Ngày 21.9, Nghị viện châu Âu chỉ trích Israel thiếu minh bạch trong việc bán phần mềm gián điệp nguy hiểm Pegasus cho các chính phủ châu Âu.

Israel bị tố bán phần mềm gián điệp cho các chính phủ châu Âu

Bảo Vĩnh | 22/09/2022, 15:00

Ngày 21.9, Nghị viện châu Âu chỉ trích Israel thiếu minh bạch trong việc bán phần mềm gián điệp nguy hiểm Pegasus cho các chính phủ châu Âu.

pegasus-ap.jpeg
Logo công ty NSO ở Israel - Ảnh: AP

Phần mềm Pegasus do công ty NSO Group ở Israel phát triển, có khả năng xâm nhập vào điện thoại có hệ điều hành iOS lẫn Android. Pegasus được cho là một trong những phần mềm gián điệp mạnh nhất từng được tạo ra.

Một khi Pegasus đã xâm nhập vào điện thoại di động, phần mềm này sẽ trở thành thiết bị giám sát 24 giờ. Nó có thể sao chép tin nhắn, thu thập ảnh, ghi âm cuộc gọi, quay phim người dùng điện thoại qua camera, kích hoạt micro để ghi âm và có thể xác định người dùng đang ở đâu, gặp ai.

NSO đã bỏ nhiều công sức để làm cho Pegasus ngày càng khó bị phát hiện. Rất khó phát hiện ra các trường hợp bị phần mềm này tấn công.

Các nhà nghiên cứu bảo mật nghi ngờ các phiên bản Pegasus mới nhất chỉ nằm trong bộ nhớ tạm của điện thoại chứ không nằm trong ổ cứng. Điều này có nghĩa là khi điện thoại tắt nguồn, gần như mọi dấu vết của Pegasus đều biến mất. Ngay cả những người thường xuyên bảo mật cho điện thoại cũng không thể phòng vệ trước Pegasus.

NSO tiếp thị phần mềm Pegasus là một công cụ để theo dõi tội phạm hình sự, nhưng đã phát hiện ra nhiều chính phủ trên thế giới sử dụng phần mềm này để theo dõi theo dõi các nhà báo, các chính khách đối lập và những người bất đồng chính kiến, theo AP.

Nghị viện châu Âu đang mở cuộc điều tra việc các chính phủ nào ở châu Âu sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus cùng các công cụ xâm nhập để theo dõi khác, vì đây là mối đe dọa cho nền dân chủ của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU)..

Báo cáo viên Sophie in ’t Veld của đoàn điều tra nói rằng, họ đã biết NSO bán phần mềm Pegasus cho 14 chính phủ các nước EU, sử dụng giấy phép xuất khẩu do chính phủ Israel cấp.

Đoàn điều tra cũng cho biết, NSO đã ngưng bán cho hai trong số chính phủ trên, nhưng không nêu tên chính phủ nước nào. AP nêu đó là Ba Lan và Hungary - hai chính phủ đang bị phê bình là "mất dân chủ".  

Bà In ’t Veld nói: “Tại sao chúng tôi không thể nói chắc chắn Ba Lan là một trong hai quốc gia đã hủy hợp đồng mua phần mềm này? Tại sao NSO lại được phép hoạt động ở EU, xử lý khâu tài chính thông qua Luxembourg, hiện bán sản phẩm công ty cho 12 nước mà lại là các sản phẩm được dùng để vi phạm quyền lợi của công dân châu Âu và tấn công nền dân chủ của EU? Israel, một đồng minh cần hợp tác trong việc bảo vệ công dân của chúng tôi”.

Bà In ’t Veld kỳ vọng nhiều nước châu Âu sẽ chỉ sử dụng phần mềm gián điệp trong các trường hợp hạn hữu và phải có sự giám sát chặt chẽ. Bà lên án các nước gồm Ba Lan đã sử dụng phần mềm gián điệp “để chống lại các công dân nước họ, biến nó thành một công cụ cho một thể chế chính trị độc tài”.

Trong chuyến làm việc bắt đầu từ ngày 19.9, đoàn điều tra gồm 10 thành viên của Nghị viện châu Âu đã gặp các công dân Ba Lan bị theo dõi bằng phần mềm gián điệp, gồm một công tố viên và một nghị sĩ, cùng các quan chức thành viên của đảng đối lập đang nắm thế đa số ở Thượng viện nước này.

Các nghị sĩ châu Âu cũng chỉ trích chính phủ Ba Lan từ chối gặp họ trong chuyến đến Warsaw để tìm hiểu vấn đề. Chuyến công tác này đã kết thúc vào ngày 21.9.

Trưởng đoàn điều tra Jeroen Lenaers nói tại cuộc họp báo: “Đó là điều đáng tiếc. Chúng tôi lên án việc chính quyền Ba Lan không muốn hợp tác với đoàn điều tra. Chúng tôi cũng nghĩ đó là dấu hiệu chính phủ này hoàn toàn không xem trọng việc kiểm soát và cân bằng, giám sát dân chủ và đối thoại với các đại diện dân cử”.

Đoàn điều tra sẽ chính thức công bố các phát hiện và các khuyến nghị vào ngày 8.11 tới.

Tại châu Âu, dấu vết của Pegasus đã được tìm thấy cùng với các phần mềm gián điệp khác ở Ba Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Hungary.

Hy Lạp hồi năm ngoái đã gây xôn xao khi chính phủ này dùng phần mềm gián điệp Predator để theo dõi ông Nikos Androulakis, một thành viên Nghị viện châu Âu, khi ông đang tranh chức chủ tịch PAKOS, một đảng lớn thứ ba ở Hy Lạp. Một nhà báo chuyên về mảng tài chính cũng bị theo dõi bằng phần mềm gián điệp.

Vụ việc này tiếp sau những phát hiện phần mềm gián điệp đã được sử dụng nhằm chống lại các đảng đối lập ở Ba Lan, Hungary và phong trào Catalan ly khai ở Tây Ban Nha.

Bài liên quan
iPhone bị hack khắp nơi, người phụ nữ giúp lật tẩy hãng phần mềm gián điệp tinh vi hàng đầu
Nhà hoạt động Loujain al-Hathloul đã giúp lật ngược tình thế chống lại NSO Group.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
41 phút trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Israel bị tố bán phần mềm gián điệp cho các chính phủ châu Âu