J-League không phải là “giải đấu thần thánh” và người Nhật càng không phải là… siêu nhân. Có giai đoạn bóng đá Nhật Bản khủng hoảng nghiêm trọng, đã có CLB ở J-League tuyên bố phá sản và khán đài thì trống hoác. Bài học vượt qua khó khăn và vươn lên cũng là một giá trị lớn mà J-League để lại cho bóng đá chuyên nghiệp thế giới.

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai đến đỉnh cao châu Á (kỳ 5)

Một Thế Giới | 26/12/2014, 09:21

J-League không phải là “giải đấu thần thánh” và người Nhật càng không phải là… siêu nhân. Có giai đoạn bóng đá Nhật Bản khủng hoảng nghiêm trọng, đã có CLB ở J-League tuyên bố phá sản và khán đài thì trống hoác. Bài học vượt qua khó khăn và vươn lên cũng là một giá trị lớn mà J-League để lại cho bóng đá chuyên nghiệp thế giới.

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai đến đỉnh cao châu Á (kỳ 4)

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai đến đỉnh cao châu Á (kỳ 3)

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai cho đến đỉnh cao châu Á (kỳ 2)

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai cho đến đỉnh cao châu Á (kỳ 1)

Quá nhanh thì quá nguy hiểm

Trong ba mùa giải đầu tiên, J-League tạo được danh tiếng rất lớn về chuyên môn lẫn thương mại. Chưa bao giờ người ta chứng kiến một giải bóng đá nhà nghề non trẻ lại ở châu Á – khu vực được coi là kém phát triển nhất trên bản đồ bóng thế giới lại thu hút hàng loạt ngôi sao đẳng cấp thế giới như vậy.

Từ Zico, Lineker, Littbarski, Michael Laudrup, Hristo Stoichkov, Buchwald, Bismarck, Ramon Diaz đến Patrick M’boma, Dunga, Schillacqui, Dragan Stojkovic, Leonardo… tụ về J-League như trẩy hội. Cần biết rằng, vào thời điểm đó Nhật Bản chưa từng góp mặt ở VCK World Cup nên việc chứng kiến một loạt hảo thủ từ Cầu thủ xuất sắc nhất đến Vua phá lưới World Cup khiến người dân Nhật rất háo hức.

Ngay trong mùa đầu tiên, J-League với 10 CLB đã thu hút được trung bình 18.000 khán giả/trận và tổng cộng 3,2 triệu khán cả cả mùa. Ở mùa tiếp theo (1994), số CLB tăng lên 12 đội và lượng khán giả trung bình trận tiếp tục tăng lên đạt trên 19.000 người/trận. Sang mùa giải 1995, với việc tăng số lượng CLB tăng lên thành 14, J-League đã đạt đến kỷ lục về khán giả là 6,5 triệu người, hơn gấp đôi lượng khán giá mùa đầu tiên và trung bình mỗi trận có đến trên 30.000 người xem!

Khi đó J-League thực sự là một cơn sốt từ người dân, truyền thông cho đến các doanh nghiệp. Bóng đá đã thực sự vươn lên để trở thành môn thể thao số 2 đứng sau bóng chày về lượng khán giả đến xem.

Ở mùa 1995, J-League thay đổi cách tính điểm khi trận thắng trong 90 phút được tính 3 điểm và nếu thua ở loạt luân lưu thì được 1 điểm.

Theo tính toán Ban tổ chức J-League đến mùa 1996 giải sẽ có 16 CLB, do vậy trong ba mùa 1993, 1994, 1995 không có đội rớt hạng mà sau mỗi mùa sẽ có hai đội lên hạng. Với 16 đội dự giải, J-League 1996 bỏ thể thức thi đấu hai lượt Mùa xuân và Mùa thu, chọn ra hai nhà vô địch vào Chung kết để áp dụng thể thức vòng tròn hai lượt (30 vòng) giống như các giải VĐQG ở châu Âu. Kashima Antlers đoạt ngôi vô địch đầu tiên kể từ khi họ thành lập.
bong da Nhat
J-League 1996 - Mùa giải "thảm họa" về khán giả của bóng đá Nhật Bản

Song, mùa bóng 1996 là mùa bóng “thảm họa” vì khán giả tụt giảm rất “sốc” chỉ còn 10.131 người/trận khiến BTC J-League hốt hoảng. Nhiều người cho rằng, do thể thức thi đấu mới khiến khán giả không thích nên đến mùa 1997, J-League quay lại thể thức thi đấu cũ dù lúc này số CLB đã tăng lên con số 17 với sự góp mặt của Vissel Kobe.

