Những chuyến kiểm tra đột xuất của thủ tướng phần nào cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc kiểm soát ATTP. Đó là điều đáng ghi nhận. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, có vẻ như cách thức xử lý vấn đề của các cơ quan chức năng của Việt Nam về vấn đề này vẫn đang lấy tư duy “xây nhà từ nóc” làm chủ đạo.

Kiểm soát an toàn thực phẩm: phải chăng chúng ta đang xây nhà từ nóc?

Nhàn Đàm | 09/10/2016, 10:29

Những chuyến kiểm tra đột xuất của thủ tướng phần nào cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc kiểm soát ATTP. Đó là điều đáng ghi nhận. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, có vẻ như cách thức xử lý vấn đề của các cơ quan chức năng của Việt Nam về vấn đề này vẫn đang lấy tư duy “xây nhà từ nóc” làm chủ đạo.

Một trong những chủ đề nóng nhất trong xã hội ở thời điểm hiện tại là câu chuyện thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Khi người đứng đầu chính phủ là thủ tướng đã có không dưới 2 lần kiểm tra thị sát đột xuất tại các chợ buôn bán thực phẩm đầu mối hay các siêu thị và những cửa hàng bán đồ ăn bình dân trong một thời gian ngắn vừa qua, thì có lẽ ai cũng nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề.

Một xã hội sẽ không thể ổn định và phát triển nếu như vấn đề nền tảng thiết yếu hàng đầu như an toàn thực phẩm (ATTP) không được đảm bảo. Những chuyến kiểm tra của thủ tướng phần nào đang cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc kiểm soát ATTP trong cả nền kinh tế và xã hội. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, có vẻ như cách thức xử lý vấn đề của các cơ quan chức năng của Việt Nam vẫn đang lấy tư duy “xây nhà từ nóc” làm chủ đạo.

Không quá khó để nhận ra những trường hợp điển hình của lối tư duy có phần ngược đời này trong cách thức xử lý vấn đề kiểm soát ATTP của nhiều bộ ngành hiện nay. Một sự kiện mới nhất, được khá nhiều người nhắc đến trong vài ngày gần đây là việc 15 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia ký kết cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về ATTP, công khai minh bạch thông tin về sản phẩm và thực hiện cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cộng đồng (theo The Saigon Times).

Trong số các doanh nghiệp tham gia, có không ít những tên tuổi lớn đang có tham vọng mở rộng mức độ đầu tư vào nông nghiệp,như tập đoàn TH, Vingroup, BigGreen Vinafood1,… Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám, thì việc ký cam kết chỉ là bước khởi đầu và mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng đến nhiều doanh nghiệp và tập đoàn khác.

Cũng cùng cách thức này, hồi tháng Năm khi vấn đề ATTP trở thành chủ đề nóng trong xã hội đến mức các bộ trưởng cũng bị chất vấn ở Quốc hội về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố 69 điểm bán nông sản an toàn trên cả nước như giải pháp giải quyết tình hình (theo Cafebiz).

Có thể thấy, việc cùng với 15 doanh nghiệp lớn ký cam kết cung cấp thực phẩm an toàn vừa qua là bước đi tiếp theo nhằm giải quyết triệt để tình trạng thực phẩm không an toàn hiện nay, theo hướng thúc đẩy số lượng các cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm an toàn trên khắp cả nước được kiểm soát chất lượng một cách chặt chẽ. Làm nông nghiệp sạch dựa trên nền tảng là các doanh nghiệp sản xuất nông sản chân chính và chất lượng cao, là một cách thức đang khá phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới.

Nhưng ở Việt Nam thì không hẳn như vậy. Phần lớn các loại nông sản tiêu thụ trên thị trường hiện nay được cung cấp bởi những ngườisản xuất nuôi trồng nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, còn số lượng thực phẩm được cung cấp bởi các doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ. 69 điểm bán nông sản an toàn trên khắp cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố về cơ bản chỉ giải quyết được một nhu cầu tiêu thụ rất nhỏ của thị trường mà thôi. Đó là chưa kể đến việc chất lượng và mức độ an toàn thực sự của nông sản tại các điểm bán đó trên thực tế ra sao.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội về tình trạng phân phối và tiêu thụ nông sản, cụ thể là các loại rau, thì hiện chỉ có khoảng 5% rau an toàn được phân phối ở các siêu thị, trong khi 92% rau được xếp vào diện an toàn thì lại không có tem nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc khi phân phối và tiêu thụ tại các chợ đầu mối (theo CafeF).

Nói cách khác, về lý thuyết thì giải pháp căn bản để giải quyết tận gốc vấn đề thực phẩm không an toàn trong xã hội hiện nay là kiểm soát ATTP với những ngườisản xuất nuôi trồng nhỏ lẻ vốn chiếm phần lớn nguồn cung nông sản ra thị trường, chứ không phải là các doanh nghiệp vốn có thị phần khá hạn chế.

Về lâu dài, xu hướng của thế giới trong việc kiểm soát ATTP đúng là dựa trên việc kiểm soát tại các doanh nghiệp sản xuất nông sản. Nhưng ở Việt Nam nơi số lượng doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp chỉ chiếm 1% và số lượng doanh nghiệp sản xuất nông sản còn ít hơn nữa, đồng nghĩa với việc nguồn cung nông sản an toàn ra thị trường còn rất khiêm tốn, thì giải pháp này không mang ý nghĩa giải quyết tận gốc vấn đề.

Liệu có bao nhiêu phần trăm người dân tiếp cận được với nông sản an toàn tại vỏn vẹn 69 điểm bán trên toàn quốc mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố, và liệu 15 doanh nghiệp vừa ký cam kết cung cấp nông sản an toàn sẽ cung cấp được bao nhiêu phần trăm nhu cầu thực phẩm an toàn của toàn xã hội, nhất là trong bối cảnh các quy định ngặt nghèo về giới hạn diện tích canh tác khiến cho các doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô sản xuất nông sản sạch để cung cấp cho thị trường?

Rõ ràng là với cách làm theo kiểu “xây nhà từ nóc” này, thì người dân Việt Nam vẫn sẽ phải chờ đợi rất lâu nữa mới đến lúc số lượng doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch trong nền kinh tế đủ lớn để có thể cung ứng thực phẩm an toàn cho toàn bộ thị trường.

Trong lúc chờ đợi, thì chúng ta đành phải chịu khó dùng tạm thực phẩm không đảm bảo vậy, vì hiện tại thì việc kiểm soát chất lượng thực phẩm từ các hộ nuôi trồng cá thể dường như là điều màcác bộ ngành khó có thể thực hiện ngay được.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khu công nghiệp phát triển bền vững: Chặng đường còn xa
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Một khảo sát mới đây chỉ ra có tới 50% khu công nghiệp (KCN) chưa nghe đến khái niệm KCN phát triển bền vững, 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp (DN) về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm soát an toàn thực phẩm: phải chăng chúng ta đang xây nhà từ nóc?