Gia đình ông Nguyễn Đức Chung đã nộp 25 tỉ đồng khắc phục toàn bộ thiệt hại vụ mua chế phẩm Redoxy-3C và ông Chung đã nhận lỗi trong vụ án này. Điều này có thể mở ra cơ hội giảm án cho ông Nguyễn Đức Chung.

Khắc phục thiệt hại, cơ hội giảm án của ông Nguyễn Đức Chung thế nào?

Lam Thanh | 22/06/2022, 12:26

Gia đình ông Nguyễn Đức Chung đã nộp 25 tỉ đồng khắc phục toàn bộ thiệt hại vụ mua chế phẩm Redoxy-3C và ông Chung đã nhận lỗi trong vụ án này. Điều này có thể mở ra cơ hội giảm án cho ông Nguyễn Đức Chung.

Chiều 21.6, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa thông báo bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Đức Chung) đã nộp thay ông Nguyễn Đức Chung 15 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Trước đó, chị gái của ông Chung cũng đã nộp 10 tỉ đồng để giúp em trai khắc phục hậu quả.

Theo ông Chung, trên cơ sở gặp gỡ trực tiếp chị gái và vợ, gia đình đã tích cực nộp lại số tiền bồi thường như tòa sơ thẩm tuyên buộc.

Trong phần tranh luận, ông Chung thừa nhận trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời chịu trách nhiệm khi dự án này chưa được hoàn thành. Với những gì mà ông tìm hiểu, chế phẩm này rất tốt cho môi trường, chi phí áp dụng chỉ bằng 1.5 so với xây dựng nhà máy; vì thế ông Chung mong hội đồng xét xử xem xét nội dung này.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội chia sẻ, theo nội dung bản giải trình 100 trang của ông Nguyễn Đức Chung và nội dung trình bày tại phiên tòa thì ông Chung không thừa nhận hành vi phạm tội, đồng thời cũng không thừa nhận nghĩa vụ bồi thường thiệt hại như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên, Ông Chung kháng cáo đề nghị tòa án đình chỉ vụ án.

chung.jpg
Ông Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa

Như vậy, nếu ông Chung không thay đổi nội dung kháng cáo, vẫn kêu oan thì về nguyên tắc thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét về việc ông Chung có bị oan hay không chứ không xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trường hợp chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Chung thì có thể tòa án sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc tuyên bố bị cáo không phạm tội. Còn trường hợp không chấp nhận nội dung kháng cáo kêu oan thì tòa án có thể giữ nguyên bản án sơ thẩm.

“Thông thường thì trường hợp bị cáo thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả ở cấp phúc thẩm thì tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Lý do là có tình tiết mới là bị cáo đã ăn năn về hành vi của mình nên không cần phải có một mức hình phạt nghiêm khắc như ở cấp sơ thẩm, rút ngắn thời hạn chấp hành hình phạt tù cũng đủ để cải tạo, giáo dục bị cáo”, ông Cường nói.

Còn trường hợp bị cáo không nhận tội, không ăn năn hối cải, không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, cũng không động viên gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả thì tại cấp phúc thẩm không có tình tiết mới, trường hợp tòa án cấp phúc thẩm xác định bị cáo phạm tội thì có thể sẽ giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Cũng theo ông Cường, theo quy định tại khoản 1, Điều 51 bộ luật hình sự thì bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.

“Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho thấy bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, có ý thức làm giảm bớt những thiệt hại đã gây ra đối với xã hội bởi vậy theo quy định của pháp luật đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự”, ông Cường nói.

Trong vụ án này, đại diện viện kiểm sát cho rằng tại cấp phúc thẩm có một số tình tiết mới nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, xét tính chất nghiêm trọng của vụ án lên đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa án giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm. Tuy nhiên sau đó, ông Chung đã thay đổi thái độ, nhận trách nhiệm và động viên gia đình bồi thường khắc phục hậu quả và nộp đủ số tiền 25 tỉ đồng.

Đây là tình tiết mới quan trọng thể hiện thái độ thành khẩn khai báo và tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bởi vậy Viện kiểm sát đã thay đổi nội dung đề nghị, đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo.

Theo quy định của pháp luật thì việc có sửa bản án sơ thẩm hay giữ nguyên bản án sơ thẩm là thẩm quyền của hội đồng xét xử. Qua diễn biến phiên tòa, đến nay thì cả viện kiểm sát và người bào chữa cho các bị cáo đều đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Đồng thời thái độ khai báo của bị cáo cũng có những thay đổi, có thêm tình tiết mới là bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả.

“Việc xem xét có chấp nhận hay không được thực hiện trong quá trình nghị án, hội đồng xét xử sẽ biểu quyết theo đa số. Tuy nhiên quan điểm cá nhân tôi cho rằng với diễn biến phiên tòa như vậy thì việc giảm hình phạt cho bị cáo là có căn cứ, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật. Đồng thời nếu giảm hình phạt thì cũng đủ để cải tạo giáo dục bị cáo chứ không thích nhất thiết phải có mức hình phạt nghiêm khắc như bản án sơ thẩm đã tuyên”, ông Cường nêu.

chung-2.jpeg
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp

Ông Cường cho hay, thực tiễn cho thấy, trong các vụ án hình sự mà bị cáo không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không nhận thức được hành vi phạm tội của mình và cũng không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì dù người thân trong gia đình có bồi thường khắc phục thay thì kết quả giải quyết vụ án cũng rất khó có thể thay đổi.

Ngoài ra, có những vụ án mặc dù cấp phúc thẩm có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng xét thấy tính chất của vụ án và đặc biệt nghiêm trọng thì tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.

Theo quy định của pháp luật thì có nhiều yếu tố tác động đến hình phạt trong đó có yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi. Và hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo có tội. Bởi vậy trường hợp bị cáo không nhận tội và toà án không đủ căn cứ kết tội thì có thể sẽ tuyên bố bị cáo không phạm tội và không đặt ra vấn đề hình phạt.

Theo đó, tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét, đánh giá các chứng cứ buộc tội cũng như chứng cứ gỡ tội để xác định bị cáo có phạm tội hay không, việc kết tội của tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ hay không.

Trường hợp hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định việc kết tội bị cáo là có căn cứ thì sẽ xem xét đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt cho phù hợp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
23 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục thiệt hại, cơ hội giảm án của ông Nguyễn Đức Chung thế nào?