Liên Hợp Quốc xác định đã có hơn 100.000 người tị nạn đến Armenia kể từ khi Azerbaijan phát động chiến dịch chiếm lại vùng ly khai Nagorno-Karabakh.
“Nhiều người đói khát, kiệt sức và cần được hỗ trợ ngay lập tức. Sự giúp đỡ quốc tế là vô cùng cần thiết”, người đứng đầu Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) Filippo Grandi kêu gọi trên mạng xã hội ngày 30.9. Nước Ý cho biết Armenia đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cung cấp nơi ở tạm cùng vật tư y tế để giúp đỡ nước này đáp ứng lượng người tị nạn lớn.
Nhà báo tự do Siranush Sargsyan ghi nhận tình cảnh hàng nghìn người mang theo đồ đạc chen chúc nhau trong ô tô, xe tải, xe kéo trên cao tốc dẫn đến Armenia. Ông nói với Reuters: “Nhiều người cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Họ vẫn đang mắc kẹt trên đường. Cuộc tị nạn rất cực khổ, chúng tôi đã trải qua 16 tiếng di chuyển trên đường. Nhưng có vẻ như trong 24 giờ tới chúng tôi vẫn chưa thể đến được biên giới”.
Phía Armenia xác nhận tính đến ngày 30.9, khoảng 100.417 trong tổng số 120.000 dân ở Nagorno-Karabakh đã chạy sang nước này tị nạn. Cựu quan chức chính quyền Nagorno-Karabakh Artak Beglaryan cho biết các nhóm cuối cùng chuẩn bị lên đường tị nạn, trên địa bàn hiện chỉ còn vài trăm người ở lại, chủ yếu là cựu quan chức, nhân viên lực lượng ứng phó tình huống khẩn cấp, tình nguyện viên.
Nagorno-Karabakh (nơi dân số đa phần là người gốc Armenia) tách khỏi Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã. Khu vực này từng chìm trong giao tranh giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng ly khai thân Armenia từ năm 1988 khiến hàng nghìn người thiệt mạng và kết thúc bằng lệnh ngừng bắn năm 1994. Từ đó đến nay đụng độ vẫn thường xuyên xảy ra.
Ngày 19.9 vừa qua, quân đội Azerbaijan bất ngờ phát động chiến dịch tấn công lực lượng ly khai. Chỉ một ngày sau lực lượng ly khai tuyên bố đầu hàng, chấp nhận đàm phán tái sáp nhập Azerbaijan. Nhưng chiến dịch làm dấy lên tâm lý sợ hãi và dẫn đến làn sóng tị nạn ồ ạt hiện tại.