Ở tuổi 83, lão họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, người họa sĩ tranh lụa nổi tiếng và cao tuổi nhất làng hội họa Việt vẫn miệt mài sáng tác. Bà vừa xong một cuộc triển lãm chung với con trai và học trò cách đây gần 3 tháng, nay lại tiếp tục một cuộc triển lãm nữa, mang tên Hiện thực và Tâm thức sẽ diễn ra cuối tuần này.
Những bức tranh mới nhất của người họa sĩ tranh lụa nổi tiếng này sẽ được trưng bày tại Nhà triển lãm thành phố cùng với các tác phẩm của các họa sĩ Agnes Meyberger (Pháp), Trần Thanh Thục (Hà Nội), Nguyễn Như Khôi và Trần Thuỳ Linh (TP.HCM).
Nếu như các lần triển lãm trước, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm chỉ giới thiệu một số tác phẩm tranh lụa cùng với các bức tranh mang chất liệu khác thì trongcuộc triển lãm Hiện thực và tâm thức lần này, bà chỉ dành cho tranh lụa. Lão bà họa sĩ giới thiệu những bức tranh lụa mới nhất được bà sáng tác trong năm nay như:Mùa hoa, Miền đất lạnh, Đưa con đi học… trong chủ đề Đất mẹ.
Nữ họa sĩ chia sẻ ý nghĩa của những bức tranh mình vẽ lần này: “Với cái đẹp của đất mẹ đã ban cho, tôi xin được trải lòng mình ra bằng những bức tranh phong cảnh trên lụa – Những bức tranh miêu tả bốn mùa trên đất mẹ và từ mọi miền đất nước của một người con mà đất mẹ đã cưu mang".
Nếu như hoạ sĩ Nguyễn Thị Tâm (lụa) và Trần Thanh Thục (cắt vải) dùng bút pháp hiện thực để ca ngợi một “Hiện thực phong cảnh” đẹp đẽ của mọi miền đất nước và cho thấy sự thống nhất giữa hiện thực - cái mà mắt ta nhìn thấy, và Tâm Thức - những rung cảm và nhận thức bên trong, thì với Hoạ sĩ Nguyễn Như Khôi, Âm nhạc lại là nguồn cảm hứng lớn nhất để bày tỏ miền tâm thức của anh trên canvas. Hoạ sĩ người Pháp Agnes Meyberger cũng khai thác triệt để Miền Tâm thức của mình từ Hiện thực, là những trải nghiệm riêng trong cuộc sống và xã hội qua ngôn ngữ của hội hoạ trừu tượng biểu hiện với các tác phẩm đa chất liệu. Hoạ sĩ Trần Thuỳ Linh xuất hiện trong một phong cách hoàn toàn khác so với những bộ tranh trừu tượng và hoa trước đây của cô. Trung thành với những đề tài về quan hệ giữa con người với thiên nhiên và vụ trụ,“ Miền Tâm thức” của Linh là một phiêu trình tới những cảnh giới mà ngôn ngữ của hội hoạ siêu thực là cách bày tỏ.
Triển lãm Hiện thực và Tâm thức trưng bày khoảng 40 tác phẩm đa chất liệu (lụa, cắt vải, sơn dầu, Acrylic, tổng hợp). Các bộ tranh của từng tác giả với bút pháp và ngôn ngữ hội họa riêng biệt biểu thị cái nhìn độc đáo của từng cá nhân về đề tài rộng lớn: Hiện thực là gì? Và bức tranh hiện thực ấy được thể hiện ra sao trong Tâm thức mỗi người?
Với Hiện Thực và Tâm Thức, các tác giả mong muốn có một cuộc gặp gỡ Đông -Tây, gặp gỡ giữa trải nghiệm và tư duy, giữa những quan điểm khác biệt và đồng nhất về hội hoạ, thiên nhiên, xã hội và con người.
Triển lãm khai mạc vào lúc 17.30 giờ, ngày 10.11.2018 và kéo dài tới 20.11.2018, tại Nhà triển lãm TPHCM, 92 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TPHCM.
Minh Lê