Một đợt nắng nóng kéo dài, dữ dội đang quét qua châu Âu với nhiệt độ có thể lên tới 48°C. Đợt nắng nóng năm ngoái đã gây ra hơn 60.000 ca tử vong ở châu Âu, tình hình mùa hè năm nay có thể còn nghiêm trọng hơn.

Hình chụp vệ tinh cho thấy châu Âu đang chìm trong đợt nắng nóng khốc liệt

Anh Tú | 15/07/2023, 08:58

Một đợt nắng nóng kéo dài, dữ dội đang quét qua châu Âu với nhiệt độ có thể lên tới 48°C. Đợt nắng nóng năm ngoái đã gây ra hơn 60.000 ca tử vong ở châu Âu, tình hình mùa hè năm nay có thể còn nghiêm trọng hơn.

chau-au.jpg
Hình ảnh này sử dụng dữ liệu từ thiết bị đo phóng xạ của vệ tinh Sentinel-3 cho thấy nhiệt độ bề mặt trên khắp châu Âu và một phần phía bắc châu Phi vào sáng ngày 10.7.2023. Nhiệt độ mặt đất ở Rome đạt 46°C, Ý, trong khi Madrid và Seville lần lượt đạt 46 và 47°C.

Nhiệt độ đang tăng vọt trên khắp châu Âu trong tuần này do đợt nắng nóng kéo dài và dữ dội. Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Ba Lan đang phải trải qua đợt nắng nóng lớn này với nhiệt độ được dự đoán có thể lên tới 48°C - nhiệt độ kỷ lục mới của châu Âu và có khả năng thiêu đốt các đảo Sicily và Sardinia. 

Một xoáy thuận, một vùng có áp suất khí quyển cao, được đặt tên là “Cerberus” (lấy theo tên của quái vật trong Inferno - hay Địa ngục là phần 1 của Thần khúc do đại thi hào Dante Alighieri viết thế kỷ thứ 14) đến từ phía nam dự kiến sẽ đẩy nhiệt độ lên trên 40°C trên một phần diện tích đáng kể của Ý. Nhiệt độ cao kéo theo một mùa xuân và đầu mùa hè đầy bão, lũ lụt.

Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu là 48,8°C vào ngày 11.8.2021, tại Floridia, một thị trấn thuộc tỉnh Syracuse của Sicily. Kỷ lục đó có thể bị vượt qua trong những ngày tới.

Hình ảnh động dưới đây sử dụng dữ liệu từ thiết bị đo phóng xạ của vệ tinh Sentinel-3 được phóng theo chương trình Copernicus và minh họa nhiệt độ bề mặt đất trên khắp nước Ý trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến ngày 10.7. Khi hình ảnh hiển thị rõ ràng, bề mặt ở các thành phố như Rome, Naples, Taranto và Foggia đã vượt quá 45° C. Trên sườn phía đông của dẫy núi Etna ở Sicily, nhiệt độ trên 50°C cũng được ghi nhận.

y.gif
Hoạt ảnh này được tạo bằng cách sử dụng dữ liệu từ thiết bị đo phóng xạ của vệ tinh Sentinel-3 và hiển thị nhiệt độ bề mặt đất trên khắp nước Ý vào ngày 9 và 10.7.2023. Trên sườn núi Etna, ở Sicily, cũng như ở vùng Puglia, nhiệt độ mặt đất vượt quá 47°C.
Điều đáng chú ý là sự khác biệt giữa nhiệt độ không khí và nhiệt độ mặt đất. Nhiệt độ không khí, được đưa ra trong bản tin dự báo thời tiết hằng ngày của chúng ta, là thước đo mức độ nóng của không khí trên mặt đất. Còn nhiệt độ mặt đất là thước đo mức độ nóng của mặt đất thực tế khi chạm vào.

Do vệ tinh Sentinel-3 đã thu thập những dữ liệu này vào cuối buổi sáng (khoảng 11g30) nên nhiệt độ còn có thể tiếp tục tăng trong suốt buổi chiều.

Thiết bị vệ tinh này đo năng lượng thực tế phát ra từ Trái đất và phản ánh nhiệt độ ở mặt đất, thường nóng hơn nhiệt độ trong không khí. Do đó, bản đồ trên hiển thị nhiệt độ thực của bề mặt đất.

Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu nhiệt độ bề mặt Trái đất để hiểu rõ hơn và dự báo các kiểu thời tiết và khí hậu, giám sát nguy cơ hỏa hoạn, tối ưu hóa việc tưới tiêu cho cây trồng và cải tiến các chiến lược giảm nhiệt đô thị.

Đợt nắng nóng này cũng ảnh hưởng đến các thành phố khác ở châu Âu, với nhiệt độ không khí được dự đoán sẽ đạt 44°C ở các vùng của Tây Ban Nha vào cuối tuần này. Các khu vực khác bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm Rome ở Ý, Madrid và Seville ở Tây Ban Nha, với nhiệt độ đo ở mặt đất lần lượt đạt 46°C và 47°C.

Benjamin Koetz, nhà khoa học chuyên về nhiệt độ bề mặt Trái đất phân tích: “Sự nóng lên của khí hậu được khuếch đại trong năm nay do El Nino gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, nguồn nước cũng như sức khỏe của chúng ta. Để thích ứng hiệu quả với những thay đổi này, chúng ta cần thông tin kịp thời ở độ phân giải cao mà chương trình Copernicus đang cung cấp với vệ tinh Sentinel-3 và sắp tới là chương trình Giám sát nhiệt độ bề mặt đất của Copernicus với độ phân giải 50 m”.

Nhiệt độ khắc nghiệt ở châu Âu phản ánh nhiệt độ toàn cầu liên tục phá kỷ lục được vào đầu tuần qua. Những điều này xảy ra sau tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận, được đánh dấu bằng nhiệt độ mặt nước biển cao chưa từng có và độ phủ của băng biển ở Nam Cực thấp kỷ lục. Trung tâm ứng phó Biến đổi Khí hậu Copernicus đã báo cáo rằng nhiệt độ tháng 6.2023 cao hơn 0,5°C so với mức trung bình của giai đoạn 1991 - 2020.

Nền nhiệt hiện tại phù hợp với sự khởi đầu của El Nino, một hiện tượng tự nhiên làm ấm bề mặt Thái Bình Dương. Người ta cho rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng cao hơn nữa và nhiều kỷ lục thời tiết sẽ bị phá vỡ trong thời gian tới.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nature Medicine tiết lộ rằng hơn 60.000 người đã thiệt mạng do đợt nắng nóng hồi mùa hè năm ngoái trên khắp châu Âu, với tỷ lệ tử vong cao nhất ở Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Mùa hè này có thể tồi tệ hơn. Do đó, Hội Chữ thập đỏ đã kêu gọi người dân địa phương và khách du lịch hết sức thận trọng và chú ý đến những người dễ bị tổn thương với nhiệt độ cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Vùng đất đẹp phải ưu tiên sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm
"Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân", Thủ tướng nói.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hình chụp vệ tinh cho thấy châu Âu đang chìm trong đợt nắng nóng khốc liệt