Chiều 7.4, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 12 nghị quyết về giao thông, y tế, xã hội.

HĐND TP.HCM vừa thông qua nhiều nghị quyết quan trọng

Tú Viên | 07/04/2022, 19:07

Chiều 7.4, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua 12 nghị quyết về giao thông, y tế, xã hội.

Cụ thể, HĐND TP.HCM thông qua 12 Nghị quyết, trong đó có 6 Nghị quyết về chế độ, cơ chế chính sách xã hội - y tế; 2 Nghị quyết về kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn; 1 Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án, 1 Nghị quyết về ban hành Đề án và 2 Nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác. Đây là những Nghị quyết hết sức quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân TP.HCM trong nhiều năm tới.

Thực hiện dự án kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến Metro 1

Tại kỳ họp, các đại biểu quyết nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP quản lý dự án.

Theo đó, tái cấu trúc mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang Xa lộ Hà Nội và kết nối tuyến Metro 1 với mạng lưới tuyến xe buýt TP phù hợp với định hướng phát triển mạng lưới tuyến xe buýt phân cấp cho TP.HCM, phát huy hiệu quả khai thác của tuyến Metro 1; Xây dựng và vận hành hiệu quả các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ vận tải xe buýt và tăng cường khả năng tiếp cận bằng xe buýt xung quanh các nhà ga trên cao của tuyến Metro 1.

Đồng thời, lập kế hoạch vận hành và kêu gọi đầu tư thêm phương tiện vận tải, thiết bị hỗ trợ quản lý điều hành vận tải cho các tuyến xe buýt dự kiến mở mới phục vụ hoạt động của tuyến Metro 1.

Về quy mô đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các tuyến xe buýt nhằm kết nối với các nhà ga tuyến Metro 1 và các trạm dừng đỗ xe buýt xung quanh các nhà ga để trung chuyển hành khách, bao gồm: ga Văn Thánh; ga Tân Cảng; ga Thảo Điền; ga An Phú; ga Rạch Chiếc; ga Phước Long; ga Bình Thái; ga Thủ Đức; ga Khu Công nghệ cao; ga Đại học Quốc gia TPHCM; ga Bến xe Suối Tiên (Bến xe Miền Đông mới).

Cải tạo vỉa hè đường song hành và Xa lộ Hà Nội, tăng cường khả năng tiếp cận cho hành khách đi bộ tiếp cận các nhà ga; Tổ chức mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến Metro 1 trên cơ sở tái cấu trúc tuyến xe buýt hiện hữu và mở các tuyến xe buýt mới dọc hành lang Xa lộ Hà Nội để kêu gọi đầu tư phương tiện từ các đơn vị vận tải để khai thác, vận hành.

Theo nghị quyết, tổng mức đầu tư dự án hơn 93,8 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP. Địa điểm thực hiện dự án: TP.Thủ Đức, quận Bình Thạnh. Thời gian thực hiện dự án: 2022-2024.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thành việc lập dự án đầu tư; chịu trách nhiệm toàn diện trước HĐND TP, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác và thống nhất về thông tin, số liệu của dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; chịu trách nhiệm về sự chậm trễ so với thời gian và tiến độ thực hiện dự án.

HĐND TP ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách TP để triển khai thực hiện dự án này đảm bảo đúng kế hoạch bố trí vốn, tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Ngoài ra, HĐND TP đề nghị có phương án hoàn thiện khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đối với ga Tân Cảng, đường nội bộ từ đường D1 đến đường Điện Biên Phủ cần được xem xét, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định để phát huy hiệu quả đồng bộ toàn tuyến; rà soát, thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3

HĐND TP.HCM thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và chủ trương bảo đảm thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố bố trí để thực hiện dự án (bao gồm cho phần phát sinh vốn ngân sách thành phố bố trí tăng thêm (nếu có) trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án).

Tổng vốn ngân sách thành phố dự kiến bố trí cho dự án là hơn 24.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn trung hạn 2021-2025 là hơn 19.400 tỉ đồng; giai đoạn trung hạn 2026-2030 là hơn 4.500 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến dự án đường Vành đai 3, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về việc đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng 16,8ha đất rừng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Chi 61 tỉ đồng để hỗ trợ cho những người yếu thế

HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Đây là chính sách đặc thù để chăm lo, hỗ trợ cho những người yếu thế trên địa bàn, nhằm đảm bảo sự công bằng, chia sẻ trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo đó, người cao tuổi sống đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và mức hỗ trợ 480.000 đồng/người/tháng.

Người trong độ tuổi lao động từ 16-60 tuổi thuộc hộ nghèo bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác đã được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện hộ nghèo nhưng chưa được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng cũng được hỗ trợ hàng tháng 480.000 đồng/người.

Trẻ em mồ côi được cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ học phí và được mức hỗ trợ hàng tháng dao động từ 480.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy trường hợp. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1.5.2022 đến hết năm 2023. Tổng kinh phí thực hiện là gần 61 tỉ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HĐND TP.HCM vừa thông qua nhiều nghị quyết quan trọng