Trong nỗ lực ngăn các kình địch Nga và Trung Quốc bào mòn ưu thế quân sự Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ép Indonesia không được mua chiến đấu cơ Nga và tàu chiến Trung Quốc.

Indonesia không mua vũ khí Nga vì ngán Mỹ trừng phạt

15/03/2020, 16:00

Trong nỗ lực ngăn các kình địch Nga và Trung Quốc bào mòn ưu thế quân sự Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã ép Indonesia không được mua chiến đấu cơ Nga và tàu chiến Trung Quốc.

Phi công F-16 Mỹ bay cùng phi công F-16 Indonesia - Ảnh: Không quân Mỹ

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hồi tháng 8.2017, Indonesia đã lên kế hoạch mua 11 chiếc chiến đấu cơ Sukhoi S-35 của Nga với giá 1,1 tỉ USD, đổi lại Nga mua hàng hóa như cao su, dầu cọ thô, cà phê, trà, đồ nội thất và hương liệu của Indonesia. Qua tháng 2.2018, hợp đồng được ký bởi tướng Ryamizard Ryacudu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia lúc đó.

Mỹ dọa dùng luật trừng phạt đối với chính phủ Indonesia...

Nhưng tờ báo Hồng Kông ngày 14.3 dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, gần đây chính phủ Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã quyết hủy kế hoạch mua các chiếc S-35.

Nhân vật này còn nói trong nhiều cuộc họp với các quan chức Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các quan chức Indonesia liên tục hỏi tại sao họ được khuyên chớ mua chiến đấu cơ Nga.

Các quan chức Mỹ đáp đơn giản đó là chính sách của Mỹ. Quan chức giấu tên còn cho biết phía Indonesia cũng nghi rằng Mỹ ngại chiến đấu cơ Nga sẽ có uy lực với hai láng giềng của Indonesia là Singapore và Úc.

Vì thế, các quan chức Mỹ nói phía Indonesia nên mua chiến đấu cơ F-16 Vipers của Mỹ. Nhưng Indonesia quay ra đàm phán mua kiểu F-35 trong Joint Strike Fighter (JSF), một chương trình đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu và gồm các đồng minh Anh, Ý, Hà Lan, Úc, Canada, Đan Mạch và Na Uy. Gần đây, Singapore cũng đồng ý mua F-35, trong khi Nhật Bản là khách nước ngoài mua nhiều chiếc này nhất.

Quan chức giấu tên cũng nói phía Mỹ đã làm rõ: chính phủ Indonesia có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt vì mua máy bay Nga, bằng cách vận dụng Đạo luật Chống kẻ thù nước Mỹ bằng trừng phạt (CAATSA) vốn có hiệu lực từ ngày 2.8.2017.

CAATSA cho phép trừng phạt bất kỳ quốc gia nào mua vũ khí của công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, hoặc mua sản phẩm của các công ty có có liên quan quân đội hoặc cơ quan tình báo Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các hoạt động ngoại giao của Mỹ, chỉ nói Washington kêu gọi tất cả các đồng minh và quốc gia đối tác tránh mua khí tài quân sự Nga nếu muốn tránh bị Mỹ áp lệnh trừng phạt CAATSA, và mục tiêu của chính sách Mỹ là không cho “Nga có nguồn thu nhập cần thiết để tiếp tục gieo rắc các ảnh hưởng thâm hiểm”.

Mỹ cũng đã công khai bất đồng với Thổ Nhĩ Kỳ về vũ khí Nga, nhất là khi Ankara muốn trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại của Nga. Mỹ còn gây sức ép, buộc Ấn Độ hủy hợp đồng mua S-400 với giá hơn 5 tỉ USD.

Vị quan chức giấu tên nói chính phủ Indonesia đã quyết định hủy các hợp đồng, vì các quan chức Mỹ đã nói rõ Indonesia sẽ bị trừng phạt nếu làm ăn với Nga.

Tuy nhiên, báo Bưu điện Jakarta hồi tháng 2 đưa tin các thỏa thuận vẫn bị tạm treo và chưa có quyết định hủy hay tiếp tục. Người phát ngôn Dahnil Simanjuntak của Tổng thống Widodo từ chối bình luận với SCMP hôm 14.3.

