Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán thành công lệ phí trực tuyến xét tuyển vào các trường ĐH trên cả nước.

Hơn 2/3 thí sinh xét tuyển ĐH, các trường CĐ tiếp cận nhiều thí sinh có điểm cao

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 29/08/2022, 09:23

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán thành công lệ phí trực tuyến xét tuyển vào các trường ĐH trên cả nước.

Hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí trực tuyến thành công

Tối 28.8, Bộ GD-ĐT cập nhật thông tin về tình hình thanh toán lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Theo đó, tính đến 16 giờ ngày 28.8, đã có hơn 2/3 thí sinh thanh toán lệ phí trực tuyến thành công. Hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời, không có tình trạng nghẽn hay quá tải.

Theo Bộ GD-ĐT, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung hỗ trợ các cơ sở đào tạo một số nội dung quan trọng như: Theo dõi, kiểm tra danh sách thí sinh trúng tuyển đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống để nhắc nhở thí sinh kịp thời đăng ký theo thời gian quy định. Tải kết quả học tập cấp trung học phổ thông để làm căn cứ xét tuyển; cung cấp dữ liệu tuyển sinh để xét tuyển và xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển với tất cả các phương thức xét tuyển trên hệ thống; cung cấp thông tin về thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học…

Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung sẽ tiến hành xử lý nguyện vọng xét tuyển và chỉ làm nhiệm vụ lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào cơ sở đào tạo khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà cơ sở đào tạo gửi lên hệ thống.

thi-thpt2022-12.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội

Bộ GD-ĐT lưu ý, danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào cơ sở đào tạo là danh sách thí sinh được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại cơ sở đào tạo lần cuối (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do cơ sở đào tạo tải lên hệ thống), cơ sở đào tạo không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này. Thí sinh đã đáp ứng đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, thì cơ sở đào tạo không được xét lại mà phải tải danh sách lên hệ thống để xử lý nguyện vọng cùng với các đối tượng xét tuyển khác.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 1.9 đến 17.9, các cơ sở đào tạo tải dữ liệu từ hệ thống để xét tuyển và phối hợp xử lý nguyện vọng, lọc ảo. Trước 17 giờ ngày 17.9, các cơ sở đào tạo công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

Các trường CĐ, trường nghề tiếp cận được nhiều thí sinh có điểm cao

Mùa tuyển sinh ĐH năm 2022 cả nước có 315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Điều này đã nảy ra nhiều ý kiến khác nhau cho rằng đây chính là cơ hội cũng như dần khẳng định các học sinh biết lựa chọn con đường học nghề riêng cho mình hơn là mục tiêu học bằng được ĐH.

Chia sẻ với phóng viên, TS Trần Xuân Ngọc - Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết tính đến thời điểm này nhà trường đã có hơn 200 thí sinh có điểm thi THPT cao từ 18-20 điểm làm thủ tục nhập học vào trường. “Đây là một tín hiệu vui đối với nhà trường và hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thể hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng ngày càng được chú trọng và đạt hiệu quả”, ông Xuân Ngọc trao đổi.

69919331_2277056319072740_8319750311216414720_n.jpg
Các học sinh bắt đầu lựa chọn các trường Cao đẳng và trường nghề cho công việc tương lai của mình

Cũng như trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (Đồng Nai) cho biết hiện nay có khá nhiều học sinh có điểm số khá cao ở kỳ thi THPT 2022 đã nộp hồ sơ, thông tin để đăng ký theo học tại trường.

