Từ một mâu thuẫn trên mạng xã hội, một công dân bị chủ thẩm mỹ viện “dằn mặt” bằng việc gửi hàng loạt hình ảnh về thông tin cá nhân (vốn là bí mật đời tư, chỉ được cung cấp khi làm căn cước công dân) của chị và gia đình.
LTS: Hành vi sử dụng trái phép dữ liệu thông tin cá nhân vẫn xảy ra lâu nay, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các quy định về quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu thông tin cá nhân, dữ liệu cư dân và bí mật đời tư đã được hiến định. Trước thực tiễn cần chặt chẽ hơn cho phù hợp với thực tế, hiện các quy định ấy đang được Quốc hội bàn thảo, cho ý kiến đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) nhằm đảm bảo sự chặt chẽ hơn trước những lo ngại về nguy cơ lộ thông tin, dữ liệu công dân đã và đang tồn tại.
Sử dụng thông tin cá nhân, thân nhân để uy hiếp
Mới đây, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đã có đơn thư gửi tới Ban Dân nguyện (Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, phản ánh việc chị bị người khác thu thập trái phép thông tin cá nhân và người thân (khi làm căn cước công dân) và dùng thông tin này đe doạ chị.
Trong đơn phản ánh, chị Nhung cho biết tối ngày 10.10.2023, chị nhận được một cuộc điện thoại với lời lẽ không thiện chí. Người gọi điện cho biết chị sản xuất một video trên Facebook (trang A.T.Y.T) đã gây ảnh hưởng đến công việc của họ và đối phương yêu cầu chị Nhung gỡ video này.
Dù chị Nhung đã giải thích rằng chị không liên quan gì đến trang A.T.Y.T nêu trên nhưng chủ thuê bao này vẫn khẳng định chị phải chịu trách nhiệm vì gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.
Nghiêm trọng hơn, ngày 11.10, tài khoản Zalo mang tên N.L.A., CEO của một công ty gửi một file hình ảnh uy hiếp chị.
Nội dung của file hình ảnh này bao gồm: ảnh cá nhân (được chụp khi làm căn cước công dân), số căn cước công dân, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, địa chỉ nơi làm việc, ngày cấp phép kinh doanh, họ tên, ngày tháng năm sinh của chị. Ngoài ra còn có số CMND, quê quán, địa chỉ nơi ở của bố mẹ chị Nhung.
Chị Nhung khẳng định không hề để lộ bất cứ thông tin nào cho bên khác. Các nội dung dữ liệu tài khoản Nhã Lê dùng để “uy hiếp” chị chỉ được chị cung cấp khi làm căn cước công dân. Do đó, chị Nhung rất hoang mang khi thấy người lạ "biết tất" về thông tin cá nhân của mình.
Do đó, chị Nhung kiến nghị Ban Dân nguyện Quốc hội đề nghị cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, kiểm tra về việc vì sao người không có chức năng, nhiệm vụ lại có thể tiếp cận, thu thập những thông tin về nhân thân, bí mật đời tư của công dân. Từ đó tìm ra lỗ hổng trong việc quản lý dữ liệu về dân cư và khắc phục, tránh để các dữ liệu của công dân dễ dàng lộ, lọt vào tay của những đối tượng xấu, nguy hiểm, gây mất an toàn trật tự xã hội.
Ngoài ra, chị Nhung cũng kiến nghị các cơ quan có liên quan đánh giá, xem xét mức độ nguy hại từ sự việc trên, từ đó có chế tài xử lý những người có hành vi sai phạm để sử dụng vào mục đích xấu.
Cần làm rõ mua bán hay hacker xâm nhập
Phản hồi kiến nghị của chị Nhung, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng hành vi thu thập thông tin cá nhân của người khác là hành vi phạm pháp luật.
“Thông tin này được công dân khai báo trước cơ quan chính quyền và cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo mật thông tin này của công dân. Cơ quan chức năng phải làm rõ vì sao hệ thống của mình bị người ta khai thác, thu thập thông tin của công dân?”, ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, nếu vì lý do kỹ thuật, hacker xâm nhập chẳng hạn, thì cơ quan chức năng cần làm rõ hacker xâm nhập tài khoản này vào thời điểm nào? Ngoài tài khoản này thì còn những tài khoản nào bị lộ?
“Nếu không phải thông tin bị hack thì do có người cung cấp và cơ quan chức năng cũng cần điều tra làm rõ, bởi thông tin không tự dừng “trên trời rơi xuống””, ông Nhưỡng nói và cho rằng đây là sự lo ngại vô cùng lớn.
Theo đại diện Ban Dân nguyện, nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng đã được dự liệu và cảnh báo khi xây dựng chính sách. Do đó, cần phải mở một cuộc điều tra, làm rõ xem họ lấy thông tin cá nhân người khác ở đâu.
Song song với đó, theo ông Nhưỡng, cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế tài rõ ràng đối với hành vi vi phạm để bảo vệ quyền công dân.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nhân sự việc này chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hệ thống liên quan, để quản lý thật nghiêm trong vấn đề bảo đảm thông tin cá nhân của công dân”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Không loại trừ có gián điệp, lợi dụng kiếm chác
Từ sự việc này, không ít ý kiến cũng bày tỏ lo ngại liệu thông tin cá nhân của những người giữ trách nhiệm quan trọng có thể bị lộ lọt thông tin, bị lợi dụng hay không? Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nghi vấn này hoàn toàn có lý. Thậm chí, không loại trừ trường hợp có gián điệp, lợi dụng việc này để “kiếm chác”.
“Có thể nói, rất nhiều tình huống nguy hiểm có thể xảy ra và việc lộ lọt thông tin có thể xảy ra với bất kỳ cá nhân nào”, ông Nhưỡng nêu quan điểm.
Cũng theo ông Nhưỡng, ông từng phát biểu về nguy cơ lộ thông tin, dữ liệu công dân trước Quốc hội và nhiều cử tri từng rất lo lắng việc thông tin về đời tư, các mối quan hệ, công việc… của họ bị lộ, lọt, trở thành “chiến lợi phẩm” của kẻ xấu.
“Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt nếu bị sử dụng trái pháp luật thì có thể huỷ hoại thanh danh, sự nghiệp của một con người. Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công an cần có chỉ đạo xử lý nghiêm khắc vụ việc này”, ông Nhưỡng nói.