Ở Hà Nội hoặc TP.HCM, thời gian nào trong năm là lúc người dân ở đây được nhẹ nhàng khinh khoái nhất, không lo gì đến nạn kẹt xe, tắc đường? Đó là thời gian nghỉ tết và mấy tháng nghỉ hè…
Đó chắc chắn là thời gian “đáng sống” nhất của người dân các đô thị trung tâm cả nước này. Những ngày ấy được thư thả đi lại, không còn cảnh chìm trong hỗn độn nhốn nháo căng thẳng bực bội giữa những dòng xe cộ dài bất tận.
Nói đến những ngày "hạnh phúc" ấy là để đề cập đến nguyên nhân của nạn quá tải, ùn tắc cuộc sống ở hai đô thị này. Sự tắc nghẽn của những dòng xe cộ cũng chính là biểu hiện của sự ùn tắc, tắc nghẽn về giáo dục, y tế, việc làm, vui chơi giải trí, là sự tắc nghẽn của một thói quen tư duy.
Thật vậy, dù không có câu ngạn ngữ “mọi con đường đều dẫn tới Roma” như nước Ý, nhưng mọi con đường của các khu đô thị lớn nước ta đều quy về khu trung tâm. Như ở TP.HCM, học hành, chữa bệnh, đi làm, đi chơi, tất tần tật đều “tiến về Sài Gòn”.
Ở đâu có những trường học tốt nhất, bệnh viện tốt nhất, việc làm tốt nhất, khu vui chơi giải trí, khu trung tâm thương mại sầm uất nhất? Khu trung tâm. Ở đâu có phố đi bộ, có đường hoa đẹp nhất trong những dịp lễ tết? Khu trung tâm. Ở đâu có nhà cửa, lâu đài, dinh thự, khách sạn, nhà hàng xa hoa lộng lẫy nhất, có giá đất cao ngất ngưởng? Khu trung tâm.
Chính sự dồn tụ, cô nén lại của cuộc sống ở các trung tâm đô thị là nguyên nhân dẫn đến kẹt xe tắc đường. Đây chính là hệ quả của tư duy “duy trung tâm” trong hầu như toàn bộ những lĩnh vực của cuộc sống.
Hãy lấy giáo dục làm ví dụ điển hình. Câu hỏi được đặt ra là nếu như chất lượng giáo dục được san đều nhau ở mọi khu vực, mọi địa phương, thì có chăng cảnh các phụ huynh hằng ngày cứ phải nháo nhào đi đưa đón con cái đi học ở các trường xa xôi thay vì có thể cho con đi bộ hay đi xe buýt học đường đến các trường gần nhà?
Ở các cấp bậc phổ thông, ngành giáo dục nhiều nước phát triển chưa cảm thấy có nhu cầu phân hóa “đẳng cấp” giữa các trường. Họ không sớm tạo sự bất bình đẳng giữa các trẻ em bằng các trường chuyên lớp chọn, trường tốp đầu tốp cuối… như ở nước ta. Với các nước ấy, sự phân hóa này chỉ có thể xảy ra ở cấp đại học.
Kết quả là học sinh mọi miền ở các nước ấy đều được hưởng thụ một nền giáo dục với chất lượng gần như nhau. Điều này cũng sẽ giúp cho các phụ huynh chẳng phải mất công mất việc đưa đón con cái đi học hằng ngày, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc cho cái công việc rất ư là phiền toái này. Điều đó chắc chắn giúp giảm đi một lượng xe rất đáng kể lưu thông trong những giờ cao điểm như ở nước ta.
Ở nước ta, học trò cấp 1, cấp 2 cũng được phân nhận vào trường theo tuyến, nhưng điều này dường như chỉ tạo ra cho xã hội một cụm từ mới: “chạy trường”. Rất nhiều trường hợp cư dân của hai bên sông thôi mà sáng đã có người đưa con qua bên này sông đi học, trong khi người kia lại đưa con theo hướng ngược lại dù cả hai bên đều có đầy đủ các cấp trường.
Tư duy trung tâm trong điều hành xã hội ở nước ta không chỉ thể hiện ở trong phạm vi một thành phố mà còn thể hiện cả ở những khu vực rộng lớn hơn. Ai cũng biết được rằng mỗi năm có đến hàng chục, hàng trăm ngàn sinh viên của các tỉnh kéo về Hà Nội hay TP.HCM để học. Rất nhiều ca cấp cứu hay bệnh ngặt nghèo phải lên xe vượt hàng trăm cây số từ các tỉnh về Hà Nội hay TP.HCM để được cứu chữa, trong khi việc cấp cứu lẽ ra phải được tính bằng giây, bằng phút.
Quy hoạch đô thị ở các nước phát triển đã theo xu hướng “giải trung tâm” từ lâu rồi. Như thủ đô Paris của Pháp, người ta không chỉ chú trọng phát triển khu trung tâm mà tỏa ra phát triển đồng đều 8 khu trung tâm vệ tinh nội ô và 60 khu trung tâm khác tại các khu vực ven đô. Tất cả những trung tâm này đều phát triển khá đồng đều về kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Nước ta thì xu hướng lại đang phát triển các “siêu trung tâm” như các trung tâm hành chính - những thành phố nhỏ lộng lẫy xa hoa trong lòng các khu trung tâm. Điển hình nhất là khu trung tâm hành chính Đà Nẵng, một tòa nhà chọc trời hoành tráng nhưng sau khi đưa vào hoạt động mới chỉ vài ba năm đã bộc lộ những khiếm khuyết về thiết kế lẫn tính thuận tiện cho việc giao thông đi lại của mọi người.
Các biện pháp giảm kẹt xe, ùn tắc hiện nay dường như chỉ là những biện pháp tạm thời, không căn cơ, lâu dài. Như đề án xe buýt nhanh BRT của Hà Nội thực chất chỉ là một biện pháp “giật gấu vá vai”. Việc lấy làn đường chung để ưu tiên cho xe buýt chắc chắn sẽ gây ra tình trạng ùn tắc nặng nề thêm trên những tuyến dành riêng này như thực tế đang cho thấy.
Biện pháp lệch ca, lệch giờ của TP.HCM có vẻ cũng khó khả thi bởi nó sẽ gây xáo trộn giữa giờ đi làm của phụ huynh và giờ đưa đón con em của họ. Thực chất thì việc chênh lệch chỉ 15 phút hay nửa giờ của các ca làm, giờ học cũng khó có khả năng làm giảm lưu lượng giao thông trên đường trong giờ cao điểm, còn nếu việc lệch ca lệch giờ giãn ra ở mức độ lâu hơn sẽ gây xáo trộn hoạt động kinh doanh sản xuất, đi lại học hành của người dân.
“Giải trung tâm”, như tư duy hậu hiện đại, có lẽ mới là biện pháp căn cơ giải quyết được nạn ùn tắc, kẹt xe, vốn là một nỗi ám ảnh thường trực của những người dân đô thị…
Đoàn Đạt