J-League lại thay cách tính điểm khi trận thắng trong 90 phút được tính 3 điểm, thắng trong hiệp phụ được 2 điểm và thắng ở loạt lưu luân được 1 điểm.

Thể thức thi đấu không phải là nguyên nhân lụn bại. Mùa 1997, dù số trận đấu tăng lên rất nhiều nhưng tổng lượng khán giả chỉ đạt mức 3,5 triệu người, chỉ nhỉnh hơn 300.000 người so với mùa giải 1993 vẻn vẹn 10 CLB. Năm đó, Jubilo Iwata đoạt chức vô địch J-League lần đầu trong sự ảm đạm chưa từng có.

Dù vậy cũng có sự an ủi nhỏ cho J-League là các CLB đã hình thành được đội ngũ khán giả trung thành ủng hộ nhiệt tình, cổ vũ rất bài bản tạo nên sự sôi động, bản sắc trên các khán đài.

Bi kịch Flugel và ý chí phi thường của Yokohama FC

Cuối mùa 1998, sự cố xảy ra khi Yokohama Flugels, một thành viên sáng lập giải, đã tuyên bố giải tán khi hai nhà tài trợ chính là ANA và Sato Labs không thể duy trì nguồn tài chính cho đội bóng hoạt động. Lãnh đạo Yokohama Flugel đã cố gắng cứu vãn bằng cách đàm phán với Nissan Motors để sáp nhập vào Yokohama Marinos do tập đoàn này sở hữu. Theo đó, các cầu thủ của Flugels sẽ sang chơi cho Marinos và đổi lại CLB mới sẽ có tên là Yokohama F. Marinos như một sự “an ủi” cuối cùng.

Có rất nhiều người ở Yokohama Flugels và các CĐV trung thành không đồng ý việc sáp nhập (thực chất là bán mình) này và quyết tìm hướng đi khác cho CLB. Học theo mô hình hoạt động “xã hội hóa” của FC Barcelona, nhóm người trung thành với Flugel đã vận động được quỹ từ CĐV và liên kết với công ty bảo hiểm IMG để thành lập CLB mới là Yokohama FC vào tháng 1.1999.

Yokohama FC không giữ được suất J-League mà bị BTC giải đẩy xuống giải JFA (giải hạng Ba) và không được thăng hạng J-League 2 (hạng Nhất) ngay. Vì vậy, Yokohama phải vô địch đến hai lần liền JFA mới được thăng hạng J-League 2 vào năm 2001. Và cũng phải mất đến 6 năm vừa củng cố vừa thi đấu ở J-League 2 thì Yokohama FC mới lên được J-League 2007.

bong da Nhat
Yokohama FC - Đội bóng tượng trưng cho ý chí và lối thoát của J-League thời gian khủng hoảng 1996-2002.

Dù vậy, Yokohama FC đã mở ra hướng đi mới cho bóng đá Nhật Bản thời khủng hoảng khi là CLB chuyên nghiệp đầu tiên của Nhật Bản sở hữu và điều hành bởi những CĐV và người ủng hộ đội bóng. Mùa giải đầu tiên, Yokohama đã thuê danh thủ Pirerre Littbarski làm HLV và danh thủ Yasuhiko Okudera làm chủ tịch.

Thời mới thành lập, Yokohama FC sống cảnh nghèo khổ. Họ không có SVĐ, sân tập riêng và thậm chí trụ sở hay bản doanh của đội cũng không có nốt. Cầu thủ Yokohama FC tự làm lấy mọi thứ từ giặt lấy quần áo đến di chuyển khung thành. Cầu thủ của Yokohama FC nổi tiếng nhất chỉ là Kazu Miura hay Atshuhiro Miura, là những cựu tuyển thủ Nhật Bản đã lên hàng “lão tướng”. Chuyện Yokohama FC giành vé lên J-League mùa 2007 được coi như là truyện cổ tích và khiến rất nhiều những người làm bóng đá ở Nhật phải suy nghĩ.

