Sự thất thế của TP.HCM so với các đối thủ cạnh tranh hiện thấy rất rõ. Ví dụ, chỉ trong hơn 2 thập kỷ, Thượng Hải đã xây dựng được hơn 600 km tàu điện ngầm; trong khi đến năm 2020 may ra Thành phố này mới có được 20 km đầu tiên.

Hãy tháo 'vòng kim cô' cho TP.HCM!

18/02/2019, 13:33

Sự thất thế của TP.HCM so với các đối thủ cạnh tranh hiện thấy rất rõ. Ví dụ, chỉ trong hơn 2 thập kỷ, Thượng Hải đã xây dựng được hơn 600 km tàu điện ngầm; trong khi đến năm 2020 may ra Thành phố này mới có được 20 km đầu tiên.

Ảnh minh họa từ Shutterstock

TP.HCM đang có những vấn đề rất lớn. Nếu nhìn theo chiều dài phát triển và so sánh với các đô thị khác, nhất là 12 đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực châu Á, sẽ thấy trục trặc của TP.HCM chủ yếu là hệ quả của “vòng kim cô" cơ chế, xuất phát từ tầm nhìn và chiến lược phát triển quốc gia cùng với cách nhìn nhận về vai trò của đô thị lớn và có tiềm năng nhất nước này.

Khác với Trung Quốc và các nền kinh tế thành công ở châu Á, chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam đã không đặt ưu tiên cần thiết cho các đô thị trung tâm, như TP.HCM. Cách nhìn chính thống và nhiều chính sách đang kéo TP.HCM phải chờ. Hệ quả là TP.HCM hay rộng hơn là Việt Nam, đang ngày một thất thế so với các đối thủ. Đặc biệt, khoảng cách với Trung Quốc ngày một xa hơn, trong khi chúng ta cần phải phát triển nhanh hơn để giảm thiểu sức hút không mong đợi từ quốc gia này.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua (PPP) vào năm 1990 của Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 987 USDvà 939 USD. Nhưng đến năm 2017, hai con số lần lượt là 16.807 USD và 6.776 USD. Năm 1990, hai nước tương đương, nhưng đến năm 2017, Trung Quốc đã cao hơn 2,5 lần. Đáng ra, Việt Nam đã có thể tăng trưởng cao hơn do quy mô nền kinh tế nhỏ hơn có thể tạo quán tính nhanh hơn (tham khảo đồ họa bên dưới).

Sài Gòn đi trước về sau?

Trước đây, khi Bangkok chưa được biết nhiều, Sài Gòn - TPHCM đã là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, nhưng đầu thập niên 1990 đã tụt hậu khoảng 20 năm và đến giờ... vẫn vậy. Thậm chí, khoảng cách với các đô thị dẫn đầu trong khu vực ngày một xa hơn.

Đáng quan tâm hơn, khoảng cách so với các đô thị lớn của Trung Quốc, điển hình là Thượng Hải, đã doãng ra rất nhiều, cho dù nền tảng của kinh tế thị trường của TPHCM vào cuối thập niên 1980 đã ngang ngửa và TP.HCM còn có những đột phá hay bước đi sáng tạo hơn.

Trong 10 năm trước đến giai đoạn Đổi Mới, khi cả nước không biết phải làm thế nào và trục trặc của mô hình kinh tế kế hoạch ngày một trầm trọng hơn, TPHCM đã tiên phong trong rất nhiều sáng kiến phá rào, tháo gỡ các khó khăn và dẫn đến Đổi Mới.

Khi Đổi Mới, là nền tảng cho kinh tế thị trường ở Việt Nam, thời kỳ được bung ra cũng là lúc các ý tưởng hay, táo bạo đã nở rộ. TPHCM trở thành tâm điểm của Đổi Mới. Như chàng trai được vươn mình, rất nhiều ý tưởng đột phá đã được triển khai như: phát triển khu công nghiệp, đô thị mới, huy động vốn và đầu tư theo mô hình đối tác công tư, phát triển kinh tế tư nhân, hình thành thị trường chứng khoán...

Thượng Hải, thực ra, không có được may mắn lúc khởi đầu như TPHCM. Trung Quốc bắt đầu mở cửa từ cuối thập niên 1970, nhưng Thượng Hải chỉ được cho một số cơ chế nhỏ giọt cho đến khi Đặng Tiểu Bình nhận ra tầm quan trọng của thành phố này nói riêng, các đô thị nói chung vào đầu thập niên 1990.

