Việt Nam hiện có 3,2 triệu xe ôtô đang lưu hành. Với dân số 95 triệu người, đó là một đất nước có tỷ lệ sở hữu xe còn rất thấp (ấy là nước ta lại còn quá nhiều xe công) so với các nước trong khu vực. Vì thế, khát vọng về một tương lai của người dân Việt Nam được sở hữu chiếc xe ô tô cho riêng mình cũng là chính đáng và việc tự sản xuất xe cũng là nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, với lòng tự hào dân tộc và của một quốc gia có gần trăm triệu dân, chắc chắc rằng ai cũng mong muốn một ngày nào đó chúng ta sẽ có chiếc "o to made in Viet Nam". Nó đích thực phải là thương hiệu Việt Nam và mang trí tuệ của người Việt! Điều đó cũng không có gì quá cao sang.

Khát vọng ô tô thương hiệu Việt của tỉ phú đô la đi lên từ mì ăn liền

03/04/2018, 16:58

Việt Nam hiện có 3,2 triệu xe ôtô đang lưu hành. Với dân số 95 triệu người, đó là một đất nước có tỷ lệ sở hữu xe còn rất thấp (ấy là nước ta lại còn quá nhiều xe công) so với các nước trong khu vực. Vì thế, khát vọng về một tương lai của người dân Việt Nam được sở hữu chiếc xe ô tô cho riêng mình cũng là chính đáng và việc tự sản xuất xe cũng là nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, với lòng tự hào dân tộc và của một quốc gia có gần trăm triệu dân, chắc chắc rằng ai cũng mong muốn một ngày nào đó chúng ta sẽ có chiếc "o to made in Viet Nam". Nó đích thực phải là thương hiệu Việt Nam và mang trí tuệ của người Việt! Điều đó cũng không có gì quá cao sang.

Ai cũng mong muốn một ngày nào đó chúng ta sẽ có chiếc o to made in Viet Nam - Ảnh: VG

Xe ô tô thương hiệu Việt đích thực, niềm khát vọng chính đáng của người Việt Nam!

Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia vừa mới được công bố tại một hội thảo ở Hà Nội, nhu cầu về ôtô của người Việt Nam đang ngày càng tăng, nhất là tại các thành phố lớn, nơi mà hiện giờ tỷ lệ tăng trưởng ôtô đã vượt qua cả xe máy (tỷ lệ tăng trưởng của xe máy trên cả nước hiện là 7,3% và ôtô là 6,5%). Trong khi đó, đối với những đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, mức tăng trưởng của xe máy là 10%, còn ôtô thì còn lên tới 15%.

Việt Nam hiện có 49 triệu xe máy và khoảng 3,2 triệu ôtô đang lưu hành. Xét trên quy mô dân số 95 triệu người, tỷ lệ sở hữu xe máy là 516 xe/1.000 dân, ôtô là 33 xe/1.000 dân (Mỹ hiện là 789 xe/1.000 dân).

Theo nghiên cứu của Solidiance, một công ty tư vấn chiến lược hàng đầu của châu Á thì giai đoạn 2017-2020, thị trường ôtô tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 13%. Nhiều khả năng lượng ôtô bán ra dự kiến chạm mức 225.000 xe vào năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế và môi trường thương mại tự do hóa khiến Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường ôtô tăng trưởng nóng. Việt Nam hiện có nhóm người giàu (thu nhập trên 1.000 USD/tháng) tăng 15% mỗi năm.

Chúng ta cần lưu ý, do chính sách thuế từ năm 2018 trở đi có nhiều thay đổi do người tiêu dùng chờ đợi thuế nhập khẩu nội khối Asean về 0% từ 2018 nên sức mua có khựng lại. Nếu không có chuyện này, sức mua năm 2017 tôi nghĩ nó vẫn theo xu hướng nhích dần như nhiều năm gần đây.

Tập đoàn Vingroup trong bước đi chiến lược của mình mà họ đã hoạch định, đó là đến tháng 9.2019 sẽ cho ra đời chiếc xe ô tô du lịch đầu tiên mang thương hiệu Vinfast. Đó quả là một niềm tự hào của người Việt nhờ chủ trương rất táo bạo và quyết liệt của ông chủ Phạm Nhật Vượng, người vừa lọt vào Top 300 tỷ phú giàu nhất thế giới do Forbes bình chọn...

