Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một nền kinh tế quy mô trung bình nhưng lại có độ mở lớn, lên tới 60-70%, rất dễ bị tác động bởi nền kinh tế thế giới. Vì thế, nếu Việt Nam có tốc độ hội nhập quá nhanh, nó có thể gây ra các phản ứng ngược.

Hội nhập 'gần', hội nhập 'xa' nhìn từ thị trường nhân lực và tỷ lệ nhập siêu

Nhàn Đàm | 31/08/2016, 05:32

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một nền kinh tế quy mô trung bình nhưng lại có độ mở lớn, lên tới 60-70%, rất dễ bị tác động bởi nền kinh tế thế giới. Vì thế, nếu Việt Nam có tốc độ hội nhập quá nhanh, nó có thể gây ra các phản ứng ngược.

Nếu nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại, có thể nhận ra rằng chiến lược phát triển kinh tế của chúng ta trong tương lai là dựa vào yếu tố tăng cường hội nhập với khu vực và thế giới. Đó là lý do vì sao Việt Nam đã ký kết khá nhiều các hiệp định thương mại (FTA) với các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, hội nhập là một cơn sóng to, nó có thể đẩy thuyền đi xa hơn nhưng cũng có thể nhấn chìm. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một nền kinh tế quy mô trung bình nhưng lại có độ mở lớn, lên tới 60-70%, và rất dễ bị tác động bởi nền kinh tế thế giới. Vì thế, nếu Việt Nam có tốc độ hội nhập quá nhanh, nó có thể gây ra các phản ứng ngược. Bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang lao đao trước sức ép hội nhập quá lớn do chính chúng ta tạo ra.

Những con số thống kê về đầu tư và nhân lực đang chỉ ra điều này một cách khá rõ ràng. Theo số liệu về đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam đang đạt đỉnh và có thể phá vỡ kỷ lục của năm 2015. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2016 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đã lên tới 14,366 tỉ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2015 (theo Chinhphu.vn); nếu không có gì bất ngờ, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong cả năm 2016 sẽ phá mốc kỷ lục trước đó của năm 2015 là gần 24 tỉ USD. Đây là kết quả có thể dự đoán trước, khi mà Việt Nam đang là một trong những điểm đến thu hút nhất với các nhà đầu tư nước ngoài, từ làn sóng đầu tư đang tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc để tìm một điểm đến mới thuận lợi hơn, đồng thời còn do ảnh hưởng của các FTA lớn mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

Tuy nhiên, đằng sau những con số có vẻ như đáng mừng này lại là một loạt những vấn đề cần suy nghĩ,có phần chẳng đáng mừng chút nào. Điều đầu tiên và quan trọng hơn hết là, không có một báo cáo đánh giá tác động cụ thể nào từ làn sóng đầu tư FDI kỷ lục đang tràn vào nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta đã có những sự chuẩn bị gì cho làn sóng đầu tư kỷ lục đó? Câu trả lời là gần như chẳng có gì, kể cả vấn đề cơ bản nhất là phân bổ nguồn nhân lực. Báo cáo đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay đang khiến cho tất cả những người quan tâm đến nguồn nhân lực của Việt Nam cảm thấy bàng hoàng. Theo số liệu báo cáo được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga công bố, năm nay số học sinh lớp 12 không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng chiếm tới 32% tổng số học sinh lớp 12 (theo The Saigon Times), một con số có lẽ là kỷ lục.

Có rất nhiều điều để nói đằng sau con số 32% số học sinh lớp 12 trên toàn quốc không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng này. Trước hết, nó phản ánh một sự chuyển hướng đáng kể trong nhận thức của thị trường lao động Việt Nam, 32% số học sinh lớp 12 trên cả nước quyết định không đăng ký xét tuyển đại học cao đẳngcó nghĩa là phần lớn trong số này chọn con đường học nghề hoặc tìm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Nó đang cho thấy cơ cấu nền kinh tế cũng như nhu cầu lao động đang có sự chuyển hướng rất lớn, trong đó nền kinh tế đang cần ngày càng nhiều công nhân có tay nghề hơn. Đây là điều dễ hiểu khi làn sóng đầu tư đang tăng mạnh vào Việt Nam phần lớn có nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề được đào tạo hơn là lao động có trình độ đại học, cao đẳng.

Và có thể thấy, ngành giáo dục và đào tạo của Việt Nam đang hoàn toàn mất phương hướng trước sự thay đổi lớn này. Trước hết, việc có tới 32% số học sinh lớp 12 không đăng kýxét tuyển đại học cao đẳng (tức là khoảng 1/3 tổng số học sinh lớp12 trên cả nước) là điều nằm ngoài dự đoán, chúng ta vẫn cho rằng phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT sẽ chọn con đường vào đại học và cao đẳng mà không hề có đánh giá tác động từ làn sóng đầu tư nước ngoài cũng như những thay đổi của nền kinh tế trong nước để có sự phán đoán về nhu cầu đào tạo và tuyển dụng. Chúng ta cứ coi như nước nào đó chứ không phảiViệt Nam là điểm đến của gần 15 tỉ USD vốn đầu tư FDI trong 8 tháng đầu năm để có sự tính toán về nhu cầu nhân lực lao động cho phù hợp, khiến cho khi 1/3 tổng số học sinh 12 trên cả nước chọn con đường học nghề và tìm việc làm thì tất cả mới ngã ngửa ra, khi mà gần như không có bất cứ sự chuẩn bị gì cho công tác đào tạo nghề cho khoảng gần 300.000 học sinh đó.

Không chỉ công tác đào tạo nguồn nhân lực mất phương hướng hoàn toàn trước sự thay đổi của cơ cấu nền kinh tế và thị trường lao động, mà bản thân cả nền kinh tế Việt Nam cũng đang lao đao trước sức ép hội nhập. Những số liệu thống kê mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường ASEAN sau khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đi vào hoạt động được 8 tháng đang chỉ ra một thực tế khá phũ phàng, đó là hiệu quả kinh tế đang khác xa so với những gì mà Việt Nam kỳ vọng. Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 9,582 tỉ USD (giảm 12,3%), trong khi đó nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN đạt 13,215 tỉ USD (giảm 5,1%) (Theo CafeF). Về cơ bản, Việt Nam đang gia tăng tình trạng nhập siêu từ thị trường ASEAN với một tốc độ khá nghiêm trọng, chúng ta rơi vào tình trạng nhập siêu với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á, và chỉ thặng dư trong quan hệ thương mại với Lào, Campuchia, Myanmar được khoảng vài chục triệu USD. Thực tế này khiến cho Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra câu hỏi phải chăng việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ và rủi ro trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa trong khu vực.

Trên thực tế, đây là điều cũng đã được các chuyên gia kinh tế dự đoán từ trước. Chúng ta tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN mà gần như không có bất cứ sự chuẩn bị và chiến lược phát triển nào, đâu là những ngành xuất khẩu trọng điểm vào thị trường ASEAN và làm thế nào để hỗ trợ các ngành đó phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta ký tham gia cộng đồng ASEAN với một niềm tin mơ hồ rằng cứ tham gia trước rồi tự khắc sẽ phát triển, đó là một niềm tin mơ hồ và thiếu thận trọng. Điều tương tự cũng đang bị cảnh báo với các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết, chúng ta dồn quá nhiều thời gian và sức lực cho việc đàm phán các hiệp định này, trong khi quá trình chuẩn bị trong nền kinh tế để nắm bắt được các cơ hội mà những hiệp định này mang lại thì gần như không có gì. Mới chỉ có cộng đồng kinh tế ASEAN đi vào hoạt động được có 8 tháng mà Việt Nam đã cảm thấy xây xẩm thì không biết khi các FTA với Liên minh Á-Âu và FTA với EU đi vào hoạt động, kinh tế Việt Nam sẽ còn ra sao nữa. Chúng ta mở đồng loạt các cửa cống cho nước tràn vào với hy vọng sẽ cưỡi lên ngọn sóng lớn và đi xa hơn, nhưng có vẻ như chúng ta đang bị ngộp nước ngay từ ngọn sóng đầu tiên thì đúng hơn.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nhập 'gần', hội nhập 'xa' nhìn từ thị trường nhân lực và tỷ lệ nhập siêu