Kể từ đó, đó Trung Quốc đã xác định chiến lược tập trung vào các đô thị trung tâm để biến chúng thành các mũi nhọn cho sự phát triển quốc gia cùng với các địa phương có lợi thế ở duyên hải. Nhân tài vật lực đã được tập trung vào đây để tạo ra sự thần kỳ Trung Quốc.

Giống như Hàn Quốc đã định hướng cho Seoul và thành công trước đó, Thượng Hải được xây dựng để trở thành thành phố cạnh tranh toàn cầu, trung tâm tài chính và thương mại đẳng cấp thế giới. Môi trường và cách thức kinh doanh tiên tiến, những chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp đến kinh doanh, người giỏi đến làm việc, người giàu đến ở được thực thi.

Quyết tâm này được thể hiện rất rõ ở mức chi ngân sách của Thượng Hải khoảng 10% GRDP từ đầu thập niên 1990 đã tăng lên hơn 21% hiện nay. Kết quả, đến nay, mục tiêu với Thượng Hải đã thành hiện thực.

Đáng tiếc thay, TP.HCM đã không được như Thượng Hải. Cho dù lúc đầu có không gian lớn hơn và việc trở thành một đô thị có vị trí trong khu vực cũng được nhắc đến, nhưng các chính sách và cách làm trên thực tế dường như ngược lại.

Các cơ chế để đẩy mạnh các sáng kiến của Thành phố đã không được Trung ương bật đèn xanh và tiếp sức như Thượng Hải có được. Thay vào đó, Thành phố ngày càng bị quản chặt hơn và phải san sẻ nguồn thu ngân sách cho cả nước nhiều hơn. Cái nôi của kinh tế thị trường đã bị sứt mẻ khá nhiều do chiến dịch cải tạo công thương nghiệp trong cuối thập niên 1970. Khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục bị bầm dập vào giữa thập niên 1990 khi các vụ án kinh tế bị hình sự hoá và xử rất nặng. Nỗi sợ bị cải tạo, bị xử luôn đè nặng lên những doanh nhân ở Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.

Chiếm khoảng 9,5% dân số và đóng góp khoảng 27,5% tổng thu ngân sách, nhưng TPHCM chỉ được sử dụng khoảng 5% chi ngân sách cả nước cho duy trì và phát triển. Bình quân mỗi người dân Thành phố đóng góp vào ngân sách cả nước cao gần gấp 3 lần bình quân của cả nước (27,5 %/9,5% = 2,9), chi ngân sách chỉ bằng 53% bình quân của cả nước. Nếu tính dân số trên thực tế khoảng 14% thì con số còn thấp hơn rất nhiều. Khi tính toán theo số chi tại các địa phương và dân số thực tế thì TPHCM bằng chưa đến 80% bình quân của cả nước.

Đầu thập niên 1980, TP.HCM được giữ lại hơn 40% nguồn thu ngân sách, đến đầu thập niên 1990 dao động quanh 30%, và đến nay chỉ có hơn 20% (tỷ lệ các khoản phân chia chỉ còn 18% và chỉ cần được 35% như Hà Nội thì mọi chuyện có lẽ đã rất khác). Chi ngân sách trong những năm gần đây của Thành phố chỉ khoảng 7-8% GRDP, tương đương ⅓ Thượng Hải, Bắc Kinh hay Hồng Kông và ½ Hà Nội hay Singapore.

Những con số nêu trên cho thấy sự mất cân đối tài chính công nghiêm trọng của TP.HCM. Mối tương quan tài chính công này rõ ràng không thể là cơ sở cho sự phát triển bền vững của TP.HCM. Và đương nhiên, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh và cơ hội đi đến thịnh vượng của cả Việt Nam.

Sự thất thế của TP.HCM so với các đối thủ cạnh tranh thấy rất rõ. Ví dụ, chỉ trong hơn 2 thập kỷ, Thượng Hải đã xây dựng được hơn 600 km tàu điện ngầm; trong khi đến năm 2020 may ra Thành phố mới có được 20 km đầu tiên. Giả sử trong cái áo cơ chế hiện tại Thành phố có thể nỗ lực gấp đôi, thậm chí gấp ba, thì kết quả cũng chẳng đáng là bao. Điều này cho thấy cái bó của tư duy, của chiến lược quốc gia ảnh hưởng như thế nào.

