Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong công tác của Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam.
Khoa học - công nghệ

Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam tích cực tư vấn, phản biện, giám định xã hội

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung 07/02/2024 09:14

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong công tác của Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam.

Nhận thức rõ vai trò của thông tin khoa học và công nghệ (KH-CN) đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tập hợp đội ngũ trí thức thông tin KH-CN, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và quản trị thông tin, ứng dụng tin học và công nghệ thông tin, đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ thông tin, cũng như tư vấn, kiến nghị với nhà nước về các chính sách và chủ trương phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành thông tin KH-CN nói riêng, Ban Vận động thành lập Hội Thông tin - Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam (được ra đời cuối những năm 1990) đã đệ trình lên Ban Tổ chức và cán bộ chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đề án thành lập Hội Thông tin - Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam.

hoi-thong-tin-sinh-thanh-1.jpg
GS-TSKH - Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam trao tặng bức trướng cho Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam

Ngày 27.1.2000, Trưởng ban Tổ chức và cán bộ chính phủ đã ký Quyết định số 04/2000/QĐ-BTCCBCP thành lập Hội Thông tin - Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam.

Như vậy, ngày 27.1.2000 là ngày Nhà nước chính thức công nhận Hội Thông tin - Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đại hội đại biểu lần thứ 3 Hội Thông tin - Tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam được tổ chức vào ngày 15.4.2011, đã quyết định đổi tên thành Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam, và ngày 29.6.2011 Bộ Nội vụ chính thức ra quyết định số 1296/QĐ-BNV cho phép đổi tên Hội Thông tin tư liệu khoa học và công nghệ Việt Nam thành Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam như hôm nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) diễn ra trong bối cảnh cả nước đã trải qua 2 năm đối phó với đại dịch toàn cầu SARS-CoV-2 (COVID-19), thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và phòng chống thành công đại dịch; toàn Đảng toàn dân đang nỗ lực triển thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Đặc biệt, đại hội diễn ra khi hệ thống Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam) đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp Hội Việt Nam lần 8.

Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội đã có hơn 24 năm hình thành và phát triển. Trong giai đoạn 2017-2023, Hội tiếp tục phát triển ổn định, vận động, tập hợp và đoàn kết được rộng rãi đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực thông tin - tư liệu KH-CN, tổ chức được nhiều hoạt động phù hợp với tôn chỉ mục đích của Hội.

Việc củng cố và phát triển tổ chức Hội luôn dành được sự quan tâm của Ban chấp hành nhiệm kỳ vừa qua. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu lần 4 của Hội, Ban lãnh đạo Hội đã hoàn thiện dự thảo Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) của Hội (được thông qua tại Đại hội 4) và trình cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nội vụ) phê duyệt. Kết quả Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 879/QĐ-BNV ngày 30.5.2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Theo Điều lệ, hội viên của Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam gồm các hội thành viên, hội viên tổ chức và hội viên cá nhân.

Hội có quan hệ khá chặt chẽ với Hội Thư viện Việt Nam, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và xây dựng các chương trình hợp tác về chuyên môn, nghiệp vụ.

Về quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội giữ mối liên lạc với Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Nội vụ. Là hội thành viên của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội đã tích cực tham gia các hoạt động của Liên hiệp hội: góp ý cho dự thảo Luật về hội, góp ý kiến Báo cáo tổng kết hoạt động Liên hiệp hội nhiệm kỳ 6, vận động tham gia các hoạt động ủng hộ do Liên hiệp hội tổ chức.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội (2000-2020). Lễ kỷ niệm đã được tổ chức trọng thể tại Đồ Sơn (Hải Phòng) với sự hỗ trợ và phối hợp của Sở Khoa học - Công nghệ Hải Phòng (trong đó Trung tâm Thông tin KH-CN Hải Phòng - hội viên tổ chức của Hội, có nhiều đóng góp vào tổ chức sự kiện).

Tư vấn và phản biện xã hội là một trong những nội dung quan trọng của công tác hội. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò quan trọng nhằm bổ sung thêm những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách hiện thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý, đối tượng quản lý và cộng đồng xã hội, tạo ra tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn đời sống. Chính phủ cũng đã có những quy định cụ thể về hoạt động tư vấn, phản biện xã hội.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội vẫn tích cực tham gia vào công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội dưới nhiều hình thức như: tham gia góp ý kiến vào các dự án, đề án theo đề nghị của Liên hiệp hội hoặc của các bộ ngành, cơ quan tổ chức. Đại diện lãnh đạo Hội đã tích cực tham gia và có ý kiến góp ý tại các hội thảo góp ý các dự thảo luật, chủ trương đường lối của Đảng do Liên hiệp hội tổ chức (thí dụ tham gia vào góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử, Luật Thi đua khen thưởng....).