Nhưng Đại sứ Nga ở Indonesia, bà Lyudmila Vorobieva gởi tin nhắn cho SCMP, nêu ‘‘Việc Mỹ công khai ép các nước có ý mua phương tiện quốc phòng Nga không còn là bí mật. Mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng, các nước này phải không mua vũ khí Nga và thay vào đó là quay qua Washington. Dĩ nhiên đó là cuộc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm các quy định và chuẩn mực về mua bán minh bạch và hợp pháp”.

….Và Indonesia không muốn bị nguy hiểm trong quan hệ với Mỹ

SCMP nêu, nếu đúng theo nhân vật giấu tên thì các động thái này cho thấy Mỹ đạt được vài thành quả khi dùng chiêu hù dọa trừng phạt tài chính - kinh tế, để không cho các nước mua bán với trục Nga - Trung Quốc vốn đã bị chính quyền Mỹ xếp là các mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Quan chức giấu tên nói với SCMP, rằng việc chính phủ Widodo quyết hủy các hợp đồng mua vũ khí Nga - Trung vì các quan chức Indonesia kết luận: sẽ là sai lầm nếu về phe với kẻ thù của Mỹ.

Nhân vật này cho biết, Ngoại trưởng Retno Marsudi, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto quyết định ‘‘sẽ rất nguy hiểm nếu đánh mất quan hệ mua bán với Mỹ”.

Trong vài năm qua, các quan chức cấp cao trong chính phủ Widodo đã bày tỏ sự lo ngại, rằng chính quyền Trump sẽ trừng phạt Indonesia vì chuyện thặng dư mậu dịch 10,7 tỉ USD với Washington hồi năm 2018, theo dữ liệu mà hãng tin Bloomberg tổng hợp.

Dịch COVID-19 cũng đe dọa nền kinh tế Indonesia bị tổn thất nghiêm trọng, giá trị chứng khoán của Indonesia đã giảm sâu trong khi đồng rupiah của Indonesia bị mất giá nặng nhất châu Á trong 1 tháng qua.

Mỹ ép Indonesia không mua tàu tuần dương “made in China”

Nhân vật giấu tên còn nói hồi tháng 2, các quan chức Mỹ cũng ép Indonesia ngưng đàm phán với Trung Quốc để mua nhiều tàu tuần dương với số tiền 200 triệu USD.

Lời dọa của Mỹ về vụ này không rõ ràng, nhưng chính phủ Tổng thống Indonesia cũng lo ngại Mỹ có thể trừng phạt thương mại, nếu Jakarta tiếp tục thực hiện vụ mua tàu tuần dương Trung Quốc.

Vụ đàm phán mua-bán này diễn ra nhân một chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, cựu tướng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Indonesia. Ông cũng đã thăm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp.

Đối với Indonesia, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung là một vấn đề rất nhạy cảm. Dù Bắc Kinh thông qua chương trình Một Vành đai Một Con Đường (BRI) để cho các nước đang phát triển vay tiền cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết (như hải cảng, tuyến đường sắt và nhà máy điện), thì Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu, và là một thế lực chiến lược giá trị để chống lại Trung Quốc vốn đã tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Indonesia cũng đã bị chỉ trích từ việc sẵn sàng làm ăn với tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc). Cuối năm 2019, chính phủ Úc, nói hành động này của Jakarta sẽ tác động xấu đến việc chia sẻ thông tin tình báo của Úc cho Indonesia.

Gần đây, Bộ trưởng Thông tin Indonesia, ông Johnny G. Plate cho biết chính phủ không có ý định cấm Huawei cung cấp thiết bị cho mạng di động 5G của Indonesia, và sẽ chỉ có các hành động đáp ứng quyền lợi của người dân nước này.

Washington đã không đạt được như ý, khi cố gắng thuyết phục các nước không sử dụng công nghệ Huawei cho mạng di động 5G của từng nước, nhất là Anh đã mặc kệ sự thuyết phục của chính quyền Trump.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
6 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Indonesia không mua vũ khí Nga vì ngán Mỹ trừng phạt