Nếu TP.HCM được chi tiêu một tỷ phần ngân sách so với GRDP tương đương Hà Nội trong hai thập niên qua, thì nguồn vốn có thêm đủ để xây cả hệ thống tàu điện ngầm và một số hạ tầng thiết yếu khác. Nếu táo bạo như Thượng Hải (chi ngân sách bình quân của Trung Quốc chỉ khoảng 23% GDP so với 30% của Việt Nam), thì Thành phố đã rất phát triển rồi.

Nói rộng ra cả vùng TPHCM, trong giai đoạn 2004-2016, chi ngân sách so với GRDP chỉ có 8,2%, so với 19,3% của vùng Hà Nội và 30% của cả nước. Phân tích định lượng của tác giả cho thấy, trong giai đoạn 2004 - 2016, chi ngân sách/người của vùng Đông Nam Bộ thấp nhất cả nước, kế đến là Đồng bằng sông Cửu Long. Đóng góp đến 43% nguồn thu ngân sách và 38% GDP của cả nước, nhưng vùng TP.HCM chỉ được giữ lại 28,7% nguồn thu. Nếu có được tỷ lệ 62,8% như vùng Hà Nội thì mọi chuyện đã rất khác.

Hơn thế, nhu cầu về cơ sở hạ tầng rất lớn, nhất là giao thông nhưng cả vùng cũng được đầu tư rất khiêm tốn. Ví dụ, trong khoảng 800 km đường cao tốc đã được xây thì cả vùng chỉ được khoảng 100 km. Điều này cũng cho thấy cái khó trong liên kết vùng vì mỗi địa phương chưa lo nổi cho mình với các nhu cầu thiết yếu. Có thực mới vực được đạo.

Tư tưởng e ngại sự chệch hướng, Thành phố vượt tầm kiểm soát của Trung ương dường như mạnh hơn cách nhìn để cho Thành phố vươn vai. Quán tính từ đầu thập niên 1980 với Nghị quyết 01 nổi tiếng dường như vẫn vậy. Trung ương đã kỷ luật và yêu cầu Thành phố dừng phá rào để theo định hướng cũ thay vì nhìn vào những mặt tích cực để hậu thuẫn Thành phố tiếp tục tiến lên. Hậu quả, vài năm sau cả nước gặp trục trặc dẫn đến Đổi Mới mà thực chất là triển khai những gì mà Thành phố đã bị phê bình và yêu cầu dừng trước đó.

Ngập nước và kẹt xe đã trở thành chuyện thường ngày ở Thành phố

Cái khó bó cái khôn

Lật lại những tài liệu lịch sử và tiếp xúc với đội ngũ lãnh đạo và người dân sẽ thấy sự khát khao vươn lên của TP.HCM. Bao giờ TP.HCM sẽ lại là “Hòn ngọc Viễn Đông” hay cái gì đó tương tự là trăn trở của rất nhiều người. Những trao đổi, những dự định đã được bàn thảo và ướm thử, nhất là trong những năm gần đây khi mà mọi thứ ngày một khó khăn hơn.

Khi chuẩn bị Đại hội X của Đảng bộ Thành phố, đã có một đánh giá chiến lược so sánh TP.HCM với 12 đối thủ trong khu vực. Những cách tiếp cận hiện đại như: lấy cái neo hay mốc so sánh là 12 thành phố này, tiếp cận cụm ngành cho phát triển kinh tế, đô thị nén gắn với giao thông công cộng, tạo cơ chế động lực để có nhiều cán bộ dám nghĩ dám làm ... đã được thảo luận.

Tuy nhiên, những ý tưởng có thể đưa vào Nghị quyết để sau đó triển khai là rất khiêm tốn do cái áo cơ chế bó buộc. Ví dụ, đột phá thứ bảy về chỉnh trang và phát triển đô thị ẩn đằng sau đó là những dự định về cách làm mới trong phát triển đô thị, cơ chế vận hành chính quyền đô thị... Trong khi, 6 đột phá kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, thực ra là những khó khăn phải giải quyết của Thành phố do vướng cái áo cơ chế nên ngày càng khó hơn mà thôi.

