Trong công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature Ecology and evolution, các nhà nhân chủng học ở Đại học New York (Mỹ) cho rằng bộ não to ở một số loài linh trưởng là kết quả của chế độ ăn thiên về hoa quả.
Nghiên cứu cho thấy những con linh trưởng sở hữu bộ não lớn chủ yếu sống bằng ăn trái cây. Tuy nhiên, sự gia tăng kích thước não không phải nhờ các chất dinh dưỡng có trong trái cây mà nhờ những nỗ lực để tìm kiếm hái lượm hoa quả.
Như vậy, công trình nghiên cứu mới đã bác bỏ khái niệm "bộ não xã hội”, xuất hiện trong các năm 1980-1990 dựa trên ý tưởng cho rằng sự phát triển của não bộ trong quá trình tiến hóa là do sự cần thiết phải hỗ trợ một số lượng lớn các mối quan hệ bầy đàn của loài linh trưởng. Điều này, theo các nhà khoa học, giải thích tại sao so với các loài động vật có xương sống khác thì linh trưởng lại có não to bất thường không tương ứng với kích thước với cơ thể của chúng. Một số nhà nghiên cứu khác lại không phát hiện thấy mối liên hệ giữa kích thước não và số lượng linh trưởng trong bầy đàn làm cho giả thuyết "bộ não xã hội”, gây khá nhiều tranh cãi.
Vì vậy, lần này, các nhà nghiên cứu đã nêu giả thiết mới cho rằng não to không hẳn do có quá nhiều trong các mối quan hệ xã hội trong bầy đàn, mà do ăn uống, cụ thể là do phương thức tìm kiếm thức ăn. Các nhà nhân chủng học đã phân tích hơn 140 loài động vật linh trưởng, tâp trung chú ý đến chế độ ăn uống của chúng (xem lá cây hoặc trái cây chiếm ưu thế trong khẩu phần ăn hay không, liệu có bất kỳ loại thịt nào trong khẩu phần ăn hay không) và các chỉ số xã hội – quy mô bầy đàn, thứ bậc xã hội, cách thức sinh sản.
Kết quả nghiên cứu cho thấy linh trưởng ăn trái cây có não lớn nhất, linh trưởng ăn lá cây có não nhỏ nhất, những loài linh trưởng ăn cả trái cây lẫn lá cây có não gần lớn bằng những loài chỉ mỗi ăn hoa quả. Các nhà nhân chủng học giải thích rằng não linh trưởng và não người có kích thước lớn là vì các loài này đều phải chịu sức ép từ cộng đồng xã hội và bị buộc phải suy tính cũng như theo dõi các mối quan hệ xã hội.
Tuy nhiên cũng cần tính đến những nhân tố khác và công trình nghiên cứu mới chứng minh được ảnh hưởng của yếu tố dinh dưỡng. Chiến lược phức tạp trong việc tìm kiếm thức ăn, cơ cấu xã hội và khả năng tư duy đều tiến hóa cùng với nhau, nhưng não phát triển là nhờ tìm kiếm hoa quả vì lá cây thì sẵn có trong tự nhiên, còn hoa quả hiếm gặp, lại tùy thuộc vào từng vùng rừng núi và tùy thuộc vào mùa trong năm.
Phải leo trèo vào những vùng hiểm trở mới kiếm được, kiếm được rồi còn phải tìm cách tước và bóc vỏ mới ăn được. Vì vậy, loài linh trưởng phải phát triển chức năng nhận thức phức tạp hơn và ứng phó linh hoạt hơn với hoàn cảnh.
Vũ Trung Hương