Năm 2000, Việt Nam đưa khoản 5 điều 10 vào Luật hôn nhân và gia đình, cấm hai người cùng giới tính kết hôn. Về luật pháp, đây là một “bước lùi” vì trước đó Luật hôn nhân và gia đình không hề đề cập đến hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.

Khi nào Việt Nam có thể nói: chúng tôi đã từng cấm hôn nhân cùng giới?

Một Thế Giới | 12/11/2013, 13:13

Năm 2000, Việt Nam đưa khoản 5 điều 10 vào Luật hôn nhân và gia đình, cấm hai người cùng giới tính kết hôn. Về luật pháp, đây là một “bước lùi” vì trước đó Luật hôn nhân và gia đình không hề đề cập đến hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.

           
260305_516180288442794_1482237478_n

Ngày hội thức tỉnh đón cầu vồng ở Hà Nội (Ảnh: ICS)

Về nhận thức xã hội, đây là việc khẳng định quan điểm của nhà nước về đồng tính lúc bấy giờ: đồng tính là sai trái, là một điều không mong đợi. Nhiều lãnh đạo còn kêu gọi đưa quan hệ cùng giới vào danh sách tệ nạn xã hội cần xóa bỏ. Năm 2000, cộng đồng người đồng tính hầu như không xuất hiện, không có cơ hội lên tiếng. Trong xã hội, không có thảo luận về chủ đề đồng tính, và báo chí truyền thông hầu như không đưa tin. Việc thông qua luật diễn ra dễ dàng trong khuôn viên hội trường Ba Đình nơi quốc hội họp.

Năm 2013, Quốc hội thảo luận về Luật hôn nhân gia đình và chủ đề hôn nhân cùng giới lại được đề cập đến. Chính phủ đề xuất bỏ khoản 5 điều 10 cấm hôn nhân giữa hai người cùng giới tính, thêm vào câu “không thừa nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới tính”, và bổ sung các điều khoản giải quyết một số hậu quả pháp lý cho các cặp đôi cùng giới sống chung như vợ chồng. Như vậy, nếu so với Luật hiện hành thì đề xuất này có tiến bộ hơn? Cộng đồng LGBT và xã hội nên hiểu vấn đề này như thế nào?

Trước tiên, phải khẳng định quan điểm về đồng tính và hôn nhân cùng giới của nhà nước năm 2013 đã khác hoàn toàn so với năm 2000. Năm 2000, đồng tính bị coi là bệnh, là tệ nạn xã hội, người đồng tính cần bị lên án và quan hệ cùng giới phải bị xóa bỏ. Năm 2013, đồng tính được coi là tự nhiên không phải là bệnh, người đồng tính không bị lên án, quan hệ cùng giới trên thực tế được thừa nhận, dự thảo luật nhấn mạnh đến việc chống kỳ thị và bảo vệ cuộc sống riêng tư của người đồng tính.

181618_516179128442910_401119459_n

Về nội dung, Luật năm 2000 cấm quan hệ cùng giới, có nghĩa nếu đăng ký kết hôn thì bị phạt. Ngoài ra, có nghị định của chính phủ hướng dẫn phạt hành chính, dẫn đến việc can thiệp của chính quyền địa phương vào đám cưới và cuộc sống riêng tư của người đồng tính. Dự thảo năm 2013 đã bỏ điều cấm hôn nhân cùng giới; chưa cho đăng ký kết hôn, nhưng thừa nhận sự hợp pháp của quan hệ cùng giới bằng cách bổ sung một số điều về quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ, con và quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ và con trong quan hệ giữa hai người cùng giới tính.