Tôi nghĩ rằng, họ cũng đã phải lường trước tính khốc liệt trong quá trình cạnh tranh và sức tiêu thụ ô tô con khi mà thuế nhập khẩu ô tô về Việt Nam cũng như nhiều sản phẩm khác đã về 0%. Vậy thì giá thành của xe Vinfast đương nhiên nếu không hợp lý sẽ rất khó bán tại thị trường trong nước. Đó cũng là điều dễ hiểu với các thương hiệu khi mới ra mắt thị trường.

Tháng 3.2018, Công ty VinFast đã công bố kế hoạch sản xuất ô tô điện. Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho hay, để sản xuất tô điện, Vinfast đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu thiết kế đến công nghệ sản xuất.

Theo tôi tìm hiểu thì trước tiên là họ thuê những studio danh tiếng thế giới thiết kế mẫu mã, sau đó hợp tác với các đối tác uy tín để phát triển xe.

Đến nay, Vinfast đã hoàn tất hợp đồng mua sắm 4 dây chuyền gồm: dây chuyền dập chi tiết thân xe, dây chuyền sản xuất động cơ, dây chuyền sơn, dây chuyền lắp ráp và sắp tới là dây chuyền hàn. Dự kiến cuối năm 2019, tập đoàn sẽ cho ra mắt 2 mẫu ô tô điện đầu tiên, mang thương hiệu Việt Nam.

Đi trước đón đầu công nghệ mới

Trong chiến lược của mình, sau khi ra mắt dòng xe Sedan và Suv bình thường vào tháng 9.2019, Vinfast sẽ tiếp tục cho ra đời dòng xe điện mới như tôi vừa nêu. Đây quả là điều đáng mừng khi mà chúng ta tuy có đi sau thế giới về sản xuất ô tô đã quá nhiều thập kỷ. Song, nay lại là một trong không thật nhiều quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô chạy điện.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế động cơ ô tô của hãng Volkswagen (CHLB Đức) cho hay, tại khu vực Đông Nam Á, ngay từ năm 2012, Indonesia đã có chương trình phát triển ô tô điện quốc gia với mục tiêu sản xuất hàng loạt vào năm 2018. Còn Thái Lan, họ có tham vọng lớn hơn nữa khi muốn tận dụng nguồn lực của ngành công nghiệp ô tô sẵn có để phát triển thành một trung tâm sản xuất xe điện lớn của thế giới...

"Sản xuất ô tô điện cần 4 công nghệ cơ bản là: tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện và kỹ thuật điều khiển. Nếu mở rộng cho cả ngành công nghiệp, khi ô tô điện phát triển và khi điện trở thành nguồn năng lượng chính thay thế xăng dầu, lúc đó thị trường pin, động cơ điện và các máy đổi điện sẽ vô cùng quan trọng.

Vì vậy, rất cần thiết phát triển sản xuất ô tô điện sớm và nhanh chóng làm chủ những công nghệ cơ bản này. Nếu Việt Nam không bắt tay làm ô tô điện ngay từ bây giờ, chắc chắn lại đi sau nhiều quốc gia", tiến sĩ Nguyễn Minh Đồng đã nói trên VNn như vậy.

Ông Minh Đồng là người rất tâm huyết với ngành công nghiệp ô tô non trẻ Việt Nam hàng chục năm nay. Ông từng khuyến cáo rất kiên trì việc Việt Nam tránh vấp phải việc dễ dãi khi chấp nhận cho nhập xe có động cơ khí thải kém (ngang tiêu chuẩn Euro2). Đây là loại xe không đủ chất lượng về khí thải theo xu hướng phổ biến của Châu Âu (Euro 3) cần thiết tối thiểu nếu vào Việt Nam ngày đó. Chính tôi cũng từng là một trong những người của báo Thanh Niên đứng ra tổ chức cho ông thuyết trình điều này tại Hà Nội trước các quan chức và chuyên gia kỹ thuật nước nhà năm nào.

Theo khảo sát mới đây của Công ty tư vấn chiến lược quốc tế Frost & Sullivan (Mỹ), thị trường xe điện tiềm năng nhất thuộc về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Khi nhiều người chuyển sang sử dụng ô tô điện, đó cũng là cơ hội để người Việt Nam chấp nhận sự đi tắt đón đầu mà Vinfast mong mỏi, kỳ vọng với tinh thần dân tộc "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", giống như khát vọng nhiều thập kỷ trước đây của người Hàn Quốc từng khích lệ, chỉ dùng xe do người Hàn Quốc sản xuất. Một điều quả là không hề dễ chút nào!

