Tuyến đường Vành đai 3, 4 là các tuyến kết nối vùng, thuộc trách nhiệm đầu tư của Trung ương. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một phần đường Vành đai 3 được phê duyệt. Các đoạn còn lại đến nay chưa được bố trí vốn, xác định được phương thức đầu tư nên TP.HCM vẫn chưa thể triển khai.

Khi nào mới khép kín đường Vành đai 3, 4 ở TP.HCM?

08/06/2020, 19:22

Tuyến đường Vành đai 3, 4 là các tuyến kết nối vùng, thuộc trách nhiệm đầu tư của Trung ương. Tuy nhiên, đến nay chỉ có một phần đường Vành đai 3 được phê duyệt. Các đoạn còn lại đến nay chưa được bố trí vốn, xác định được phương thức đầu tư nên TP.HCM vẫn chưa thể triển khai.

Bản đồ quy hoạch 4 tuyến đường Vành đai ở TP.HCM - Ảnh: Internet

Cấp bách khép kín Vành đai 3, 4

Theo quy hoạch đã được phê duyệt thì TP.HCM có tổng cộng 4 tuyến đường Vành đai. Trong đó, đường Vành đai 1 nằm gần với trung tâm TP.HCM đã được khép kín. Còn tuyến đường Vành đai 2 khi khép kín sẽ dài 70km, đi qua các quận, huyện gồm quận 2, quận 7, quận 8, quận 9, Bình Tân, Bình Chánh và Thủ Đức.

Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 3, 4 là các tuyến kết nối vùng, thuộc trách nhiệm đầu tư của ngân sách Trung ương, và Bộ Giao thông vận tải là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý.

Dự án vành đai 3 kết nối liên vùng TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 có tổng chiều dài khoảng 98,5 km. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.871 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà nước 9.729 tỉ đồng, nhà đầu tư 10.142 tỉ đồng.

Theo UBND TP.HCM, tuyến đường Vành đai 3 khi được xây dựng hoàn chỉnh sẽ kết nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 với các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài. Điều này sẽ góp phần tăng cường liên kết vùng, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tuyến đường này cũng sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch; phân luồng hiệu quả các loại phương tiện giao thông (hạn chế quá cảnh vào trung tâm TP.HCM), giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã cùng thống nhất cao về sự cần thiết và tính cấp bách phải thực hiện đầu tư khép kín Vành đai 3. Tuy nhiên, do dự án chưa xác định được nguồn vốn đầu tư nên thành phố chưa có đủ cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Về dự án này, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng đường Vành đai 3 mang tính chiến lược không chỉ riêng ở TP.HCM mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Vành đai 3 có vốn đầu tư rất lớn, nên việc kêu gọi nhà đầu tư và tiến hành xã hội hóa là đặc biệt cần thiết.

Còn tuyến đường Vành đai 4 có tổng chiều dài là 196,5 km với quy mô 6-8 làn xe. TP.HCM nhận định tuyến đường này có vai trò quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ tính kết nối liên vùng (trong đó có kết nối đến Khu đô thị cảng Hiệp Phước), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cần đẩy nhanh tiến độ để sớm triển khai dự án

Mặc dù là những tuyến đường huyết mạch nhưng UBND TP.HCM cho biết đến nay chỉ có một phần đường Vành đai 3 thuộc dự án thành phần 1A và dự án thành phần 1B được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Các đoạn còn lại đến nay chưa được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, chưa xác định được phương thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư nên TP.HCM chưa thể triển khai phương án ứng vốn theo Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.

Đáng chú ý, để đẩy nhanh tiến độ khép kín các tuyến đường Vành đai, UBND TP.HCM mới đây kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ đầu tư hoàn thành các dự án khép kín Vành đai 3 trong giai đoạn 2020-2025.

Cụ thể, đối với dự án thành phần 1A, Bộ cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng sau khi hiệp định vay được ký kết. Đối với dự án thành phần 1B được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT thì cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư, sớm triển khai khởi công dự án. Đối với các đoạn còn lại báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt chủ trương thực hiện dự án sử dụng vốn ODA theo đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đối với Vành đai 4, TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến. Trong giai đoạn 2020-2025, Chính phủ cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư và triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
một giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào mới khép kín đường Vành đai 3, 4 ở TP.HCM?