Hội đã thực hiện xem xét, góp ý cho nhiều dự thảo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về thông tin và tư liệu theo yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (ví dụ: dự thảo TCVN Thông tin và tư liệu - Thống kê thư viện; dự thảo các TCVN Thông tin và tư liệu - RFID trong thư viện (các phần 1, 2, 3); 2 dự thảo TCVN liên quan đến định dạng tệp PDF; 2 dự thảo TCVN về Dublin Core). Các chuyên gia của Hội cũng tham gia góp ý, soạn thảo văn bản liên quan đến hoạt động thông tin KH-CN như dự thảo Thông tư của Bộ KH-CN quy định yêu cầu kỹ thuật đối với dữ liệu đầu vào của cơ sở dữ liệu quốc gia về KH-CN...).

Trong nhiệm kỳ 2017-2023, Hội đã tổ chức được một số cuộc hội thảo chuyên đề như: Hội thảo phổ biến kiến thức với chủ đề “Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới hoạt động thông tin khoa học và công nghệ” (tháng 12.2018); hội thảo “Chuyển đổi số với hoạt động thông tin - thư viện KH-CN Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (năm 2019); hội thảo khoa học chuyển đổi số trong hoạt động thông tin KH-CN nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam (tháng 1.2020); hội thảo “Chuyển đổi số, AI & robot trong sản xuất công nghiệp” (tháng 11.2022) với sự phối hợp của Trường đại học FPT, Công ty cổ phần Truyền thông và đầu tư thương mại APEC, Trường đại học KH-CN quốc gia Seoul (SEOULTECH) và Công ty UBION CO. LTD (UBION); hội thảo “Ngọt ngào mía đường - Vững bước tương lai” nhằm phổ biến kiến thức về ứng dụng KH-CN trong ngành nông nghiệp nhằm giới thiệu và chia sẻ những kiến thức mới trong trồng mía và sản xuất đường, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường do Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ tài trợ tổ chức tại Nghệ An ngày 16.12.2023; hội thảo “Chuyển đổi số - chìa khóa hướng tới nền nông nghiệp hiện đại” ngày 18.12.2023 tại Công ty Bảo Việt Nhân Thọ Sơn La tập trung vào đào tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong bán và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, được tổ chức với sự phối hợp của Công ty GREEN HOPE và Viện Nền tảng số REDPOLA do Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ tài trợ...

Các hội thảo được đánh giá là có chất lượng, được sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, các hội viên tổ chức của Hội, các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực.

Văn phòng Hội đã xây dựng 2 đề xuất nhiệm vụ phổ biến kiến thức từ kinh phí của Liên hiệp hội Việt Nam, trong đó có 1 nhiệm vụ được Liên hiệp hội chấp nhận cấp kinh phí triển khai.

Trong giai đoạn vừa qua, Hội đã ký kết Bản ghi nhớ "Hợp tác tạo lập nghiên cứu và phát triển tri thức số" với Viện Nghiên cứu và phát triển tri thức số và một số đơn vị khác như: Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia; Thư viện quốc gia Việt Nam; Hội Thư viện Việt Nam, Trung tâm Thư viện và tri thức số (Đại học Quốc gia Hà Nội), Thư viện Quân đội; Thư viện Công an nhân dân. Mục đích của sự hợp tác là cùng hợp tác nghiên cứu, tạo lập và phát triển tri thức số dựa trên thế mạnh riêng của mỗi bên, thông qua đó xây dựng cộng đồng nghiên cứu, phát triển, chia sẻ và sử dụng chung nguồn tài nguyên thông tin này phục vụ trực tiếp cho hoạt động đào tao, nghiên cứu và triển khai của toàn xã hội.

Nội dung hợp tác tập trung vào: Đề xuất và xây dựng chính sách và những cơ chế phối hợp trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ, dùng chung tri thức số tại Việt Nam; nghiên cứu thực trạng tri thức số tại các tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai tại Viêt Nam, từ đó đánh giá và đề xuất kế hoạch phát triển, dùng chung tri thức số; phối hợp xây dựng cộng đồng nghiên cứu, phát triển tri thức số tại Việt Nam; lựa chọn các giải pháp công nghệ mang tính bền vững, hiện đại và phù hợp với điều kiện Việt Nam để tạo ra các nền tảng tốt cho phát triển và chia sẻ tri thức số; nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác giữa các tổ chức đào tạo, nghiên cứu và triển khai trong việc phát triển và chia sẻ tri thức số; tích cực quảng bá và thúc đẩy tạo lập, chia sẻ và khai thác tri thức số trong cộng đồng.

Bài liên quan
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Sáng nay 8.1, Ban Thường vụ Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã quyết định tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và biên soạn Kỷ yếu về chặng đường 20 năm hoạt động của Hội, với mong muốn điểm lại một số hoạt động chính đã thực hiện được.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội Thông tin khoa học và công nghệ Việt Nam tích cực tư vấn, phản biện, giám định xã hội