Cần phát động trở lại một phong trào người dân Việt tự hào dùng hàng Việt chất lượng cao!

Tuy nhiên, tôi vẫn có một niềm tin vào câu chuyện này khi mà dân tộc chúng ta cách đây hai chục năm có lẻ đã từng có giai đoạn dài để hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường nước nhà. Ấy vậy mà phong trào "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" được phát động quyết liệt, niềm tin của nhà báo Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ đã góp phần không hề nhỏ cho chiến dịch vận động này suốt cả chục năm trời và chị đã thực sự thành công. Đây là lúc chị đã chuyển sang lo "bếp núc" với vai trò chính cho ấn phẩm Sài Gòn tiếp thị mà chị là người khởi xướng.

Phải thấy được việc mà nhà báo Kim Hạnh làm ngày đó thật đáng trân trọng và tôi rất kính nể chị.Tôi càng trân trọng chị hơn khi thấm thía câu chuyện hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam mà có lúc tưởng chừng như không đỡ nổi ấy.

Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng Công nghiệp nhẹ rồi tiếp đó là bộ trưởng Công nghiệp (suốt cả giai đoạn 1990-2002) hôm rồi đã kể với tôi một câu chuyện thật đáng ghi nhớ trong 12 năm rưỡi ông ở cương vị bộ trưởng, được phục vụ đến 3 đời Thủ tướng (từ ông Đỗ Mười đến ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải). Thời điểm đầu thập niên 90 đã có hiện tượng bia Vạn Lực của Trung Quốc thắng thế ở thị trường miền Bắc và có nguy cơ chiếm lĩnh thị trường bia TP.HCM. Ngay cả các mặt hàng như phích nước cũng vậy.

Ông Đặng Vũ Chư lúc đó là Bộ trưởng Công nghiệp sau khi nghe phàn nàn từ ông Đỗ Mười về hiện tượng trên, đã đề đạt ý kiến lên cấp trên rằng nếu chúng ta hạn chế, giải quyết bằng biện pháp kinh tế không thôi thì không thể được. Ông cho rằng ngành công nghiệp nhẹ nước nhà đang cố gắng nâng cao chất lượng các mặt hàng sản xuất, chế biến trong nước, dùng chất lượng và giá thành đẩy lui dần sản phẩm của họ thì mới hy vọng giành lại vị trí của mình...

Thế rồi bằng quyết tâm cao độ, sau khoảng ba bốn năm, bia Sài Gòn đã dần dần chiếm lĩnh thị phần trở lại, đồng thời bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Điện Quang của chúng ta tiếp sau đó cũng như vậy. Một sự cạnh tranh rất bình đẳng và lành mạnh. Tất cả, thành công có được cũng là từ chất lượng hàng của ta đã cho thấy hơn hẳn hàng địa phương nước họ; giá thành của ta cũng dễ chấp nhận... Từ đó đã đem lại vị thế của hàng Việt Nam với người Việt Nam và các nước trong khu vực.

Quay trở lại chuyện sản xuất ô tô con mang thương hiệu Việt, ông Đặng Vũ Chư nhắc đến câu chuyện Vinaxuki năm xưa và rất lấy làm tiếc cho ông chủ Công ty Xuân Kiên là Bùi Ngọc Huyên, người từng rất tâm huyết với sản xuất xe ô tô con mang thương hiệu Việt. Ông Huyên rất có khát vọng và cũng thật đáng trân trọng.

Ông Chư bảo, một trong những thất bại của ô tô Vinaxuki, đó là do nguồn lực của họ hạn chế, vốn vay lớn khiến các ngân hàng thiếu tin tưởng do tỷ lệ nội địa chưa đảm bảo nên đẫ khép lại không cho họ vay tiếp. Cũng do nguồn lực hạn chế, lại đi chệch hướng từ đầu nên đã gặp không ít khó khăn. Giá như ngày đó Vinaxuki chỉ sản xuất xe tải nhẹ và thực tế họ đã thành công lớn thì có thể đã có thị phần riêng và sẽ dần tích luỹ được vốn. Từ đó, khi mạnh lên rồi hãy tính tiếp...

Do thiếu vốn ngay từ đầu, Vinaxuki đã đầu tư nghiên cứu mẫu mã rất khiêm tốn, chưa đủ sức cạnh tranh với các liên doanh sản xuất xe con tại Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc... cho nên đi tới thất bại rất đáng tiếc.

