Khi còn sống, ông trùm Năm Cam có tiếng sùng “Phật”. Khi bị bắt giam, ông nhiều lần viết thư xin lỗi con gái lúc bấy giờ đang tu tập ở chùa Phước An (Q.4 - TP.HCM). Ý nguyện muốn vào cửa Phật sau khi qua đời của ông trùm cũng được nhiều người kể lại.
Việc ông trùm được thiêu xác rồi gửi vào chùa là thông tin được truyền tụng rất nhiều. Tuy nhiên, ngôi chùa chính xác mà Năm Cam an nghỉ chưa mấy người biết đến.
Chuyện ở hẻm “cậu mợ Năm”
Một Thế Giới tìm đến con hẻm 148 Tôn Đản, P.10, Q.4, nơi trước ông trùm Năm Cam và bà Phan Thị Trúc và các con chung sống. Ông H., một người lớn tuổi sống tại con hẻm này cho biết, vợ chồng Năm Cam thường được người dân ở đây gọi là “cậu Năm”, “mợ Năm” theo kiểu nể trọng.
Trước đây, khi vợ chồng Năm Cam còn sống trong hẻm, không ai ngờ đó sẽ là một ông trùm giang hồ khét tiếng.
“Tính cậu Năm hiền lành, hay cười và sống rất tình cảm. Dân chỗ này không ai không biết” - ông H. kể. Dù bận rộn với công việc làm ăn nhưng “cậu Năm” vẫn thường thăm hỏi chòm xóm mỗi lúc có lễ lạt, cưới hỏi ma chay.
Sau này dù đã bán nhà chuyển đi nơi khác, “cậu Năm” vẫn tìm về, bố trí việc làm cho con em các gia đình nghèo thoát cảnh làm thuê làm mướn. “Dân ở đây nể sợ ông một thì quý trọng ông mười”-ông H. nói.
Con hẻm 148 Tôn Đản hẹp như sống mũi lượn ngoằn nghoèo, chi chít nhà cửa. Ở cuối con hẻm này là ngôi chùa Phước An, nơi ni cô Diệu Quang, còn có tên khác là Trương Thị Ánh, con ruột của ông trùm, tu tập từ nhỏ.
Chùa Phước An rộng rãi, ngay trước cổng là tán cây bồ đề lá sum suê. Gần hai năm trước, đám tang của bà Trúc “mẫu hậu” được tổ chức ở đây. Đó cũng là lý do nhiều người tin rằng ngôi chùa là nơi an nghỉ của ông trùm.
“Cậu Năm thì không biết nhưng “mợ Năm” về đây hai năm trước” - bà N., một phụ nữ luống tuổi lởi xởi nói. Bà còn nhớ như in đó là ngày 17.8.2012, một ngày sau khi bà Phan Thị Trúc tử vong tại trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) vì lý do sức khỏe. Sư cô Diệu Quang đã lên trại giam đón thi thể mẹ mình về chùa an táng theo nguyện vọng của bà.
Tang lễ được tổ chức đơn giản nhưng cảm động. Bà Trúc được đặt trong quan tài bằng gỗ ép mỏng để bà con, chòm xóm đến phúng tiễn. Khoảnh sân nhỏ phía trước chùa được dựng rạp, kê khoảng 4 bộ bàn ghế để tiếp khách. “Hồi ấy người ta tới đông, phần vì nể sợ bà trùm, phần vì hiếu kỳ”-bà N., nói.
Sau tang lễ gọn nhẹ, quan tài bà trùm được xe chở đi hỏa táng rồi mang tro cốt về gửi lại chùa.
Tương truyền lúc còn sống, bà Trúc từng mong ước vượt qua bệnh tật, thụ án tù xong sẽ về chùa Phước An tu tập cùng con gái để cứu chuộc lỗi lầm. Nhưng ý nguyện của bà trùm đã không thành vì một cơn bạo bệnh trong trại giam.
Đám tang bà Trúc "mẫu hậu" được tổ chức trong chùa Phước An. Ảnh: TL
Nương nhờ cửa Phật?
Cũng như những tay anh chị, chuyện về gia đình Năm Cam, những người dân ở hẻm 148 đều nói vanh vách. Nhưng khi được hỏi về nơi an nghỉ của ông trùm, lại không nhiều người chắc chắn. Nhiều người không biết, người lại khẳng định là đang ở trong chính chùa Phước An.
Vì theo họ, khi còn sống Năm Cam cũng là người sùng đạo phật. Sư cô Diệu Quang chính là sự ân hận lớn nhất trong cuộc đời ông trùm. Thời gian ở trại giam chờ án tử, Năm Cam thường viết thư gửi về chùa xin lỗi con gái mình.
Sở dĩ, Năm Cam không được tổ chức một tang lễ giống vợ mình là vì lúc đó ông đang mang danh nghĩa tử tội. Sau cuộc đào trộm xác ở pháp trường, việc an táng cần phải nhanh chóng và lặng lẽ hơn.
Những người thuộc giới anh chị ở Q.4 còn cho biết thêm, lúc đó vụ án trộm xác tại trường bắn Long Bình bị khởi tố đề điều tra càng khiến gia đình ông trùm lo lắng. Từ đó, hành tung thi thể của ông trùm càng được giấu kín, càng ít người biết càng tốt. Việc hỏa thiêu và an táng tro cốt chỉ do thân nhân ông trùm đảm nhận. Nên mới có giả thiết là ông trùm đã được lặng lẽ mang về an táng ở chùa Phước An.
Nhiều lần gặp sư cô Diệu Quang trong chùa Phước An, chúng tôi ấn tượng về một phụ nữ trung niên gầy gò, gương mặt buồn rũ. Tính bắt chuyện với sư cô để dò hỏi nhưng lại sợ khơi lại những vết thương lòng cho con người tội nghiệp ấy.
Nghĩa trang Gò Dưa, nơi "an nghỉ" của nhiều đại ca giang hồ T., nhân vật đầu bài viết, nói với chúng tôi: “Người đi cũng đã đi rồi. Bây giờ cứ chắc chắn là ông Năm đang ở trong chùa. Được gần Phật để gột rửa sạch nghiệp chướng rồi. Truy cùng đuổi tận để làm gì!...”.
Nhật Trường
>>Ông "trùm” Năm Cam và “thiên đường vĩnh hằng” dang dở
>>Số phận ly kỳ của những người trộm xác Năm Cam
>>Bí ẩn nơi an táng của Năm Cam và đàn em