Khi xét duyệt Học bổng Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Thanh Bùi và bà Trịnh Vĩnh Trinh đã xúc động khi phát hiện có em cha mẹ phải đi vay trả góp để có tiền lên Sài Gòn dự thi, cũng có em sớm mồ côi cha, mẹ già yếu nên không thể tiếp tục học nhạc... Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng đều đam mê âm nhạc, hết sức nỗ lực và rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.
Vòng thi nhiều thử thách
Vừa qua, tại Học viện âm nhạc & Trình diễn nghệ thuật SOULđã diễn ra vòng xét duyệt thứ hai của Học bổng Trịnh Công Sơn. Thí sinh được chọn vào vòng này gồm 8 em có hoàn cảnh khó khăn đến từ Ninh Thuận, Bến Tre và TP.HCM.
Ở vòng thi này, các em phải làmbài kiểm tra lý thuyết về âm nhạc cơ bản vàbài kiểm tra cá nhân bao gồm: trình diễn hai bài dự thi ngắn thể hiện được tài năng và thế mạnh của mình; kỹ năng thị tấu, thị xướng (nghe nhạc và chơi lại hoặc hát lại); kỹ năng ngẫu hứng với nhạc cụ ứng tấu (chơi nhạc cụ hoặc hát ngẫu hứng trên nền một đoạn nhạc bất kỳ).
Liệu phần thi như vậy có quá khó đối với những em đam mê âm nhạc nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện học bài bản? Trước câu hỏi này, nghệ sĩ Thanh Bùi, nhà đồng sáng lập Học bổng Trịnh Công Sơn, trả lời: “Các em có hoàn cảnh khó khăn không có nghĩa là các em không biết nhạc lý. Thanh đã rất bất ngờ khi xem clip dự thi các em gửi về, trong hoàn cảnh khó khăn như thế mà các em vẫn có thể chơi nhạc và thể hiện được niềm đam mê âm nhạc.
Thanh không nghĩ những bài thi này mang tính hàn lâm, gọi là bài bản thì đúng hơn. Đây là quỹ học bổng theo tâm nguyện của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một trong những huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam, nên việc tổ chức bài bản là cần thiết. Yêu cầu bài thi như vậy nhưng không đòi hỏi các em phải hoàn thành hết, mục đích chính là để giám khảo hiểu được trình độ mỗi em như thế nào. Việc kiểm tra đầu vô cần kỹ lưỡng vì các em được chọn chính là những người đại diện cho Học bổng Trịnh Công Sơn”.
“Cháu nhà tôi đến cuộc thi không đặt nặng đậu hay rớt mà chủ yếu là để được một lần ngồi vào chiếc đàn piano chơi nhạc. Cháu nôn nao quá nênđãthức dậy chuẩn bị từ 2 giờ sáng. Hồi nhỏ xíu nó chơi cây đàn đồ chơi. Sau này, có lần ông bạn tui nhậu xỉn để quên cây đàn organ ở nhà tui, cháu ngồi vô đánh thử. Tui quay phim đưa lên mạng, mấy người bạn thấy cháu chơi hay quá nên mới góp tiền lại mua cho cháu cây đàn organ. Tui chỉ dạy nhạc lý sơ sơcòn tất cả đều do cháu tự tập hết. Cháu coi trên mạng rồi tập theo”.
“Ba con bán vé số, mẹ con bán vé số. Đây là lần đầu tiên con chơi đàn piano. Ở nhà con tập với đàn organ phím nhẹ hơn, bữa nay đánh piano nặng quá nên có nhiều chỗ con đánh trật lất. Nhưngđánh piano con cảm thấy đã thiệt.Mỗi ngày con tập đàn khoảng 5-6 tiếng, có bữa gặp bài khó con có thể tập từ 8 giờsáng đến 3 giờchiều, nhưng nếu tập nhiều con phải chơi nhỏ thôi hoặc gắn tai nghe vì sợ ảnh hưởng nhà kế bên. Con ước mơ mình trở thành nhạc sĩ và đi biểu diễn khắp nơi để gây quỹ giúp đỡ mấy bạn nghèo như con”.