Tuy dự thảo chưa thừa nhận hôn nhân bình đẳng, hoặc cho phép hai người cùng giới đăng ký dân sự, đây là lần đầu tiên đồng tính và quan hệ cùng giới được hợp pháp hóa trong một văn bản pháp luật của Việt Nam. Việc chưa thừa nhận hôn nhân cùng giới, như các nhà làm luật giải thích, là do họ phải thỏa hiệp các luồng ý kiến khác nhau hơn là vì vẫn coi đồng tính và quan hệ cùng giới là sai trái. Khách quan nhìn nhận, nếu so sánh với với luật năm 2000 và các nước châu Á khác, Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc hợp pháp hóa quan hệ giữa hai người cùng giới tính.

Nhưng điều quan trọng hơn, bối cảnh xã hội năm 2013 đã khác hoàn toàn năm 2000. Những chiến dịch vận động xã hội và vận động luật pháp đã được thực hiện không những ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mà đã lan tỏa ra khắp cả nước. Người dân đã tham gia rộng rãi vào những thảo luận trên truyền thông, báo chí, các diễn đàn internet. Tranh luận đã len lỏi vào các quán café, trường học, công sở và gia đình. Có người phản đối, có người ủng hộ, có người băn khoăn nhưng đồng tính không còn là một chủ đề cấm kỵ nữa. Điều này giúp cho công chúng có thêm kiến thức và thông tin đúng về cộng đồng LGBT. Những giá trị về quyền bình đẳng, tình nhân ái, và sự tôn trọng đã được lan tỏa, dẫn đến việc ngày càng có nhiều người ủng hộ hơn.

img_3845

Những cơ quan nhà nước như Bộ y tế và Đoàn thanh niên, các nhà hoạch định chính sách như Chủ nhiệm ủy ban pháp luật Phan Trung Lý, hay Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường đã công khai ủng hộ quyền bình đẳng của người đồng tính. Những người nổi tiếng như nhà báo Tạ Bích Loan, ca sĩ Thu Minh, hay MC Thảo Vân đã tham gia chiến dịch “Tôi đồng ý” cùng hàng chục tổ chức phi chính phủ, tập đoàn kinh tế và các tổ chức Liên hợp quốc ủng hộ hôn nhân cùng giới. Có thể nói, người đồng tính đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều người từ các nhóm xã hội khác nhau.

Việc tranh luận công khai về chủ đề đồng tính và hôn nhân cùng giới ở Việt Nam tưởng như bình thường nhưng lại là điều mà các nước như Singapore, Indonesia, Malaysia hay Myanmar không thể làm được. Do tôn giáo và luật pháp, chủ đề đồng tính bị kiếm soát, thậm chí bị cấm trên báo chí và internet. Điều này bóp chết thảo luận xã hội, loại bỏ sự tham gia của cộng đồng LGBT, và ngăn cản người ủng hộ hôn nhân cùng giới lên tiếng. Cộng đồng LGBT Việt Nam đã tận dụng tốt môi trường thuận lợi của mình, tổ chức và đẩy cuộc thảo luận về quyền trong nội bộ cộng đồng, trong xã hội và hiện đã đưa lên bàn nghị sự của chính phủ và quốc hội.

Hiện nay, dự thảo luật đã được trình và trách nhiệm đang nằm trong tay các vị đại biểu quốc hội. Trong số họ, có người phản đối, có người ủng hộ, và có người còn băn khoăn. Quốc hội có thể đồng ý với dự thảo đệ trình hiện tại, thụt lùi hoặc tiến xa hơn dự thảo và cho phép cộng đồng người đồng tính sống chung có đăng ký, hoặc kết hôn bình đẳng. Dù mức độ thừa nhận đến đâu, cộng đồng LGBT nên tự hào là họ đã tiến rất nhanh và rất xa so với năm 2000 cũng như các nước trong khu vực châu Á. Như một nhà vận động quyền đã nói “bánh xe đã lăn và đích đến là tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người!”.

Theo dienngon.vn

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành thanh tra thị trường vàng trong tháng 5
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng, hoàn thành thanh tra, kiểm tra thị trường vàng trong tháng 5.2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào Việt Nam có thể nói: chúng tôi đã từng cấm hôn nhân cùng giới?