Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, sáng nay 9.10, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở một số nội dung quan trọng để Trung ương thảo luận, xem xét, quyết định.
Xác định mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng năm 2017
Về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, Tổng bí thư chỉ rõ năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 12của Đảng, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức. Toàn hệ thống chính trị đã tích cực kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và bình tĩnh, tỉnh táo xử lý kịp thời, đúng đắn những vấn đề mới phát sinh do tác động bất lợi của tình hình không thuận như kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường; giá dầu thô giảm mạnh, duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với dự kiến kế hoạch, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước và sự phát triển của ngành dầu khí; tình trạng khô hạn kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét đậm, rét hại, bão lụt ở một số tỉnh phía bắc, sự cố môi trường nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển nông nghiệp, đời sống của nông dân.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương bám sát các báo cáo, tờ trình của Bộ Chính trị và thực tế tình hình ở các ngành, lĩnh vực, địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện sự phát triển kinh tế-xã hội chín tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2016.
Trên cơ sở đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, nắm bắt thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức để xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2017 và đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp có tính khả thi cao; đặc biệt chú trọng các chính sách, biện pháp đột phá để kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công và hệ thống các ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới.
Tờ trình và Đề án trình Hội nghị Trung ương lần này đã đánh giá khái quát tình hình đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam những năm qua, chỉ ra bảy kết quả, sáu hạn chế, yếu kém, ba nguyên nhân chủ yếu và năm bài học kinh nghiệm; từ đó đề xuất những quan điểm và định hướng một số chủ trương, chính sách lớn tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới. Tổng bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận thật kỹ, cho ý kiến sát thực đối với từng vấn đề, chú ý những vấn đề lớn, vấn đề mới và khó, nhất là những đề xuất đổi mới quan trọng.
Về quan điểm, định hướng chủ trương, chính sách lớn, Tổng bí thư đề nghị Trung ương bám sát Nghị quyết và các Văn kiện Đại hội 12để thảo luận, cụ thể hóa, bổ sung phát triển nhằm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội; xác định rõ mô hình tăng trưởng cần phấn đấu xây dựng với những đổi mới so với mô hình tăng trưởng hiện nay; lộ trình, bước đi trong 5-10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030; các chủ trương, chính sách, biện pháp phát huy vai trò của khoa học-công nghệ, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng lao động, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân; chủ trương về tích tụ, tập trung quyền sử dụng đất nông nghiệp; chính sách, biện pháp xử lý căn bản hơn vấn đề nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém...
Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế
Về thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng bí thư nêu rõ những năm gần đây, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về chiều rộng và chiều sâu thông qua việc ký kết, thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm những thoả thuận không chỉ về tự do hóa thương mại và đầu tư mà còn gồm cả các cam kết về lao động, công đoàn, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và nhiều vấn đề về chính trị, văn hóa, xã hội rất phức tạp và nhạy cảm khác.
Việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015, triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á-Âu, đặc biệt là việc ký kết và chuẩn bị phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với EU đã và sẽ mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới, không chỉ về kinh tế mà còn cả về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương đánh giá toàn diện, khách quan bối cảnh, tình hình; nhận định chính xác những cơ hội và thách thức đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong 5-10 năm tới. Trong quá trình này, cần bám sát Nghị quyết Đại hội 12của Đảng về hội nhập quốc tế, tình hình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, để xem xét, ban hành một nghị quyết chuyên đề của Trung ương về hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với tình hình đất nước, khu vực và thế giới.
Tổng bí thư chỉ rõ cần tập trung làm rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo sắp tới là gì; xác định cụ thể, rõ ràng những chính sách, biện pháp ngăn chặn, xử lý những thách thức, tác động tiêu cực từ việc thực hiện các cam kết quốc tế mới có thể xảy ra, đặc biệt là những thách thức, tác động tiêu cực đối với nông nghiệp và nông dân, với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi mở cửa thị trường, đưa thuế suất nhập khẩu hầu hết các mặt hàng về bằng không; đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị-xã hội khi thực hiện các cam kết về lao động-công đoàn, tự do hóa thị trường dịch vụ, trong đó có thị trường dịch vụ tài chính-tiền tệ, dịch vụ viễn thông, Internet và các mạng xã hội...
Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tổng bí thư khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ. Đại hội 12của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội 12, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định, hội nghị lần này cần thảo luận, ra Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ." Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cơ bản, vừa cấp bách.
Tại các Đại hội 8, 9, 10 và 11, Đảng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội 12của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11về xây dựng Đảng, với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Tổng bí thư đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích làm rõ, mổ xẻ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu.
Tổng bí thư nhấn mạnh những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là những vấn đề rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 12của Đảng, bao gồm cả việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội và việc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tổng bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án, dự thảo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 15.10.