Đó là những lời chia sẻ của hai cha con một thí sinh tại vòng xét duyệt thứ hai của Học bổng Trịnh Công Sơn.
Những câu chuyện của âm nhạc và cảm xúc
Ban giám khảo của vòng xét duyệt thứ hai gồm có ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái út của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ Thanh Bùi, thầy Mark Bell – Hiệu trưởng Học viện SOUL và thầy Alexander Tú – Phó hiệu trưởng và cũng là cháu rể của cố nhạc sĩ. Dù tuổi tác và ngôn ngữ khác nhau nhưng tất cả đều trải qua những lúc vỡ òa trước một phần biểu diễn tuyệt vời hoặc lắng lòng theocâu chuyện xúc động của thí sinh.
Có em cha mẹ phải đi vay trả góp để có tiền xe lên Sài Gòn dự thi;có em sớm mồ côi cha, mẹ già yếu nên không thể tiếp tục học nhạc; cũng có em trăn trở với ước nguyện bảo vệ văn hóa truyền thống… Mỗi em mỗi cảnh nhưng tựu trung đều đam mê âm nhạc, hết sức nỗ lực và rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.
“Điều mà Thanh thực sự mong đợi là tìm được những em vừa có tài năng âm nhạc vừa có tâm hồnđẹp. Học bổng Trịnh Công Sơn không phải chỉ hỗ trợ phát triển về âm nhạc mà còn định hướng giáo dục về nhân cách của một con người. Do đóhôm nay Thanh và mọi người cùng mong chờ các em chia sẻ được niềm đam mê âm nhạc của mình cũng như chia sẻ được con người của các em để có thể giành được một suất học bổng Trịnh Công Sơn”, nghệ sĩ Thanh Bùi chia sẻ.
Nói về lý do mãi đến 16 năm sau ngày nhạc sĩ mất mới triển khai được Học bổng Trịnh Công Sơn, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh giải thích: “Sau khi anh tôi mất, gia đình chúng tôi đã mất nhiều thời gian để suy nghĩ về việc hoàn thành tâm nguyện của anh. Đến khi gặp được nghệ sĩ Thanh Bùi,gia đình tôi mới nhận ra đây là người đúng đắn nhất để chúng tôi tin tưởng giao trọng trách do hai bên có nhiều điểm chung về ý nguyện cũng như hướng thực hiện. Với tôi, đó là một cái duyên tốt. Tuy phải chờ đợi đến 16 năm nhưngtôi thấy đó vẫn là điều may mắn”.
Học bổng Trịnh Công Sơn được thành lập bởi gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phối hợp cùng Học viện âm nhạc & Trình diễn nghệ thuật SOUL (SOUL Music & Performing Arts Academy - SMPAA) nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một trong các nhạc sĩ, nhà thơ và họa sĩ tài năng hàng đầu của Việt Nam. Học bổng ra đời với mục đích tạo điều kiện cho các tài năng âm nhạc và nghệ thuật có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Học bổng không những tài trợ các suất học âm nhạc và trình diễn nghệ thuật tại SMPAA mà các em còn được theo học tại các trường dạy văn hóa chất lượng, đồng thời được trau dồi kỹ năng tiếng Anh và rèn luyện nhân cách để trở thành những công dân trẻ tiêu biểu có đủ tài và đức, có thể trở thành những hình mẫucho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, Học bổng Trịnh Công Sơn sẽ đầu tư vào dự án nâng cao nhận thức cộng đồng về các chứng khuyết tật và hội chứng tự kỷ.
Cuối tháng 7 sẽ diễn ra vòng xét duyệt 3 củaHọc bổng Trịnh Công Sơn.