Chiều 11.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Họp quốc hội: Đau đáu chất lượng ngành sư phạm

12/06/2018, 05:48

Chiều 11.6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

ĐBQH Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) - Ảnh: Thanh Niên

Học phí không quyết định chất lượng

ĐB Nguyễn Thị Kim Tuyến (Tiền Giang) còn khá băn khoăn về tính công bằng của chính sách chuyển hình thức miễn học phí sang tín dụng.

Bà Tuyến so sánh, có 2 sinh viên cùng vay vốn, cùng thực hiện nguyện vọng là được học ngành sư phạm, cùng mong muốn là sau khi ra trường được làm việc cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, một em sau khi tốt nghiệp xin được việc làm trong ngành giáo dục, phục vụ đủ thời gian và không phải hoàn trả khoản vay này. Một em còn lại không xin được việc làm trong ngành giáo dục, buộc lòng phải làm việc khác.

“Nếu có may mắn hơn, sinh viên có thể xin được việc trong ngành giáo dục nhưng vì lý do gì đó mà không phục vụ đủ thời gian trong ngành theo quy định, cuộc sống khó khăn, chật vật mà phải kiếm tiền để trả khoản vay tín dụng này thì vô hình trung, việc trả khoản vay này như chế tài đối với những người không làm việc trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian”, ĐB Tuyến nói.

Theo đại biểu này, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc lại hình thức hỗ trợ bằng tín dụng sư phạm, nhất là khi hiện nay chúng ta chưa thể đảm bảo được tốt nhất việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp. Việc không thể làm việc trong ngành giáo dục cũng là vấn đề khách quan nằm ngoài mong muốn chủ quan của học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp.

Theo ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ), vấn đề học phí chưa phải là vấn đề căn bản, cốt lõi khiến cho ngành sư phạm trong thời gian qua không thu hút được học sinh giỏi. Vấn đề căn bản là ở việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, là ở chất lượng đào tạo và đặc biệt là chính sách tuyển dụng gắn với chế độ thỏa đáng cho giáo viên. Đó mới thực sự là thỏi nam châm cực mạnh để thu hút các em học sinh giỏi đến với nghề dạy học.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng chúng ta đã có chính sách miễn giảm học phí cho ngành sư phạm gần 20 năm nhưng hiệu quả không cao. Lương thầy cô giáo như thế nào và chính sách tuyển dụng mới là gốc của vấn đề và bài toán thu hút người học giỏi, người vào làm công tác trong ngành sư phạm mới khả thi.

Nêu ý kiến, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) góp ý, nếu dự thảo quy định được theo hướng giao cho các trường phổ thông được tự chủ về học thuật, về chương trình thì họ sẽ có trách nhiệm lựa chọn chương trình phù hợp, có kế hoạch giáo dục, đảm bảo đầu ra.

Khi đó, nhà nước chỉ đóng vai trò điều tiết, đặt hàng các trường phổ thông tương ứng với nhóm ngành nghề nào mà xã hội đang cần. Quyền lựa chọn nội dung và cách thức thực hiện phải do nhà trường phổ thông tự quyết định. Sự phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ rõ nét hơn, tăng tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm mà vẫn đảm bảo theo hướng nguồn lực được đáp ứng theo nhu cầu của xã hội.

Từ bỏ sự cũ kỹ trong giáo dục

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng trong giáo dục, đạo đức luôn được các bậc tiền nhân trân trọng đặt lên vị trí hàng đầu. Điều 2 của luật hiện hành và dự luật này vẫn xem đạo đức là giá trị cốt lõi đầu tiên của giáo dục. Tuy nhiên, thực tế những điều ấy đã thực sự len lỏi vào ngóc ngách tâm hồn để kiến tạo nên nhân cách cho một đứa trẻ hay không vẫn còn chờ câu trả lời.

“Chúng ta không lạ gì cách ra đề tập làm văn yêu cầu tả cảnh biển, cho dù đứa trẻ đó chưa một lần đến biển, nếu bé chỉ viết câu "con chưa từng đi biển nên không biết tả biển ra sao" thì ai cũng đoán được điểm chấm sẽ như thế nào? Nhưng bé đó nếu biết lấy ý tưởng từ sách tham khảo mà đạt được điểm tốt thì đau lòng thay, một khi những bài học đầu đời đã hướng cho trẻ cách làm như thế mà không cảm thấy hổ thẹn thì liệu mầm mống các vấn nạn xã hội có phải từ đây. Tôi tin rằng không một nền giáo dục nào lại có ý định cho ra đời một sản phẩm như thế”, ông Nhân nói.