Cơ chế đặc thù là điều mong mỏi của TP.HCM từ rất nhiều năm. Điều này đã được xúc tiến sau Đại hội X và đặc biệt đẩy mạnh vào năm 2018 với cách làm gõ cửa trực tiếp rất nhiều các cơ quan Trung ương và lãnh đạo quốc gia.

Việc Trung ương cho cơ chế theo Nghị quyết 54 của Quốc hội để Thành phố thí điểm một số cơ chế đặc thù cũng như quyết định nguồn vốn cho hai tuyến Metro gần đây là những tín hiệu tích cực về một cách tiếp cận mang tính chiến lược hơn đối với TP.HCM. Tuy nhiên, các không gian chính sách mà Thành phố được cho phần nhiều là gỡ bí, trong khi những nhân tố mở lối hay đột phá không nhiều.

Thời gian mà Thành phố phải chạy về Trung ương đa phần là để giải quyết những vấn đề sự vụ chứ không nhiều những bàn thảo hay chủ trương về các vấn đề chiến lược mang tầm phát triển dài hạn của Thành phố. Cái khó, quả là, đã bó cái khôn.

Trong cái áo cơ chế chật hẹp như vậy, TP.HCM vẫn triển khai những việc có thể làm như chuẩn bị xây dựng trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm cho dù đã bị dội nước lạnh từ chủ trương sáp nhập hai sàn giao dịch chứng khoán quốc gia và trung tâm sẽ đặt tại Hà Nội. Có thể hiểu là các giao dịch chủ yếu vẫn ở TPHCM, nhưng tác động tâm lý rất lớn.

Phát triển đô thị sáng tạo ở phía đông gắn với tầm nhìn thành phố thông minh và xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung là những việc mà Thành phố đã và đang triển khai.

Tuy nhiên, khả năng thành công của những ý tưởng nêu trên phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược và định hướng dài hạn của Trung ương đối với TP.HCM nói riêng, chiến lược phát triển quốc gia nói chung.

Trong một bài viết trên VNN, TS Nguyễn Đình Cung đã chỉ ra rất rõ cái khó và thực tế của Thành phố. Ví dụ, các cấu phần về đổi mới mô hình tăng trưởng đã thực hiện xong mà gần như không thấy tác động. Đúng là như vậy vì đây chỉ là các vấn đề mang tính kỹ thuật hay sự bức thiết của cuộc sống, trong khi cái van tắc nghẽn đang nằm ở vấn đề chiến lược. Cái áo cơ chế đang quá chật và bó buộc.

Và những phân tích nêu trên cho thấy, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển của TP.HCM chính là cái "vòng kim cô cơ chế", định hướng phát triển quốc gia đối với các đô thị trung tâm nói chung, TP.HCM nói riêng.

Việc cần làm ngay

Cuộc cạnh tranh toàn cầu trong thời đại thế giới mở hiện nay là cuộc cạnh tranh giữa các đô thị lớn để thu hút doanh nghiệp, người giỏi và người giàu. Việt Nam muốn tồn tại thì ít nhất phải giữ được doanh nghiệp, người giỏi, người giàu của mình chứ không thể để tình trạng khởi nghiệp phải chạy sang Singapore như trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đội ngũ tài năng của Việt Nam lũ lượt đội nón ra đi tìm miền đất hứa nơi khác.

Khát vọng Việt Nam như trong lời chúc năm mới cùng với bài viết quan trọng trước thềm năm mới Kỷ Hợi của Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và bài viết đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ có thể thành hiện thực khi chúng ta giữ được chất xám và phát huy các tiềm lực quốc gia. TP.HCM cùng với Hà Nội là hai nơi quan trọng nhất cho việc này.

Đây là lúc lãnh đạo quốc gia cần có những quyết sách quan trọng để những nơi có tiềm năng có thể phát huy một cách tốt nhất nhằm đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh.

Một cơ chế tự chủ gắn với việc tập trung nguồn lực cần thiết để TP.HCM có thể phát triển là việc cần làm ngay.

Theo Huỳnh Thế Du/VNN

*Tựa do MTG đặt lại

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãy tháo 'vòng kim cô' cho TP.HCM!