Cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh.

Hướng tới hình thành Liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam

Thu Anh | 25/10/2020, 17:35

Cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh.

Nằm trong chuỗi các sự kiện bên lề hướng đến “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2020”, hội thảo “Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đã diễn ra vào ngày 23.10.

Bà Hoàng Thị Kim Dung (Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam) chia sẻ tại hội thảo: “Các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới”.

wht2320jpg.jpg
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện bên lề hướng tới Techfest 2020 - Ảnh: BTC

Việt Nam, với GDP bình quân 5 năm gần nhất, từ 2015-2019, đạt 6,76% và kiểm soát tốt sự lây lan của dịch bệnh, đang trở thành điểm đến tiềm năng cho các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, theo bà Dung, do không thống nhất được giữa các nhà đầu tư nội, nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư thiên thần nên quá trình giải ngân cho startup sau khi đã ra quyết định đầu tư mất đến hơn 6 tháng, cộng với thời gian startup chuẩn bị gọi vốn khoảng 12 tháng trước đó.  thì tổng thời gian để cả thương vụ diễn ra là quá dài. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup.

Do đó cần thiết phải có một nền tảng chung để tất cả các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác có thể trao đổi, thống nhất, giảm thiểu tối đa thời gian để cho các startup có thể nhanh chóng kết thúc hoạt động gọi vốn và tập trung vào phát triển kinh doanh.

Theo thống kê của Văn phòng Đề án 844, trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Mỗi quỹ đầu tư lại có “khẩu vị”, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

Phân tích thêm, bà Dung cho biết quỹ nội và quỹ ngoại có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, khi nhà đầu tư ngoại bị hạn chế di chuyển thì hình thức hợp tác này càng được đẩy mạnh.

Vì vậy, theo các chuyên gia, startup cần có sự tìm hiểu kỹ càng về các nhà đầu tư sẽ tham gia vào vòng gọi vốn tiếp theo của mình. Ngoài ra, do mỗi nhà đầu tư đều có một vài startup trong danh mục đầu tư của mình, nên startup cùng được đầu tư bởi một nhà đầu tư cần có sự kết nối chặt chẽ với nhau, hướng tới hình thành các cộng đồng nhỏ để có thể thường xuyên trao đổi thông tin.

wht231020.jpg
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: BTC

Cần lưu tâm đến vấn đề pháp lý

Theo báo cáo của Do Ventures năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia. Đứng trước cơ hội này, startup Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đông (đồng sáng lập Ecomobi) cho rằng các startup không nên gọi vốn bằng mọi giá; bên cạnh đó cũng cần lưu tâm tới vấn đề pháp lý khi gọi vốn.

Liên quan đến vấn đề pháp lý khi các startup tiến hành gọi vốn, ông Bùi Thành Đô, Giám đốc và đồng sáng lập Thinkzone Ventures, cho biết hiện tại chưa có quá nhiều startup ở Việt Nam quan tâm đến vấn đề về luật, đôi lúc dẫn đến vấn đề hậu đầu tư gặp nhiều vấn đề và quá trình nhận vốn tốn nhiều thời gian. Trong đó, startup thường chưa thực sự coi trọng vấn đề về các điều khoản trong hợp đồng, dẫn đến các thương vụ đầu tư thường có lợi cho nhà đầu tư một cách không công bằng.

Để giải quyết bài toán này, theo các chuyên gia, các startup cần phải tích cực tìm hiểu thông tin trên mạng, đồng thời có thể tranh thủ đến các hội thảo chuyên môn để trao đổi thông tin và nhận được tư vấn từ các luật sư…

Trong phiên thảo luận tại hội thảo, ông Bùi Thành Đô cho biết ông đang trong quá trình kêu gọi các quỹ đầu tư, công ty luật tham gia vào Liên minh các quỹ đầu tư, với mục tiêu đem tiếng nói, nguyện vọng của thị trường đến cho những nhà hoạch định chính sách, để từ đó từng bước cải thiện môi trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, liên minh cũng là nơi để mọi người chia sẻ thông tin về các thương vụ đầu tư, startup tiềm năng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin trong hệ sinh thái. “Liên minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam”, ông Đô nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hôm nay, thí sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024
4 giờ trước Giáo dục
Từ hôm nay (2.5) đến 17 giờ ngày 10.5, Cổng đăng ký trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ mở để phục vụ thí sinh đăng ký dự thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới hình thành Liên minh các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam