Mấy ngày nay, ở thị trấn Ba Chúc, nhiều cán bộ và người dân xôn xao khi vỡ chuyện có đến 114 loại giấy tờ khen thưởng dành cho người và tổ chức có công với cách mạng chưa được phát đến tay người thụ hưởng.

Khi giấy tờ của người có công 'ngủ yên' 42 năm

08/06/2017, 15:12

Mấy ngày nay, ở thị trấn Ba Chúc, nhiều cán bộ và người dân xôn xao khi vỡ chuyện có đến 114 loại giấy tờ khen thưởng dành cho người và tổ chức có công với cách mạng chưa được phát đến tay người thụ hưởng.

Bà Niên vừa nhận tấm bằng khen đã... úa màu vì bị cán bộ bỏ quên

Trong đó có những loại giấy tờ được ký từ những năm 1975. Tức chúng “ngủ yên” tại cơ quan công quyền của thị trấn này đã 42 năm.

Trong lúc trưng dụng lại cái tủ đã cũ, cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội ở thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang tá hỏa khi phát hiện 114 bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến, Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ)… đã úa màu trong tủ. Có những giấy tờ khen thưởng được ký từ lúc đất nước mới giải phóng, đến nay mới lòi ra.

Mà sự việc chưa chắc đã được phát hiện, nếu như cán bộ phụ trách mảng này, trước đó không đột tử. Người kế nhiệm vô tình dọn dẹp chiếc tủ, mới phát hiện ra. Ngay sau đó, chính quyền “chữa cháy” bằng cách rà tìm thân nhân những người có công để cấp phát các giấy tờ này. Đồng thời họ có xin lỗi thân nhân của những người được khen thưởng về sự cấp phát quá trễ này.

Nhưng rồi, vẫn còn lại 62 Bằng khen, Huân chương… các loại chưa được cấp phát, bởi do sai tên, hoặc không tìm được thân nhân người có công. Và tính từ 1975 đến nay đã qua 7 đời cán bộ LĐ-TB&XH và 6 đời chủ tịch thị trấn Ba Chúc, nên chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai?

Thực ra, đa số thân nhân những người được khen thưởng mà cán bộ ở thị trấn Ba Chúc “quên” cấp phát giấy tờ hàng thập kỷ qua, cho biết họ đã được hưởng chế độ ưu đãi. Nhưng họ buồn về mặt tình cảm là bằng Tổ quốc ghi công, hay Huân chương được ký khen từ mấy chục năm về trước đến nay mới tới tay họ.

Như bà Vi Thị Niên - 52 tuổi, ấp Vĩnh Phú, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, cho biết, cha mẹ bà là ông Vi Văn Tòng và Nguyễn Thị Ba, được Hội đồng Bộ trưởng cấp bằng khen vào năm 1987. Thế nhưng chờ đến khi cha mẹ bà đều qua đời, thì bất ngờ chừng 2 tháng trước, cán bộ ở thị trấn Ba Chúc mời em của bà đến nhận bằng khen đã úa màu, không kèm theo tiền khen và dính đầy bụi bặm.

“Tui bức xúc chuyện này dữ dằn lắm! Bởi mình nghĩ cha mẹ mình đã nuôi cách mạng, góp tiền góp sức rất nhiều. Cha tui đóng cả trăm chiếc xuồng lườn cho người làm cách mạng bơi trong rừng, bị bắt đánh tét đầu. Vậy mà chờ mãi nhận được bằng khen cũ, thua giấy khen học sinh. Phải chi có cái khung hay bó hoa mang về tui để lên bàn thờ cúng cha mẹ tui cũng đỡ buồn. Cầm bằng khen mà tui khóc”, bà Niên tâm sự.

Số bằng khen, Huân chương... bị bỏ quên trong chiếc tủ này

Có thể không ai trong số những người đã mất, khi đóng góp cho đất nước, họ trông chờ tấm bằng khen hay huân chương, huy chương gì cả. Nhưng chính những cán bộ tại vị mới là người có trách nhiệm phải làm việc đó, ghi nhận công lao, công trạng của họ. Người ta giúp mình việc gì, mình còn cám ơn, huống chi họ cống hiến cả gia sản hay xương máu cho đất nước, mà các cán bộ này - những người đại diện, lại không biết làm nghĩa cử “cám ơn” ấy.

Nợ nhiều lắm! Của cho không bằng cách cho! Chúng ta cho người khác 1 gói xôi, nhưng chúng ta trân trọng trao nó bằng 2 tay, thì người được nhận mừng lắm. Còn chúng ta cho họ con gà quay, nhưng đưa như vứt cho họ, thì họ đau lắm. Chính quyền thị trấn này nợ những người có công và thân nhân của họ nhiều lắm!

Khi 1 người thân quen đã mất, nếu hay tin, chúng ta đến ngay đám tang để thắp nhang. Còn để chờ chừng 1 tháng sau mới đến, cái tình ấy nó lạt lẽo làm sao. Ngay cả đứa học sinh, được công bố học sinh xuất sắc, mãi 1 năm sau nó mới nhận được bằng khen, nó buồn với bạn bè, chúng bạn lắm chứ. Nói miệng về thành tích suốt 1 năm qua, ai tin?

Đây rõ ràng là việc làm tắc trách! Dưới thì thờ ơ, trao tặng được hay không chẳng báo, thậm chí báo cáo láo. Còn cấp trên, chẳng màng kiểm tra. Lỗi cả hệ thống trên dưới, chứ chẳng thể cứ đổ lỗi cho cấp dưới!

Bởi nếu các cán bộ này thường xuyên đến thăm viếng, thực hiện trách nhiệm đối với người có công mà luật đã quy định - chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước, thì họ đã biết chuyện những gia đình này chưa nhận bằng khen, huân chương, huy chương từ lâu rồi. Đàng này, người ta nghĩ, đã có trong danh sách trao tặng rồi, thế là xong, lui tới nữa làm gì!...

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi giấy tờ của người có công 'ngủ yên' 42 năm