Các bậc phu huynh cần hiểu rằng dành thời gian, công sức lo cho con những kỹ năng cần thiết để vào đời thì không phải chỉ có lợi cho con, mà chính mình cũng đỡ phải lo lắng chứ chưa nói đến chuyện phải đối mặt với bi kịch.

Hãy chăm lo một mùa hè an toàn cho học sinh

27/05/2017, 14:28

Các bậc phu huynh cần hiểu rằng dành thời gian, công sức lo cho con những kỹ năng cần thiết để vào đời thì không phải chỉ có lợi cho con, mà chính mình cũng đỡ phải lo lắng chứ chưa nói đến chuyện phải đối mặt với bi kịch.

Lực lượng chức năng và gia đình tìm kiếm các em bị chết đuối - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Ngày 26.5, hầu hết học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước đến trường buổi cuối cùng của năm học, chia tay thầy cô giáo, bạn bè, trường lớp để nghỉ hè. Với học trò, hè đem lại nhiều niềm vui và không ít bịn rịn thân thương.

Hè đã về. Nhưng ở khía cạnh khác, đó không phải là tiếng reo hồ hởi của tuổi học trò sau nhiều ngày tháng miệt mài với sách vở học hành, mà là tâm trạng lo lắng, mối lo thực sự của các bậc phụ huynh. Một trong những lo nhất là sự an toàn của con em trong những ngày chúng không phải tới trường. Liên tiếp nhiều vụ trẻ em chết đuối (nay người ta gọi bằng từ nhẹ hơn: đuối nước) diễn ra từ Bắc chí Nam, cả vùng đồng bằng lẫn miền núi, khiến mục thời sự trên những trang báo càng thêm buồn thảm. Vụ mới nhất xảy ra ngày 24.5, một nhóm học sinh Trường THCS thị trấn Củng Sơn (H.Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) nhân được nghỉ hè rủ nhau ra sông Ba tắm, 4 em bị chết đuối. Trước đó, ngày 23.5, hai học sinh tiểu học ở phường 7, TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cùng ra tắm ở ao sau nhà và thiệt mạng. Ngày 10.5, một cháu bé lớp 5 ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) ra bờ sông chơi, trượt xuống sông và mất tích, mãi mới tìm thấy xác. Nhiều lắm, chả muốn thống kê nữa cho đau lòng.

Tại sao lại xảy ra dồn dập dịp hè? Không cần giải thích chắc ai cũng rõ mùa hè học sinh được nghỉ học theo quy định. Không phải đến trường, các em có thời gian đi chơi, tắm biển tắm sông, dã ngoại nơi này nơi khác. Học sinh thành phố thường được cha mẹ quan tâm hơn, chưa kể vẫn phải học thêm học nếm, bồi dưỡng văn hóa đủ kiểu mất nhiều thời gian dịp hè nên ít sinh chuyện. Đáng ngại nhất là ở vùng nông thôn, các em lớn còn đỡ, chứ với những trẻ trong độ tuổi nhỏ hơn, các em tự trông nom nhau quẩn quanh bên bờ ao con rạch cho bố mẹ đi làm. Mối nguy rình rập tăng lên gấp mấy lần so với thời gian các em còn phải đi học. Năm nào cũng thế, cứ chớm hè là tai nạn chết đuối liên tiếp, hầu hết nạn nhân trong độ tuổi đang đến trường. Theo một báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, chết đuối là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em, phần lớn vụ xảy ra dịp hè, nhiều nhất ở vùng nông thôn. Liệu có phải là thứ định mệnh, chả nhẽ chúng ta không có cách gì để ngăn chặn giảm bớt bi thương?

Tôi nhớ không ít lần ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, một người đầy kinh nghiệm về dã ngoại, lên tiếng than phiền rằng trong nhà trường bây giờ người ta ít chú ý dạy cho học trò những kỹ năng sống cần thiết, ví dụ bơi phải làm sao, khi đuối nước cần thế nào, bị rắn cắn, bị vết thương chảy máu xử lý ra sao, lạc vào rừng thứ gì ăn được thứ gì không ăn được… Ông Mỹ cũng bảo, trong khi đó, họ lại dạy nhiều thứ mà các em vào đời không biết sẽ dùng để làm gì. Thực tế cho thấy dạy kỹ năng sống ở nhà trường đang là lỗ hổng, cần mau điều chỉnh, không thể chậm bởi nó liên quan đến tính mạng các em.

Nhìn vào hệ thống vật chất trường lớp trên cả nước dễ nhận thấy hầu hết không có hồ bơi, đã không có hồ thì việc dạy bơi cho các em chỉ thực hiện trên giấy. Cứ vin lý do không tiền, không cơ sở vật chất cần thiết thì học trò còn đuối nước dài dài.

Thấy nhiều nhà “có điều kiện” cứ mỗi dịp hè lại cho con tham gia "học kỳ quân đội" để rèn luyện kỹ năng sống, tôi nghĩ cũng tốt thôi, môi trường quân đội rèn người mau cứng cáp hơn so với bình thường. Tuy nhiên, người ta cũng hay nhắc đến kỹ năng sống này nọ, nhưng nhiều điều cao siêu quá. Biết bơi không khó, vấn đề là phải có người chỉ bảo, hướng dẫn cho các em, các cháu. Cũng chả nên chỉ phó mặc cho nhà trường. Ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, do đặc điểm sông nước, thường bố mẹ rất chú ý dạy con tập bơi, nay một ít mai một ít rồi sẽ thạo chứ không cần bài bản tập trung. Dễ nhận ra đại đa số học sinh ở khu vực sông ngòi kênh rạch chằng chịt này đều bơi tốt, rất ít khi bị chết đuối. Bố mẹ cần hiểu rằng mình dành thời gian, công sức lo cho con những kỹ năng cần thiết để vào đời thì không phải chỉ có lợi cho con, mà chính mình cũng đỡ phải lo lắng chứ chưa nói đến chuyện phải đối mặt với bi kịch.

Tôi để ý có những đứa trẻ, thậm chí cả thanh niên, cả người nhớn, cứ chăm chăm vào những kỹ năng sống cao siêu xa vời ở đâu mà không cần biết chúng là thứ rất cụ thể hằng ngày. Chẳng hạn, không ít đứa trẻ khi có giọt dầu mỡ rớt xuống bàn ăn liền lấy cả cái giẻ lớn sạch lau từ giữa chỗ bẩn lau ra, chùi qua chùi lại, giặt giẻ rồi lau tiếp, khiến cả cái bàn bị bôi bẩn trước khi lau sạch lại. Đúng ra, nếu có kỹ năng sống, chỉ cần lấy chút giấy mềm thấm túm gom vào, thêm tí giấy chùi nhát nữa là sạch. Sống nơi nhiều ao hồ, điều trước hết phải biết bơi chứ không phải là thạo vi tính, ngoại ngữ…

Hãy quan tâm thực sự, mỗi lần hè về đem lại niềm vui chứ đừng để các em phải vĩnh biệt mùa hè.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
3 phút trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãy chăm lo một mùa hè an toàn cho học sinh