"Hiện nay, Trường cao đẳng Lê Quý Đôn đã công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển với 51 ngành nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chính quy hoặc liên thông cao đẳng. Các khoa được các học sinh đăng ký nhiều nhất vẫn là khoa y dược, khoa hàng không, khoa kinh tế và khoa kỹ thuật điện tử. Các khoa còn lại như: khoa ngoại ngữ, khoa văn hóa.... cũng có những học sinh xét tuyển học bạ hoặc học hệ vừa học văn hóa vừa học nghề. Trường thu hút được sự chú ý của học sinh cũng như phụ huynh chính là cam kết cơ hội việc làm 100% cho các học viên sau khi hoàn thành khóa học tại trường. Các khoa đặc biệt như ngành hàng không đến năm thứ 2 sẽ được thực tập tại các sân bay và được hưởng 50-70% lương căn bản. Còn ở các khoa khác ngay khi học trong trường, các em đã được thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp và được trả lương như ở các khoa kỹ thuật điện tử. Nhiều ngành được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp nên không lo về đầu ra. Năm nay các trường Cao đẳng hay trường nghề có cơ hội tuyển được nhiều thí sinh có chất lượng và có điểm số thi tốt nghiệp THPT cao vì các em cũng đã xác định được phương hướng công việc tương lai của mình", ông Đặng Quang Vinh - đại diện trường Cao đẳng Lê Quý Đôn (Đồng Nai) cho hay.

Theo Bộ GD-ĐT, hơn 315.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng ĐH là những người đã lựa chọn đi du học, hoặc không đủ năng lực, thiếu điều kiện tài chính để theo học ĐH. Bởi hàng loạt trường ĐH quyết định tăng học phí ở mức rất cao từ năm học 2022-2023 và tiếp tục lộ trình tăng những năm sau khiến người học quyết định rẽ hướng sang học nghề với nhiều ưu thế vượt trội như thời gian đào tạo ngắn, cơ hội việc làm rộng mở… Đặc biệt mức học phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm cho chương trình học trung cấp/CĐ, vài triệu đồng khóa nghề sơ cấp thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang chiếm ưu thế khá lớn so với mức học phí hàng trăm triệu đồng/khóa khi học ĐH.

le-quy-don-4.jpg
Hiện nay nhu cầu xã hội đang "thừa thầy, thiếu thợ" nên việc đăng ký học các trường Cao đẳng hay học nghề cũng được các học sinh lựa chọn nhiều hơn

Từ góc độ dự báo nguồn nhân lực, ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện đào tạo và phát triển nhân lực Việt Nam cho rằng, học nghề là xu hướng rất phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Qua công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Tuấn thấy hiện có khoảng 20%-30% học sinh tốt nghiệp THCS xong đi học nghề theo hệ 9+, nhiều em theo học xong THPT không vào ĐH mà rẽ hướng sang học nghề vì bài toán kinh tế chứ không phải vì các em học dở mới đi học nghề.

Hiện nay nhu cầu xã hội đang "thừa thầy, thiếu thợ" nên việc đăng ký học các trường Cao đẳng hay học nghề cũng được các học sinh lựa chọn nhiều hơn. Các học sinh cũng đã tự nhận thấy năng lực của mình và sẽ đăng ký theo hệ vừa học vừa làm hoặc hệ Cao đẳng nhưng ra trường có việc luôn, không còn chuộng "hình thức" phải học bằng được ĐH nữa. Trước đây nhiều người quan niệm rớt ĐH mới chọn học nghề nhưng thực tế ngày nay cho thấy, không phải cứ học ĐH mới thành công. Các em cần xác định rõ ngành nghề mình muốn theo đuổi, năng lực của bản thân, nhu cầu của xã hội và cả yếu tố tài chính của gia đình do xu hướng tự chủ ĐH, các trường sẽ tăng học phí từ năm học này và cả những năm sau. Lựa chọn học nghề ở bậc CĐ, trung cấp hay sơ cấp cũng là một hướng đi, quan trọng là sự nỗ lực của người học sẽ làm nên thành công trong tương lai.

Bài liên quan
TP.HCM: Dự kiến tuyển sinh lớp 10 năm nay tỷ lệ chọi sẽ tăng
Năm nay, TP.HCM giảm gần 5.700 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Do đó, áp lực tỷ lệ chọi được dự kiến sẽ tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 2/3 thí sinh xét tuyển ĐH, các trường CĐ tiếp cận nhiều thí sinh có điểm cao