Xét giải theo kiểu chỉ nhắm mắt dò dẫm từng gạch đầu dòng mà không cần biết tác phẩm của ai đó đã từng tồn tại, có giá trị với đời như thế nào, thử hỏi làm sao mà không gây bức xúc cho được.
Chữ “máy móc” được nêu trong tiêu đề bài này không phải của người viết mà từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 1.3, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.2017, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch báo cáo về những vấn đề đang ồn ào xoay quanh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đợt xét duyệt lần 5 (sắp trao giải), nhất là có những điều khiến thân nhân văn nghệ sĩ và dư luận bức xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngay “không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh những tác giả có các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”.
Và cũng thời sự hơn nữa, chỉ 1 ngày sau đó, chính Chủ tịch Trần Đại Quang thông qua thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước đã lên tiếng rằng việc xét duyệt giải thưởng chưa thật phù hợp với thực tế, cần phải có sự xem xét, điều chỉnh.
Những điều hệ trọng như thế, lâu nay cứ “đúng quy trình”, dưới đưa lên, trên xét duyệt, tưởng như đã thành luật thành lệ, đã chặt chẽ đến mức con kiến không chui lọt, vậy mà hầu như lần nào cũng “có vấn đề”. Chả phải do tâm lý “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” mà là cần một sự đánh giá công bằng, khách quan, nhất là ở tầm quốc gia.
Chúng ta đều biết, để ghi nhận công tích, công trình, đóng góp của cá nhân, tập thể nào đó đối với đất nước, dân tộc, cộng đồng, nhà nước ta có những danh hiệu, giải thưởng, huân huy chương tương xứng. Về danh hiệu, cao nhất là danh hiệu Anh hùng, rồi với mỗi lĩnh vực lại có sự tôn vinh khác nhau như Nghệ sĩ nhân dân (hoặc ưu tú), Nhà giáo (hoặc thầy thuốc) nhân dân (ưu tú). Huân chương, cao nhất là Sao Vàng, và thấp hơn là các thứ hạng của Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Chiến công… Giải thưởng cũng vậy, cao nhất, danh giá nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh, kế đó là Giải thưởng Nhà nước, và dưới nữa là nhiều loại giải thưởng khác.
Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ từng tâm sự “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. “Không công danh thời nát với cỏ cây”, con người nhập thế, tích cực luôn là vậy. Đành rằng chưa hẳn những sự đạt được danh hiệu, giải thưởng, huân huy chương… đều chính xác tuyệt đối nhưng ít nhất đó cũng là niềm vinh dự hiếm có của cá nhân, tập thể, dòng họ, vùng đất… nhiều công trạng.
Lại quay về Giải thưởng Hồ Chí Minh. Căn cứ theo điều 1 của Pháp lệnh số 16-LCT/GĐNN7 của Hội đồng Nhà nước (tức Nhà nước bây giờ) về quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký ban hành ngày 4.6.1985 thì “Quy định Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước để tặng các công trình thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và văn học, nghệ thuật, đã được công bố hoặc sử dụng kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa:
a) Các công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật bao gồm các công trình nghiên cứu cơ bản, ứng dụng và triển khai, các sách giáo khoa cho các trường học.
b) Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình nghiên cứu lý luận phê bình đã được sáng tác và sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, màn ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát hoặc các hình thức khác.
Giải thưởng có thể tặng cho một tác phẩm hoặc cho toàn bộ tác phẩm, công trình của một cá nhân hoặc của một tập thể”.
Bởi vì đây là giải thưởng chứ không phải danh hiệu, huân huy chương nên chúng ta thấy rõ Pháp lệnh quy định giải thưởng chỉ dành cho các sản phẩm, tác phẩm, công trình… chứ không phải cho con người, các cá nhân hoặc tập thể. Điều 2 của Pháp lệnh còn nói rõ hơn: “Tiêu chuẩn để xét thưởng: a. Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật”.
Căn cứ vào định hướng chỉ đạo, tiêu chí, “ba rem” chuẩn này, hội đồng xét thưởng các cấp (hội đồng cơ sở, hội đồng chuyên ngành nhà nước, nhất là Hội đồng Nhà nước xét tặng giải thưởng) sẽ làm cẩn trọng công việc chọn tác phẩm, công trình xứng đáng nhất. Về mặt lý thuyết là vậy, nhưng thực tế không hẳn thế.
Điều cần thừa nhận, đã có khá nhiều tác phẩm, công trình lừng lẫy, in đậm dấu ấn thời đại, tạo hiệu quả vô cùng lớn lao trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sự ghi nhận xứng đáng đó luôn gây hiệu ứng dư luận xã hội tích cực, từ người có tác phẩm, công trình được tặng thưởng, đến đông đảo công chúng - những người được hưởng thụ giá trị từ tác phẩm, công trình ấy. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp, vì lý do nào đó, qua nhiều cửa xét duyệt, nơi thế này nơi thế khác, cuối cùng là kết quả công bố gây dư luận trái chiều. Xin đơn cử trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Phạm Tuyên là nhạc sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc cách mạng. Nói không ngoa, số người làng nhạc như ông không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhiều thế hệ đã lớn lên trong những thanh âm rạo rực, tha thiết, yêu cuộc sống, yêu con người, đầy trách nhiệm với thời đại cách mạng của ông. Nhạc sĩ Phạm Tuyên gần như cả đời đi suốt cuộc hành trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước. Khó có thể quên những ca khúc ông cho ra đời rất đúng lúc để ca ngợi cuộc sống, động viên con người nhưng lại mang giá trị lâu bền. Năm 2001, ông chỉ được Hội đồng Nhà nước xét giải thưởng xét trao cho Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với cụm 5 tác phẩm: Đảng đã cho ta một mùa xuân, Bám biển quê hương, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Như có Bác trong ngày đại thắng.
