Băng qua vườn vú sữa xum xuê, giữa khu vườn vắng lặng, bất chợt một khu mộ cổ bề thế, nguy nga hiện ra. Khu mộ xây cất tinh xảo, kỳ công, nằm trong khuôn viên 1.000m2 đất.

Khám phá khu mộ cổ nguy nga tại Tây Đô

16/11/2017, 15:04

Băng qua vườn vú sữa xum xuê, giữa khu vườn vắng lặng, bất chợt một khu mộ cổ bề thế, nguy nga hiện ra. Khu mộ xây cất tinh xảo, kỳ công, nằm trong khuôn viên 1.000m2 đất.

Khu mộ cổ - Ảnh: Thanh Hồ

Khu mộ nằm trong vườn nhà ông Trần Thanh Hùng (ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ). Băng qua mấy bờ vườn vù sữa, rẽ trái, là hiện ra khu mộ cổ xây dựng kiên cố, trông rất trang nghiêm và đầy vẻ uy phong. Ngay lối vào là 2 cánh cửa bằng thép dày, cao quá đầu người. Điều lạ là cửa được thiết kế không hàn dính với nhau như những cánh cổng thời nay, mà có các thanh mộng sắt ghép vào, kết dính các thanh sắt như đóng đinh. Lối vào có nhiều bậc thang…

Cả khu mộ được thiết kế như những tòa cung điện nho nhỏ, rất công phu, tinh xảo, đầy hoa văn chạm khắc tinh tế, cả phía trên trần. Mộ của ông Ban Tế (Trần Đại) nằm ở giữa, lớn nhất, có cả móc treo đèn trên trần, chứng tỏ thời xưa chủ nhân đã là người giàu có và sử dụng máy phát điện. Còn mộ bà vợ lớn nằm bên tay phải, bà nhỏ nằm bên trái, trong hậu cung riêng của từng bà. Tất cả các bia mộ đặt phía trên đầu mộ đều được làm bằng đá cẩm thạch.

Mỗi ngôi mộ được thiết kế thành “dinh cơ” riêng, nằm cách nhau vài mét. - Ảnh: Thanh Hồ

Điều đáng ngạc nhiên theo người dân địa phương là những hoa văn được vẽ sắc nét dưới lớp vôi bên ngoài. Qua thời gian, lớp vôi bên ngoài bong rữa, các hoa văn mới lộ ra, như sắp đặt từ trước của người thiết kế. Có thể đoán, các thợ xây đã vẽ hoa văn trước, sau đó mới tô vôi lên, để khi nào lớp vôi bên ngoài bong tróc, các hoa văn đầy màu sắc mới lộ ra.

Hoa văn lộ ra sau khi lớp vôi bong tróc - Ảnh: Thanh Hồ

Ông Trần Thanh Hùng là thế hệ thứ 5 trong gia tộc, đang chăm sóc khu mộ này. Ông khẳng định cả khu mộ chỉ mới thay gạch ở ngôi mộ của “bà nhỏ”, vì dột nước, bong tróc. Còn lại đều nguyên trạng. “Nhiều chỗ trên ngôi mộ đã bị hư hao nhưng tôi không muốn sửa, sẽ làm mất giá trị mà ông bà để lại. Tôi sẽ giữ gìn và bảo tồn để con cháu sau này lớn lên, nhìn ngôi mộ mà biết đến nguồn gốc của mình”, ông Hùng nói.

Một trong những lý do mà ông Hùng không dám tu sửa khu mộ là các hoa văn, bờ tường, cột… đều chạm khắc và xây rất tinh xảo, thợ thời nay rớ vào là xem như hỏng - Ảnh: Thanh Hồ

Theo lời ông Hùng, khu mộ này hình thành vào khoảng năm 1842. Bấy giờ, ông Ban Tế là một trong những người giàu nhất vùng Tây Đô (Cần Thơ hiện nay) thời thuộc địa Pháp. Khi vợ chồng ông vừa từ Trung Quốc di cư sang, ông sắm chiếc ghe, chạy dọc theo các nhánh sông để buôn bán trà, thuốc, cốm…Trong nhóm người Trung Quốc sang Tây Đô thời ấy, ông được bầu là Trưởng bang, nên dần dà người ta gọi ông là ông Ban Tế.

Sau một thời gian buôn bán, kiếm được nhiều tiền, ông xây nhà và mua hàng ngàn héc ta đất để trồng trọt. Vùng Kiên Giang, Ô Môn… cũng có đất của ông. Ông trở thành người giàu có nhất vùng. Mới đây, người dì của ông Hùng bất ngờ tìm được một bức ảnh về dinh thự ngày xưa của ông Ban Tế. Dù ảnh rất mờ, nhưng có thể nhận thấy đây là khu dinh thự rất lớn.

Ngôi dinh thự của ông Ban Tế qua ảnh tư liệu - Ảnh: Thanh Hồ

Theo ông Hùng, người vợ đầu của ông Ban Tế không có con trai. Thương chồng, muốn có người nối dõi tông đường, nên bà đích thân lựa chọn và cưới về cho ông một cô gái địa phương làm vợ nhỏ. Ông Hùng kể: “Tôi nghe ông bà kể lại, ngày xưa ông Tổ có 8 người con với người vợ sau. Còn người vợ trước tôi không rõ. Các con của ông có người con thứ 7 sau này học bên Pháp, và về xây khu mộ với kiến trúc Pháp”.

Ảnh ông Ban Tế và bà vợ nhỏ - Ảnh: Thanh Hồ

Theo ông Hùng, ông Ban Tế giàu có, hay làm việc thiện, còn đóng góp tiền xây dựng Bệnh viện CầnThơ. Bệnh viện này được xây tại Cần Thơ vào năm 1885, sau này được đập và xây mới thành Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ (hiện nay). Tuy nhiên, chi tiết này chưa được kiểm chứng, mà chỉ qua lời ông Hùng: “Khi một số người Trung Quốc đến thăm khu mộ, họ đọc những dòng chữ Tàu ghi trên bia mộ của ông Ban Tế và nói rằng có ghi chi tiết ông đóng góp tiền xây bệnh viện. Tôi nghe vậy”.

Các bia mộ cổ trong khu này đều được khắc chữ Hán - Ảnh: Thanh Hồ

Theo ông Hùng, chưa từng có nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử nào tìm đến đây. Trong khi cùng thời, thì ngôi nhà cổ ở Bình Thủy của dòng họ Dương xây vào năm 1870, (tại Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) hiện rất nổi tiếng…

Ngôi mộ ông Ban Tế - Ảnh: Thanh Hồ

Hiện ngôi mộ cổ vẫn được gia đình ông Hùng gìn giữ, bảo tồn. Và ông rất mong cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét và giúp ông bảo tồn khu mộ. Nói với phóng viên, lãnh đạo Đảng ủy xã Tân Thới cho biết cũng xác nhận… chỉ mới nghe về khu mộ cổ này.

Thanh Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá khu mộ cổ nguy nga tại Tây Đô