Đâu là nguyên nhân khiến J-League mất khủng hoảng?

Trở lại chuyện J-League rơi vào khoảng những năm 1997-2002. Khi những giải pháp điều chỉnh về thể thức thi đấu, cách tính điểm không đem lại hiệu quả, khán giả vẫn tụt giảm nghiêm trọng bất chấp ĐTQG Nhật Bản đã làm được điều mơ ước là góp mặt ở World Cup France 1998. Điều đó đã buộc BTC  và Chủ tịch của J-League là ông Saburo Kawabuchi đã phải “nặn óc” để tìm câu trả lời lẫn giải pháp.

Khủng hoảng kinh tế châu Á mà Nhật Bản là tâm điểm ở thời điểm đó là nguyên nhân lớn khi người dân xứ Phù Tang phải tất bật lo với chuyện cơm áo gạo tiền và các doanh nghiệp đã phải vận lộn để tồn tại. Trường hợp Yokohama Flugles phải bán mình cho Marinos là ví dụ.

Bên cạnh yếu tố khách quan, nhiều nguyên nhân chủ quan đã được chỉ ra. Đó là sự phát triển quá nhanh của J-League (đỉnh điểm 18 CLB ở mùa 1998) đã làm công tác điều hành, quản lý chỉ chạy theo. Chẳng hạn, J-League có 6 mùa liền không có suất xuống hạng, vé lên hạng được “đôn” các CLB ở giải hạng Nhì JFL dựa theo những tiêu chuẩn chuyên nghiệp do BTC đặt ra chứ không phải qua việc thi đấu phân hạng (giống như tình trạng giải MLS hiện nay).

Khi việc CLB thăng hạng nhiều nhưng không trải qua thi đấu sàng lọc sẽ khiến J-League bị phân hóa, chất lượng đi xuống. Các CLB mới không đủ năng lực để cạnh tranh lại các CLB cũ vốn dày dạn kinh nghiệm. Đó là nguyên nhân trong sáu mùa bóng từ 1996-2002, chức vô địch chỉ là cuộc đua tranh giữa Kashima Antlers (4 lần) và  Jubilo Iwata (2 lần) trước khi Yokohama F.Marinos trỗi dậy vào mùa 2003, 2004.

Việc thuê mướn các ngôi sao ngoại quốc tuy cần thiết nhưng khiến ngân quỹ hoạt động của CLB phình ra và không phù hợp khi kinh tế khủng hoảng. Thể thức thi đấu, cách tính điểm cần được xem xét để tìm ra nguyên nhân bất cập ở đâu…
bong da Nhat
Thuê mướn nhiều ngôi sao quốc tế như tiền đạo Toto Schillaci (Jubilo Iwata) khiến các CLB ở J-League mất cân bằng tài chính khi kinh tế khủng hoảng .

Cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến BTC J-League nhận ra rằng việc chú trọng quá mức vào các tiêu chuẩn chuyên nghiệp mà thực chất là quan tâm quá mức đến việc CLB có được đảm bảo tài chính, cơ sở vật chất từ các chủ sở hữu (công ty, tập đoàn), các nhà tài trợ đã vô hình chung tạo ra sự phân hóa trong đời sống bóng đá Nhật Bản.

Các CLB có công ty lớn chống lưng thì giàu mạnh, còn các CLB nhỏ ở địa phương lại tồn tại phập phù, chẳng biết khi nào mới có cơ hội vươn lên để rồi từ đó J-League chỉ được coi là “chỗ của nhà giàu”. Yếu tố này gây tác hại khi làm đời sống bóng đá Nhật mất đi tính sâu rộng và phổ biến, điều mà nó phải vất vả mới có được trước “gã khổng lồ” bóng chày.