Theo đại biểu này, cử tri đang băn khoăn rằng nền giáo dục bao năm qua đã đủ bao dung và dang rộng vòng tay với con trẻ trong cách thức đánh giá hạnh kiểm học sinh hay chưa?

“Chúng ta đồng thuận cho những phiên tòa xử kín nhằm bảo vệ trẻ em thì sao có thể làm ngơ trước hình thức kỷ luật phê bình trước lớp, trước trường được quy định tại Thông tư số 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì sao có quy định cho phép nhà trường làm tổn thương tinh thần trẻ con như thế?”, ông Nhân cho hay.

Ông Nhân nói, những vết khắc đạo đức, hạnh kiểm khá, trung bình, yếu theo quy định tại Thông tư 58 về quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông không đơn giản sẽ xếp lại sau khi các em rời ghế nhà trường mà sẽ còn mãi trong ký ức.

“Mức hạnh kiểm đó không phải lỗi của các em mà trước tiên theo tôi là sự thất bại không chỉ riêng của giáo dục mà của cả gia đình và xã hội. Cách đặt những viên gạch đầu tiên cho nền tảng đạo đức, những kỹ năng cơ bản về phương pháp tư duy, nhận thức, sáng tạo có điều gì đó chưa thật sự ổn”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo đó, đại biểu này cho rằng đã đến lúc phải từ bỏ sự cũ kỹ của các phương thức giáo dục và xem xét lại cách thức đánh giá, nhận xét đạo đức hạnh kiểm hiện nay. “Chúng ta hãy trả lại cho giáo dục một môi trường vẹn tròn tình yêu thương và luôn được trân quý mà đương nhiên ở đó phải có”.

“Làm sao để có được một đội ngũ nhà giáo đủ đầy tâm đức, một thế hệ học sinh tự tin, có phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo với khả năng tự nghiên cứu, học tập suốt đời để kết nối với thế giới tri thức bên ngoài vẫn còn là câu hỏi rất lớn cho dự luật lần này”, ông Nhân băn khoăn.

Nhà nhà đào tạo Thủ tướng

ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua gần như buông lỏng 2 chữ "giáo dục" mà chỉ lao vào đầu tư cho 2 chữ đào tạo.

“Với các vấn đề liên quan đến nạn học đường đã và đang diễn ra, đại biểu chúng ta tỏ ra lo lắng tột cùng với tư duy đạo đức xã hội xuống cấp, chúng ta có từng nghĩ tại sao đất nước đang một ngày phát triển mà đạo đức xã hội lại xuống cấp. Nguyên nhân từ đâu, do ai, ai là người phải chịu trách nhiệm về mâu thuẫn này”, đại biểu Ksor nêu.

Đại biểu này cũng cho rằng, đây không phải là trách nhiệm riêng của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, ai được sinh ra trong cuộc sống này cũng muốn mình là người tốt, người giỏi.

“Nhìn thẳng vào sự thật, ta thấy hiện nay nhà nhà đào tạo Thủ tướng, người người đào tạo Bộ trưởng và kết quả là học sinh chưa vào lớp 1 đã đọc bảng cửu chương và nói tiếng nước ngoài như gió để thi tuyển đầu vào cấp 1, lên cấp hai thì giỏi toàn diện cả văn, toán, ngoại ngữ với thang điểm tuyệt đối”, đại biểu này nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu này, những người ưu tú hơn thì học những nghề cao quý như giáo viên, bác sĩ, đây là 2 ngành mà đời người ai cũng phải liên quan, nhưng thầy cô thì có người yêu thương học sinh đến mức gõ thước lên đầu học sinh kèm theo câu nói: "Học ngu như thế này sau này sao thay cha", và bác sĩ cũng có những người hành nghề với mục đích chỉ để kiếm tiền, nên bệnh nhân đau 1 thì sẽ vẽ ra 10.

“Tôi đề nghị 2 ngành này điểm tuyển đầu vào phải cao như trước đây, không phải đại trà như hiện nay ở tất cả các hệ đào tạo. Rồi tài năng như vị trí của một Bộ trưởng nhưng không dám nhận năng lực lãnh đạo, quản lý của mình kém, không dám hiên ngang tuyên bố nếu còn để xảy ra sai sót sẽ từ chức mà tất cả đều là trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ”, ĐB này cho hay.

Lam Thanh

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họp quốc hội: Đau đáu chất lượng ngành sư phạm