớn các hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 10 micromet, bằng đường kính của tế bào hồng cầu của con người, với hơn 80% dưới 5 micromet.

Brown lưu ý rằng cơ sở tái chế được nghiên cứu thuộc diện "tương đối hiện đại" và đã chọn lắp đặt hệ thống lọc. "Điều thực sự quan trọng là phải cân nhắc rằng rất nhiều cơ sở tái chế nhựa trên toàn thế giới có thể không có bất kỳ bộ lọc nào", Brown nói. 

anh-man-hinh-2023-05-23-luc-09.51.03.png

Mặc dù các bộ lọc hiệu quả có thể hữu ích, song Brown và các chuyên gia khác cho biết chúng không phải là giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề. 

Enck và các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu cho biết điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét vấn đề sâu sắc hơn.

Anja Brandon, Phó giám đốc chính sách nhựa của Mỹ tại Ocean Conservancy, một nhóm phi lợi nhuận, cho biết: "Những phát hiện này chắc chắn đáng báo động đến mức cần phải điều tra thêm và hiểu rõ mức độ phổ biến của vấn đề này". 

Bất chấp những phát hiện của nghiên cứu, các chuyên gia nhấn mạnh rằng việc tái chế nhựa không thể ngừng lại. 

"Chừng nào chúng ta còn tiếp tục sử dụng nhựa, thì tái chế cơ học thực sự là vẫn là giải pháp cuối cùng có hiệu quả nhất cho những vật liệu này để giúp chúng ta không cần phải sản xuất ngày càng nhiều nhựa", Brandon nói. 

Enck cho biết rác thải nhựa không được tái sử dụng hoặc tái chế thường được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc đốt. Các chuyên gia cho biết, điều quan trọng là mọi người cần phải tiếp tục cố gắng giảm lượng nhựa họ sử dụng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu quả khôn lường ít ai biết của việc tái chế nhựa