Những giải pháp trước mắt và lâu dài

Nhận ra những sai lầm, BTC J-League và ông Saburo Kawabuchi đã thực một loạt biện pháp cấp bách lẫn lâu dài. Đầu tiên là cải tổ giải hạng Nhì JFL thành giải J-League 2 và các CLB thi đấu với nhau để tìm ra đội thăng hạng; J-League có đội rớt hạng với vòng play-off. Kết quả là Consadole Sapporo trở thành CLB đầu tiên của J-League bị xuống hạng ở mùa 1998.
bong da Nhat
Chủ tịch J-League Saburo Kawabuchi đau đầu tìm giải pháp giải quyết khó khăn cho giải đấu.

Năm 1999, cách thức thi đấu được điều chỉnh. J-League chấp nhận kết quả hòa khi loạt đá luân lưu dẹp bỏ dù trận đấu vẫn đá hiệp phụ và bàn thắng vàng vẫn duy trì (3 điểm khi thắng trong 90 phút, 2 điểm nếu thắng trong hiệp phụ và 1 điểm nếu tỷ số hòa. Đến năm 2003, J-League đã theo trật tự 3-1-0 điểm tương ứng thắng-hòa-thua). Giải JFL (hạng Nhì cũ) chuyển xuống thành giải Hạng 3, sau J-League 2.

J-League cần thời gian để củng cố chất lượng. Sau khi Yokohama Flugels bị giải thể và Consadole Sapporo rớt hạng ở mùa 1998 thì từ 18 CLB J-League 1999 sẽ còn 16 CLB và duy trì trong sáu mùa liên tiếp. Đến mùa 2005, J-League mới tăng lên 18 CLB và thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt như các giải VĐQG ở châu Âu với 2,5 suất lên-xuống hạng.

Một nguyên nhân khiến thể thức vô địch lượt Mùa xuân và Mua thu bãi bỏ là do ở năm 2002 và 2003, Jubilo Iwata và Yokohama Marinos đã vô địch cả hai lượt nên trận chung kết không xảy ra.

Việc thuê mướn ngoại binh J-League không cấm nhưng khuyến cáo các CLB về việc sẽ bị phá sản nếu chạy đua mướn các ngôi sao đắt giá. Sau những bản hợp đồng cũ với các ngôi sao như Dunga, Schillaci, Leonardo…hết hạn bắt đầu những năm 2000, các CLB ở J-League chú trọng tìm kiếm các cầu thủ ngoại (chủ yếu vẫn là Brazil) và có tiềm năng phát triển hơn là thuê các ngôi sao sắp về chiều. Tiền đạo Hulk đầu quân cho Kawasaki Frontale vào năm 2005 khi 19 tuổi là ví dụ điển hình.

Về chiến lược lâu dài, BTC J-League năm 1998 đã đưa ra chương trình “Tầm nhìn 100 năm J-League” (J-League 100 years version) với mục đích đến năm 2092, Nhật Bản sẽ có 100 CLB bóng đá chuyên nghiệp. Chương trình chú trọng đến việc phát triển bóng đá gắn với sức khỏe cộng đồng, khuyến khích các CLB liên kết để nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp người dân địa phương nơi đội bóng đóng quân. Nói cách khác, CLB chuyên nghiệp sẽ tìm kiếm chỗ dựa chính từ cộng đồng địa phương chứ không phải từ các nhà tài trợ là các tập đoàn, công ty lớn.
bong da Nhat
Vượt qua khủng hoảng, khán đài các sân bóng ở J-League lại ngập tràn CĐV. Trong ảnh là sân của Kashima Antlers.

Nhờ những bước sửa chữa, thay đổi, cải tổ cả trước mắt lẫn lâu dài cùng với sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản, J-League từng bước hồi phục. Mùa giải 2002, lượng khán giả của J-League 1 và J-League 2 đã đạt gấp con số 9,7 triệu người, gấp ba lần so với năm 1993. Riêng số khán giả của J-League 1 đã chạm mức kỷ lục của mùa 1995, với lượng khán giả lên tới 30.000 người/trận.

J-League đã “sống” lại ngoạn mục và từ đây kỷ nguyên thống trị của bóng đá Nhật Bản ở châu lục bắt đầu.

Đăng Khoa

Kỳ 6 (kỳ cuối): Vinh quang trên đỉnh châu Á

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai đến đỉnh cao châu Á (kỳ 5)