Hệt như một cơn sóng thần!”, một người chứng kiến đã phải thốt lên. Xác người, xác phương tiện giao thông nằm la liệt, trải dài cả trăm mét. So với các vụ khủng bố lao xe vào đám đông ở các nước thì vụ lái xe container lao vào đám đông ở Bến Lức xem ra có vẻ chẳng mấy khác biệt...

Hung thần và 'khủng bố'...

04/01/2019, 14:07

Hệt như một cơn sóng thần!”, một người chứng kiến đã phải thốt lên. Xác người, xác phương tiện giao thông nằm la liệt, trải dài cả trăm mét. So với các vụ khủng bố lao xe vào đám đông ở các nước thì vụ lái xe container lao vào đám đông ở Bến Lức xem ra có vẻ chẳng mấy khác biệt...

Tài xế Phạm Thành Hiếu tại cơ quan công an (ảnh góc phải) - Ảnh: Thanh Niên

Sự khác biệt có chăng chỉ là những kẻ khủng bố bị “say” bởi chủ nghĩa cực đoan, còn ở các tai nạn “xe điên” lao vào đám đông ở nước ta như vụ việc kinh hoàng ở Bến Lức thì các tài xế say rượu, thậm chí đáng sợ hơn là còn “phê” thêm ma tuý như bước đầu kết luận điều tra tài xế gây ra vụ án trên.

Một điểm khác biệt nữa là những kẻ khủng bố thì hoàn toàn ý thức được rằng những chiếc máy bay, xe tải có thể trở thành những vũ khí giết người hàng loạt còn các tài xế gây tai nạn cho đám đông thì dường như không ý thức được rằng những chiếc xe hoàn toàn có thể trở thành những “cỗ máy chết chóc” ở trong tay những kẻ điều khiển say xỉn bệnh hoạn, thiếu lương tâm như họ.

Số người chết chóc, thương tật vì tai nạn giao thông cứ mỗi năm một tăng. Cứ như đang có một cuộc chiến tranh trên những cung đường, những con phố và đa số sự thương vong, theo các số liệu thống kê, là liên quan đến tệ nạn ma túy hay rượu bia quá đà khi tham gia giao thông. Có thể dẫn chứng là trong những ngày lễ hội, tết nhất, “đi bão”, số người thương vong vì tai nạn giao thông thường tăng khủng khiếp.

Trên các con đường, người ta có thể cảm nhận được việc những người tham gia giao thông có thể được tạm chia thành hai loại: những người vận chuyển “bình thường” và những người “kiếm sống” bằng nghề vận chuyển, từ những tài xế xe máy chở hàng cho đến các tài xế xe tải hạng nặng. Không phải ngẫu nhiên hay oan ức mà các phương tiện truyền thông thường gán cho nhiều tài xế “kiếm sống” là các “hung thần”, là “giặc lái”: hung thần taxi, hung thần xe buýt, hung thần xe ben, hung thần xe “hổ vồ”, và giờ, có lẽ là “hung thần xe container”... Dường như với ý nghĩ “kiếm sống”, nhiều tài xế cho rằng mình có cái quyền chạy ẩu, chạy thiếu lương tâm, trách nhiệm, và, nói sâu sắc như một nhà văn thì “có lẽ hàng triệu cây số mà chiếc xe tải này đã lăn bánh qua đã cho nó cái quyền chạy liều lĩnh như thế này chăng?”.

Điều đương nhiên là vẫn còn rất nhiều bác tài cẩn trọng, đàng hoàng, có lương tâm, nhưng sự phổ biến của số đông các tài xế “hung thần” chính là nguyên nhân của đa số tai nạn giao thông là điều không thể phủ nhận.

Như nghề y, nghề tài xế là nghề dính dáng trực tiếp đến sinh mạng con người. Thế nhưng ở nước ta, đây là một nghề được đào tạo sơ sài hoặc chẳng cần đào tạo gì cả, chỉ cần có bằng lái là hành nghề. Chuyện thi cử lấy bằng ở các nước là cực kỳ khó và cả pháp luật về giao thông của họ cũng cực kỳ nghiêm khắc trong khi cả hai phương diện trên ở nước ta dường như quá dễ dãi. Đơn cử như vụ án gây tai nạn rồi cố tình quay lại cán chết người của một tài xế ở Hà Tĩnh, VKSND Cấp cao phải kháng nghị để tăng cao hình phạt đối với gã tài xế táng tận lương tâm này.

Người tham gia giao thông bây giờ không chỉ “ra đường thì sợ công nông” như câu vè dân gian nữa, mà sở đủ loại “hung thần đường phố” khác. Đi sai luật chẳng hạn như vượt đèn đỏ thì sợ tai nạn hay sợ công an đã đành, đằng này nghiêm túc dừng đèn đỏ mà cứ bị những “xe điên xế đảo” càn quét thì sao có thể an tâm khi ra đường?

Các câu hỏi được đặt ra ở đây là: Ủy ban an toàn giao thông và các cơ quan hữu quan đã làm được gì để giảm thiểu tai nạn giao thông? Việc cần kíp lúc này là làm gì để giảm thiểu, tiêu trừ tối đa các “hung thần đường phố” và những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng như vụ ở Bến Lức?

Ý thức giao thông là việc Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và các cấp cùng các các cơ quan hữu quan đã rỉ rả tuyên truyền rồi. Việc cần kíp là phải nghiên cứu học tập các bộ luật về giao thông của các quốc gia tiên tiến để “tuyên chiến” với thói vô lương tâm, vô trách nhiệm của những người tham gia giao thông...

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hung thần và 'khủng bố'...