Sau khi công bố kết quả, dư luận lên tiếng. Tất cả những ai từng thuộc nằm lòng những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên gần như đều sững sờ. Lúc ấy nhiều người còn cho rằng, với những sáng tác của mình, nhạc sĩ Phạm Tuyên còn vượt qua cả Giải thưởng Hồ Chí Minh chứ sao lại thế được. Bản thân nhạc sĩ chấp nhận mọi sự bởi ông không xin xỏ, bởi giải thưởng vinh dự không phải là thứ phải đi xin. Điều lạ là những người có trách nhiệm lại không thấy sự vô lý. 5 năm sau, vào năm 2005, ông lại được đề cử xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, vẫn trật. Theo các nhà chức việc có trách nhiệm giải thích thì ông không có tác phẩm hoặc cụm tác phẩm mới nào xứng đáng giải này. Dư luận lại ồn ào, nhạc sĩ vẫn không lên tiếng đòi hỏi gì. Rồi 5 năm sau nữa, năm 2011, lần xét Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4, dư luận rát quá, nhà nước mới trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên với các tác phẩm Những ngôi sao ca đêm, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Tiến lên đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng.
Sự vô lý quá rõ, hầu hết tác phẩm được xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh đều được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết trước khi ông nhận Giải thưởng Nhà nước (năm 2001). Vậy người ta căn cứ vào cái gì để qua mấy đợt đều bảo rằng ông không đạt tiêu chuẩn xét cử Giải thưởng Hồ Chí Minh. Chả nhẽ qua bao nhiêu cấp giương kính lúp soi xét từng li từng tí mà cũng sót, cũng nhầm lẫn đến thế. Có người bình luận, chỉ cần một bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Phạm Tuyên đã đủ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh rồi. Oái oăm thay, nó chỉ là một trong cụm 5 bài đạt mức tối đa Giải thưởng Nhà nước. Danh tác ấy lại thua cả bài hát loại thường không mấy nổi bật của ông là Đêm Cha Lo, hoặc Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên còn sống, còn khỏe, đầu óc minh mẫn. Có ông làm chứng, ông và thân nhân dứt khoát không đề nghị, xin xỏ. Vậy nếu dư luận không bức xúc, ông mãi mãi bị loại khỏi giải thưởng danh giá kia, chỉ bởi sự vô trách nhiệm, hờ hững, hoặc có thể là cố ý của những người “cầm cân nảy mực”.
Trường hợp nữ thi sĩ Xuân Quỳnh cũng tương tự. Dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng có thể nói việc đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 5) cho nhà thơ Nguyễn Thị Xuân Quỳnh đã hé một chút hy vọng. Sau những bức xúc, thậm chí rất gay gắt của gia đình nhà thơ và dư luận, những người có trách nhiệm trong quy trình xét thưởng đã phải lên tiếng thừa nhận “có vấn đề” khi xem xét và cho biết đang làm đề nghị lên cấp trên coi lại. Rất khó chấp nhận sự giải thích của ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), rằng Xuân Quỳnh chưa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vì trước đây trong hồ sơ thiếu giấy chứng nhận giải thưởng, “nhưng đến hôm nay, chúng tôi cung cấp thông tin cho báo chí là hồ sơ của nhà thơ Xuân Quỳnh đã đủ giấy xác nhận giải thưởng”. Cứ phủ đổ cho huyện, huyện bảo tại phủ, vị nào cấp nào cũng cho mình đúng, chả biết đâu mà lần, chỉ có cái sai thì lè lè ra đó.
Những người am hiểu đều rõ, cái giấy xác nhận cực kỳ quan trọng, quyết định sự nghiệp sáng tác của một nhà thơ nữ nổi tiếng lại chỉ là giấy xác nhận giải thưởng một tập thơ thiếu nhi Bầu trời trong quả trứng. Than ôi, cả một đời viết bao nhiêu tác phẩm in đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc mấy thế hệ cầm súng, cầm cày, chiến đấu, lao động lại phụ thuộc vào một tập thơ cho trẻ con. “Hội đồng máy móc” gần như không cần biết thơ Xuân Quỳnh đã thành một phần máu thịt trong đời sống tinh thần, tình cảm của người Việt suốt hơn nửa thế kỷ, trong đó có cả họ. Xét giải theo kiểu chỉ nhắm mắt dò dẫm từng gạch đầu dòng mà không cần biết tác phẩm của ai đó đã từng tồn tại, có giá trị với đời như thế nào, thử hỏi làm sao mà không gây bức xúc cho được.
Thân nhân, gia đình các văn nghệ sĩ Xuân Quỳnh, Thuận Yến, Đinh Ngọc Liên… đã lên tiếng đề nghị xem xét lại trường hợp người nhà mình cho thỏa đáng và được những nhà chức việc có trách nhiệm tiếp thụ, hứa hẹn giải quyết. Tại sao lại cứ phải có người lên tiếng thì mới “lật lại hồ sơ”. Thế ai cũng như nhạc sĩ Phạm Tuyên, hoặc như thân nhân nhà thơ Thu Bồn lừng lẫy thời chống Mỹ, không lên tiếng (bởi còn chút sĩ trong người) thì bỏ qua hay sao?
Còn nhiều lắm những bất cập, vô lý, vô trách nhiệm, và rất máy móc kiểu robot trong thế giới “cầm cân nảy mực” của những cấp xét duyệt khen thưởng từ thấp lên cao, không chỉ với Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Chúng tôi sẽ trình bày tiếp trong bài khác.
Nguyễn Thông