Hãy cùng nhau chia sẻ từ nhiều phía

Cách làm của Vingroup nay đã rất khác. Tiềm lực họ đã rất mạnh nên ngay từ khâu đầu tư nghiên cứu mẫu mã, khâu sản xuất động cơ... đều luôn có quan hệ chặt chẽ với các hãng xe hơi cực lớn trên thế giới. Vì vậy cho nên khả năng thành công là rất cao.

Thứ nữa, họ biết đón đầu sớm sản xuất dòng xe chạy điện mà thế giới đã và đang thay đổi do biết rõ, đến năm 2020, thế giới cũng dừng không sản xuất dòng xe hơi chạy động cơ Diezel nữa... - nguyên Bộ trưởng Đặng Vũ Chư chia sẻ.

Tuy vậy, do ngành sản xuất ô tô con mang thương hiệt Việt còn quá non trẻ. Nó vẫn rất rủi ro nếu tinh thần dân tộc chưa được khơi nguồn và đặt đúng chỗ. Khi người dân chưa muốn chấp nhận dùng hàng Việt như một "thí nghiệm" để động viên doanh nghiệp Việt thêm phần tự tin thì e rằng cũng rất mệt! Nhằm hỗ trợ chiến lược mới này, Vinfast đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Credit Suisse AG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, theo đó Credit Suisse sẽ thu xếp cho Vinfast khoản vay lên tới 800 triệu USD. Đó là khoản vốn không nhỏ cho cho thấy quốc tế cũng đặt niềm tin vào dự án của ông chủ Phạm Nhật Vượng, người nay đã có 6,4 tỉ USD (con số của ngày 2.4 .2018 do Forbes cung cấp).

Tôi mong rằng nhà nước cũng nên có chính sách bảo hộ cho sản phẩm khá đặc biệt này, khi mà lần đầu chúng ta sản xuất xe ô tô du lịch mang thương hiệu Việt bởi đó còn là danh dự, là niềm tự hào của một quốc gia có gần trăm triệu dân. Đành rằng, chính sách thuế là của chung toàn xã hội, cần được bình đẳng, không phục vụ riêng cho một doanh nghiệp nào.

Song, trong khi chúng ta hô hào vận động các nhà sản xuất sản phẩm ít gây hoặc không gây ô nhiễm môi trường như xe ô tô điện Vinfast của tập đoàn Vingroup thì rất nên ủng hộ. Nhà nước cần chăm chút, nâng niu nó để nó đủ sức vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu đó. Xã hội cần có một cuộc vận động khéo léo, bài bản, rộng lớn để người dân hưởng ứng, tiêu thụ sản phẩm với niềm tự hào của người Việt.

Như vậy, nhà nước cũng nên khuyến khích người dân nếu mua xe ô tô điện bằng cách trích thưởng từ thuế (dạng trợ giá) khi mua loại xe này. Nó hoàn toàn giống như nhiều năm trước chúng ta đã hỗ trợ người dân: Hễ nhà nào mua giàn thái dương năng (bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời) thì nghiễm nhiên được nhà nước trả lại một khoản tiền khoảng dưới 10% (nếu tôi nhớ không lầm). Cũng tương tự như vài chục năm trước khi điện táng, dân mình còn vô cùng lạ lẫm, nghi ngại thì nhà nước ta đã khuyến khích, hỗ trợ những gia đình nào chấp nhận đưa thi hài đi điện táng sẽ được giảm một khoản tiền nào đó cho người dân để đỡ đi đôi chút khi phải chi phí cho việc mai táng này...

Tôi nhắc lại chuyện này để thấy, dù phía trước đã hé lên một khát vọng đáng tự hào của người Việt chúng ta khi đón nhận chiếc xe ô tô con đầu tiên và tiếp đó là xe ô tô điện mạng thương hiệu Việt, nhưng khó khăn cũng ở phía trước với nhà sản xuất, cần được xã hội quan tâm, chia sẻ từ nhiều phía. Chỉ có vậy, khát vọng Việt mới có thể đi đến cái đích cuối cùng rất đáng tự hào ấy.

QUỐC PHONG

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiều và tối 5.5, nhiều khu vực trên cả nước có mưa dông
12 phút trước Sự kiện
Kết thúc đợt nắng nóng diện rộng, nhiều khu vực trên cả nước xuất hiện mưa dông, có nơi mưa to.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng ô tô thương hiệu Việt của tỉ phú đô la đi lên từ mì ăn liền