Thầy họa sĩ Trần Lưu Hậu đã thành một thứ biểu tượng lung linh của trường mỹ thuật, là “bà phiếu mẫu”, bà đỡ chăm nuôi biết bao thế hệ họa sĩ thành tài về sau này.

Họa sĩ Trần về cõi

Nguyễn Thông | 02/03/2020, 14:48

Thầy họa sĩ Trần Lưu Hậu đã thành một thứ biểu tượng lung linh của trường mỹ thuật, là “bà phiếu mẫu”, bà đỡ chăm nuôi biết bao thế hệ họa sĩ thành tài về sau này.

Cách đây chưa lâu, tôi mò ra thủ đô. Từ Nội Bài đi xe buýt về đặc khu Ciputra miệt nam cầu Thăng Long, mấy người bạn đang chờ sẵn ở đó. Tới cái cổng hoành tráng lừng lững đàn ngựa phi lên giời thì tới nơi. Phải công nhận chỗ này còn dáng vẻ ấn tượng hơn cả Phú Mỹ Hưng của Sài Gòn.

Nhà bác tướng về hưu lặng lẽ thanh bình trong vườn xanh. Hai bác thân tình đón thằng em từ xa lặn lội về đón mùa đông xứ bắc. Bác giai bảo mấy đứa bay ngồi chơi thêm tí nữa, đợi thằng Mỹ một chút, nó đang đến. Ông bạn tôi, đại tá Bình béo cười, ừ, phải có tay Mỹ mới vui.

Mỹ mà các ông ấy nhắc không phải “đế quốc Mỹ” mắt xanh mũi lõ, chẳng phải tây tiếc gì, mà là Trần Lưu Mỹ, họa sĩ. Cao to, đẹp giai, tóc cột đuôi sam vắt vẻo trông rất ngộ và đẹp, tất nhiên là rất nghệ sĩ, đúng kiểu họa sĩ. Bác chủ nhà đóng vai MC, anh giới thiệu với em, đây là Trần Lưu Mỹ, tác giả của nhiều bức tranh đang ngự trên tường nhà anh. Bình béo nói thêm, Mỹ là con giai họa sĩ Trần Lưu Hậu. Tôi giờ mới biết Mỹ, nhưng cụ Trần Lưu Hậu thì nghe tên từ lâu rồi. Đúng dòng cha truyền con nối.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu (ngồi xe lăn) chụp ảnh cùng các học trò. Họa sĩ Trần Lưu Mỹ, con trai cụ Hậu đứng phía sau - Ảnh: Báo ANTĐ

Tôi cả đời chỉ học chữ nên thú thực dốt đặc cán mai táu về hội họa và âm nhạc. Xem tranh, chỉ khen mỗi loại tranh trong truyện Tam quốc, còn lại thì cứ nhắm mắt cho là đẹp tất. Không dám chê xấu, sợ người ta mắng cho, bảo biết gì mà khen với chê. Tranh thủ lúc rỗi rãi, họa sĩ Mỹ dẫn tôi đi các ngóc ngách, cầu thang, phòng tranh trong nhà tướng về hưu, dẫn giải từng tí, cặn kẽ về từng nét từng màu, bức này của ai, bức kia lai lịch thế nào, đây là tranh của cụ Trần Duy nhân văn giai phẩm, kia tranh của Nguyễn Khắc Phục nhà văn nhà viết kịch, kia nữa tranh Phạm Chuyên tướng công an, lại kia nữa mấy bức của cụ thân sinh ra Mỹ - họa sĩ tài danh Trần Lưu Hậu. Tất nhiên không thể thiếu tranh của Mỹ tóc đuôi gà trong khối gia sản nghệ thuật đồ sộ mà tôi đang chiêm ngưỡng.

Lứa thế hệ sinh giữa thập niên 50 chúng tôi khi đi học và nhớn lên được nghe nói nhiều về các họa sĩ lừng lẫy Trường mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm… Và sau đó được nghe nhiều về những tên tuổi từ cái nôi mỹ thuật Đông Dương và nổi danh trong kháng chiến chống Pháp tới về sau, với Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Phan Kế An, Trần Duy, Lưu Công Nhân, Phạm Viết Song, Trần Lưu Hậu… Tinh những cây đa cây đề trong làng họa. Mình ngoại đạo, nhưng nghe mấy đứa học mỹ thuật nức nở khen thầy Hậu và thầy Song dạy cả núi học trò ai cũng thành tài, vẽ tranh kiếm được cả thùng tiền. Thầy Trần Lưu Hậu đã thành một thứ biểu tượng lung linh của trường mỹ thuật, là “bà phiếu mẫu” chăm nuôi biết bao thế hệ họa sĩ thành tài về sau này. Ấy là chỉ nghe nói về cụ thế thôi, chứ chưa có cái hân hạnh được gặp cụ lần nào. Không biết phân biệt màu sắc, chẳng hiểu gì về các trường phái hội họa, nào siêu thực, trừu tượng, ấn tượng, lập thể… thì gặp cụ làm gì, để nghe mắng à.

Nhưng được gặp con cụ, bắt tay với ông con đẹp giai, cao lớn, hiền hậu, tóc đuôi gà, giỏi giang, tài danh, lại được vỡ lòng i tờ những bài về vẽ vời, toan cọ, thế là có phúc lắm rồi. Lúc chia tay, tôi rón rén cầm ly rượu xịn chạm đánh canh vào ly của họa sĩ Trần Lưu Mỹ nói nhỏ, báo cáo anh, tôi rất phục và kính nể bố con nhà anh, anh cho tôi được gửi lời chào cụ. Họa sĩ Mỹ thân tình nắm tay tôi thật chặt. Bình béo bảo phải thế chứ.

Hôm qua nhận tin cụ lão họa sĩ Trần Lưu Hậu 92 xuân đã ra đi, vào tối 29.2, cái ngày nhuận dương lịch phải 4 năm mới có một lần. Thế hệ những người tài danh từ thời chống Pháp đang cạn dần, mà cụ Trần vừa làm bớt đi thêm chút nữa cái danh sách chỉ còn lơ thơ ấy.

Họa sĩ Trần Lưu Hậu sinh năm 1928 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa chính thức đầu tiên (1950 - 1954) của Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam - còn được gọi là khóa Kháng chiến. Sau đó ông tốt nghiệp Khoa Trang trí sân khấu khóa 1955 - 1962 tại Học viện Mỹ thuật Moskva (Liên Xô), tham gia thiết kế mỹ thuật cho nhiều vở nhưÂm mưu và tình yêu, Con cáo và chùm nho, Đại đội trưởng của tôi, Nguyễn Trãi ở Đông Quan... Ông giảng dạy 28 năm ở Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, từng là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều họa sĩ danh tiếng nước ta là học trò của ông.

Với những đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Lưu Hậu được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Nguyễn Thông
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
17 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họa sĩ Trần về cõi